Hải Phòng tràn lan công trình xây dựng trên đất nông nghiệp

Thứ Ba, 09/08/2022, 06:31

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã phát hiện và xử lý kiên quyết đối với một số công trình “khủng” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi thực tế tình trạng này đang diễn ra phổ biến và gây nhiều hệ lụy…

Xây dựng trái phép từ công trình nhỏ, đến... đại công trình

Phường Đồng Hòa, quận Kiến An, mặc dù là đô thị nhưng vẫn còn rất nhiều diện tích đất nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, đây là “điểm nóng” về vi phạm sử dụng đất. Đáng chú ý, chỉ trong thời gian ngắn, tại ngõ 55 đường Đất Đỏ, thuộc tổ dân phố Đống Khê 1, đã có đến 15 hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép nhà ở và các công trình khác trên đất nông nghiệp. Còn tại khu vực bãi bồi ven sông Lạch Tray, hiện có 299 hộ xây dựng nhà ở, nhà xưởng, nhà trọ và 28 tổ chức xây dựng văn phòng, nhà xưởng, nhà ở cho công nhân trái phép trên đất thuê thầu…

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Đồng Hòa cho biết, từ khi về nhận công tác tại phường năm 2020 đến nay đã chỉ đạo xử lý rất nhiêu công trình sai phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Nhất là trong những dịp lễ, Tết, cán bộ phường phải căng mình kiểm tra, giám sát vì thời điểm này người dân tranh thủ xây dựng công trình trái phép. “Mới đây nhất, UBND phường Đồng Hòa lại phá dỡ thêm công trình vi phạm xây trên đất 5% thuê thầu do địa phương quản lý ở bãi bồi ven sông Lạch Tray, thuộc tổ dân phố Tân Khê”, ông Cường cung cấp thêm.

Tình trạng xây dựng, san lấp trái phép cũng diễn ra phổ biến ở phường lân cận là Lãm Hà (cùng quận Kiến An) hay các xã ven đô như Đồng Thái, Hồng Thái (huyện An Dương). Ở các xã ở khu vực ngoại thành, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng “nóng” không kém phần. Trên đia bàn xã Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo) hiện đang có tới gần 20 công trình xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp vẫn chờ xử lý từ nhiều năm nay.

Tại xã Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo), cũng trên đất nuôi trồng thủy sản, chính quyền vừa phát hiện 2 công trình nhà ở kiên cố mọc lên. Còn trên địa bàn xã An Thọ (huyện An Lão), xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy) hàng nghìn mét vuông đất nuôi trồng thủy sản được chuyển đổi thành hồ câu cá giải trí, nhà hàng, dịch vụ ăn uống…

Không chỉ là những vụ việc vi phạm nhỏ lẻ, mà còn có nhiều đại công trình xuất hiện. Cụ thể là hàng chục công trình nhà ở hoành tráng, trị giá cả chục tỷ đồng xây dựng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp rộng hơn 100ha đất nông trường Quý Cao của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao, thuộc địa bàn 2 xã Đại Thắng và Tiên Cường (huyện Tiên Lãng).

Hay như tại huyện Kiến Thụy, Khu trải nghiệm BigSun đã lắp đặt, dựng lên một số hạng mục công trình trên đất nông nghiệp tại xã Hữu Bằng. Tổ hợp Sông Trăng Quán, trên diện tích đất thuê phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Thanh Sơn, chủ sử dụng đã cho xây dựng nhiều công trình như: Nhà gỗ, nhà lợp mái lá, cổng xây bằng gạch chỉ, cầu bắc qua mương... Ngoài ra, còn khu kinh doanh dịch vụ du lịch tổng hợp Hữu Bằng Resort trên địa bàn xã Hữu Bằng đã “tận dụng” 300m2 là đất làm đường giao thông để làm khuôn viên.

7-1.jpg -0
Hàng loạt công trình, trong đó có biệt thự xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý

Sau khi “điểm tên” một số công trình “khủng” vi phạm, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu các địa phương đang khẩn trương kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất nông nghiệp. Những con số thống kê ban đầu đã cho thấy, tình trạng vi phạm thời gian qua diễn ra tràn lan như thế nào. Trong đó, tại huyện An Dương, từ năm 2002 đến nay, có hơn 600 trường hợp sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, như san lấp mặt bằng tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình, nhà ở trái phép..., với tổng diện tích hơn 189 nghìn m2.

Còn ở quận Dương Kinh, từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2022, các cơ quan chức năng phát hiện hơn 30 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tại huyện Vĩnh Bảo, hiện tồn tại hàng trăm trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ trồng cây hằng năm sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản…Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, qua kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện Thủy Nguyên, đã phát hiện 98 vụ vi phạm quy định sử dụng đất đai.

Hậu quả của những vi phạm kể trên là rất nhiều, nhưng rõ nhất là công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, công trình trọng điểm gặp nhiều khó khăn. Điển hình như tại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua huyện Vĩnh Bảo. Đến nay, “điểm nghẽn” lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng là hơn 20 trường hợp tự ý xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc trên đất nông nghiệp, đất thuê thầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu ở xã Nhân Hòa.

Để xảy ra vi phạm có thể nhận thấy trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng đầu chính quyền cơ sở, cụ thể là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Bởi cùng với các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, năm 2019, UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành Quyết định số 19 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, chủ tịch UBND cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý tất cả các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý. Các trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý phải chuyển hồ sơ, đề xuất chủ tịch UBND quận, huyện xử lý theo quy định…

Tuy nhiên thực tế, tại địa bàn xã, phường, việc phát hiện công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không quá khó khăn, bởi hoạt động từ việc san lấp, đến xây dựng đều phải trải qua thời gian hằng tuần, thậm chí cả tháng, có công trình đến vài năm, không thể giấu kín, qua mắt một ai được. Nếu địa phương phát hiện sớm vi phạm và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan xử lý kiên quyết, hiệu quả ngăn chặn sẽ rất cao. Thế nhưng, khi đã xảy ra vi phạm, do sự thiếu kiểm tra, đôn đốc quyết liệt của chính quyền cấp trên, ở nhiều nơi chính quyền cơ sở cơ bản không quyết liệt, nếu có xử lý cũng chỉ qua loa, thậm chí là phạt cho… tồn tại.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Chủ tịch UBND các xã An Thọ (huyện An Lão), Hồng Thái (huyện An Dương) hay xã Tiên Cường (huyện Tiên Lãng), đều cho biết có phát hiện các công trình vi phạm. Do lực lượng mỏng không thể quản lý, giám sát 24/24 giờ nên người dân tranh thủ mọi lúc có thể để thực hiện vi phạm…

Để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, cùng với xây dựng, thực hiện lộ trình, giải pháp xử lý dứt điểm những trường hợp sai phạm trước đây, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các địa phương cũng cần xem xét, quy rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định, tạo bài học kinh nghiệm sâu sắc về ý thức trách nhiệm, kỷ cương thi hành công vụ trong cán bộ làm nhiệm vụ quản lý đất đai, xây dựng.

Theo đó, các địa phương Kiến Thụy và Tiên Lãng, những nơi để xảy ra xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ngoài việc phải xử lý đối các trường hợp vi phạm còn phải xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm và chậm trễ trong xử lý sai phạm. Đến nay, UBND huyện Kiến Thụy đã điều chuyển công tác Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng, ông Phạm Văn Khiển, do vi phạm trong quản lý đất đai, chờ các bước xử lý tiếp theo.

V.Huy
.
.
.