Hơn 20 năm chưa làm xong tuyến đường chính ở khu đô thị

Chủ Nhật, 16/05/2021, 09:30
Việc thực hiện hoàn chỉnh hạ tầng trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh - nơi có khu đô thị được quy hoạch hiện đại nhất cả nước vẫn chưa được triển khai mặc cho tình trạng quá tải hạ tầng giao thông và người bị ảnh hưởng quyền lợi bức xúc.

Liên quan đến trách nhiệm đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường Nguyễn Văn Linh, tháng 8/2020, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phối hợp rà soát hồ sơ pháp lý tuyến đường để có cơ sở đánh giá đầy đủ về trách nhiệm của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phải thực hiện. 

Mật độ phương tiện lưu thông lớn, nhưng đường Nguyễn Văn Linh đang bị thắt cổ chai.

Nhưng đến nay, việc thực hiện hoàn chỉnh hạ tầng trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh - nơi có khu đô thị được quy hoạch hiện đại nhất cả nước vẫn chưa được triển khai mặc cho tình trạng quá tải hạ tầng giao thông và người bị ảnh hưởng quyền lợi bức xúc.

Thông tin với Sở GTVT Thành phố về việc đầu tư hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến đường Nguyễn Văn Linh theo quy hoạch vào giữa năm ngoái, ông Tseng Fan Chih, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cho biết, theo thiết kế kỹ thuật tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã được Bộ Xây dựng phê duyệt vào năm 1999, thì tuyến đường này còn thiếu một số hạng mục như các tuyến đường gom vào các khu chức năng B, C, D và E thuộc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với mỗi bên còn phải bổ sung 2 làn xe mặt phố để phục vụ tiếp cận trực tiếp các khu này. Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ thực hiện việc thi công này ngay sau khi công tác bồi thường, giải tỏa được làm xong và bàn giao mặt bằng. 

Theo ông Tseng Fan Chih, đoạn đường từ Huỳnh Tấn Phát đến đường Nguyễn Thị Thập đến nay chưa thực hiện đúng thiết kế về số làn xe là do tuân thủ yêu cầu chỉ đạo của các cơ quan thẩm quyền thuộc Thành phố và quận 7 liên quan đến việc không được lấp sông rạch để thi công theo thiết kế. Bởi Thành phố đã yêu cầu Công ty Phú Mỹ Hưng thực hiện đầy đủ các làn xe với quy mô đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với đoạn đường từ Nguyễn Thị Thập đến đầu Khu chế xuất Tân Thuận nhằm làm giảm ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Nhưng kèm theo đó là yêu cầu không được lấp rạch gây cản trở thoát nước cho khu vực và ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu đã được phê duyệt sau này như cầu Đa Khoa, cầu Lý Phục Man…

Tháng 5/2017, Công ty Phú Mỹ Hưng đã đề xuất phương án sơ bộ mở rộng và hoàn thiện đoạn đường Nguyễn Văn Linh từ Huỳnh Tấn Phát đến Nguyễn Thị Thập mỗi bên thêm 13,5m, nâng bề rộng  nền đường lên 57m để đáp ứng quy mô 10 làn xe. Phương án này đã được Sở GTVT chấp thuận do phù hợp với thiết kế kỹ thuật đã được Bộ Xây dựng phê duyệt và thống nhất việc đầu tư hoàn thiện đoạn đường trên. Công ty Phú Mỹ Hưng cam kết sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020 hoặc chậm nhất vào quý 1/2021. Tuy vậy đến nay, dự án vẫn án binh bất động. 

Báo cáo UBND Thành phố vào ngày 5/3 vừa qua, ông Phạm Văn Toàn, Phó Ban quản lý khu Nam cho biết, dự án khu D - Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã có quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1996. Đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đền bù gây thiệt hại rất lớn cho người dân có đất trong dự án. Ngoài ra, việc không triển khai xây dựng khu D đồng bộ với các dự án khác trong khu vực làm ảnh hưởng đến các hộ dân đã nhận nền tái định cư thuộc cụm lô H4 tiếp giáp tuyến đường quy hoạch lộ giới 30m. Để giải quyết tình trạng trên, Ban Quản lý khu Nam đã nhiều lần làm việc với UBND quận 8 và các đơn vị liên quan tìm phương án giải quyết lối đi tạm cho người dân song vẫn bế tắc.

Với tình hình trên, sau hơn 20 năm được phê duyệt, chủ đầu tư Dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng là Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng - một công ty liên danh giữa IPC với đối tác Đài Loan (Trung Quốc) mới chỉ bỏ tiền tập trung làm căn hộ để bán và cho thuê tại Khu trung tâm đô thị mới (khu A). 

Trong khi đó, theo giấy phép đã cấp cho Liên doanh Phú Mỹ Hưng, thời gian xây dựng tuyến đường trên không quá 7 năm và thời gian Công ty Liên doanh được phép quản lý, kinh doanh (đặt trạm thu phí để hoàn vốn) là 30 năm. Phí vẫn thu trong khi đường chưa làm xong. Đường kết nối vào 4 khu chức năng khác thuộc quy hoạch Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hầu như chưa có gì.

Để xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tổng mức vốn của liên doanh lên tới 242 triệu USD, trong đó vốn pháp định của Công ty Liên danh là 60 triệu USD và phía Việt Nam là IPC chỉ góp được 18 triệu USD, tương đương với 30% vốn pháp định bằng quyền sử dụng 600ha đất trong vòng 50 năm. Về phía Thành phố, trách nhiệm của Liên doanh này là bỏ ra 28,5 triệu USD san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình công cộng trên phần diện tích 150ha nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị Phú Mỹ Hưng để bàn giao lại cho Thành phố. Đến nay, trong số 600ha quy hoạch Khu độ thị Phú Mỹ Hưng vẫn còn đến hàng trăm ha chưa được bồi thường, giải tỏa.

Đ.Thắng

.
.
.