Người dân khốn đốn vì… lô cốt
Mang tiếng là khu “nhà giàu” với nhiều cao ốc, tòa nhà lớn nhất TP Hồ Chí Minh nhưng dân sống ở đây, nhất là dân buôn bán đều thất thu sau những cơn mưa lớn. Để giải quyết tình trạng này, công trình nâng cấp sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được triển khai, gần giữa tháng 11-2019, rào chắn, “lô cốt” được dựng lên choáng hết mặt đường. Vì mong hết cảnh ngập sau mưa, nhiều người thấy công trình tỏ thái độ hoan hỉ mặc cho hằng ngày phải đi lại khó khăn qua tuyến đường này. Tuy nhiên, gần một năm nay, công trình vẫn ì ạch, người dân lưu thông qua khu vực cao điểm thường bị nghẽn lại vì các lô cốt, hàng quán 2 bên đường rơi vào tình cảnh ế ẩm vì bị lô cốt choáng hết… mặt tiền.
Ông Nguyễn Văn Thành, nhà ở khu vực này cho biết: “Cứ cao điểm buổi sáng và buổi chiều là đoạn đường này rơi vào điệp khúc kẹt xe. Nhiều lúc trời mưa, vào giờ tan sở, dòng người ken chân, nhích từng mét một để qua đoạn lô cốt này. Kẹt xe triền miên nên những hộ buôn bán rơi vào cảnh ế ẩm. Thời gian gần đây do dịch bệnh, người dân ít ra đường, khu vực này thông thoáng một chút. Mong rằng công trình mau hoàn thành, người dân không sống trong cảnh ngập, lô cốt được tháo dỡ để người dân còn làm ăn kiếm kế sinh nhai!”.
Tại 2 rào chắn thi công 2 bên đường Điện Biên Phủ, đoạn qua giao lộ với đường Nguyễn Văn Thương (đường D1 cũ) - nút giao lớn ở chân cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh với hàng dài lô cốt choáng hết làn đường, các phương tiện di chuyển lưu thông bát nháo, ùn ứ liên tục diễn ra. Tại đây có một trạm xe buýt vẫn đang hoạt động, mỗi lần xe buýt dừng đón trả khách thì tái diễn tình trạng kẹt xe. Nút “thắt cổ chai” tại khu vực này khiến nhiều người khốn khổ, nhất là khi mưa lớn. Chị Mai, một người kinh doanh hàng ăn ở khu vực này than thở: “Lô cốt dựng dọc tuyến đường làm choáng hết cửa hàng buôn bán, khách lưu thông trên đường mệt mỏi để qua khu vực này thì lấy đâu tâm trí để vào ăn uống!”.
Tình trạng lô cốt dựng lên thi công các công trình trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tái xuất hiện khiến người đi đường khổ sở, sinh hoạt của các hộ dân cạnh các lô cốt bị đảo lộn. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh (Sở GTVT), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang có 123 vị trí dựng lô cốt, rào chắn trên 60 tuyến đường để thi công công trình, các dự án giao thông, cải thiện môi trường nước. Với những công trình thi công ì ạch, không đúng tiến độ gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh doanh của các người dân, Thanh tra Sở GTVT đã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về rào chắn, vi phạm về tái lập mặt đường.
Lô cốt tại khu vực cầu vượt Cây Gõ, quận 6 tồn tại nhiều năm. |
Theo ông Trần Quốc Khánh - Chánh Thanh tra Sở GTVT, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 300 vụ vi phạm, lập biên bản xử phạt nhiều công trình thi công ẩu, thi công không đúng giấy phép, nhắc nhở 113 trường hợp liên quan đến rào chắn không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến người dân.
Theo ghi nhận, trong 123 lô cốt án ngữ trên 60 tuyến đường có nhiều “lô cốt” được dựng lên trong nhiều năm nhưng công trình thi công bên trong vẫn ì ạch không có dấu hiệu hoàn thành. Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2 được khởi công từ năm 2010, đến nay mọi thứ trên công trình này vẫn còn dang dở. Tại khu vực đường Phạm Thế Hiển - Cao Lỗ (quận 8), người dân cho biết, công trình đã rào chắn hơn 2 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành. Chỉ riêng quận 8 có đến 18 vị trí dựng lô cốt, đường Phạm Thế Hiển chiếm đến 8 vị trí rào chắn khiến người dân ở quận này lúc nào cũng thấy bức bối, nhất là vào các giờ cao điểm.
Theo một cán bộ Sở GTVT, trước các bất cập về thi công các công trình có rào chắn, lô cốt gây ảnh hưởng đến người dân Sở GTVT tiếp tục cho các đoàn thanh tra, kiểm tra các công trình, sẽ từ chối cấp phép cho các công trình thi công không đúng thời gian, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của người dân. Sở GTVT đề nghị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chấn chỉnh tình trạng thi công mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Yêu cầu những đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc bố trí người điều tiết giao thông theo đúng phương án tổ chức giao thông.
Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TP có trách nhiệm theo dõi việc khắc phục của Ban quản lý dự án giao thông. Nếu việc khắc phục chưa được thực hiện, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TP báo cáo Sở GTVT và từ chối tiếp nhận hồ sơ đề xuất cấp phép thi công thuộc dự án chưa khắc phục cho đến khi khắc phục toàn bộ.