Thâm nhập đường đi bất thường của khoáng sản

Bí ẩn trong bãi tập kết khoáng sản (Bài 1)

Thứ Tư, 11/10/2023, 07:54

Sau một tháng thâm nhập đường dây chuyên cung cấp khoáng sản cho một số doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam, PV Báo CAND tại Lâm Đồng phát hiện nhiều điều bất thường về nguồn gốc, tính hợp pháp của khoáng sản… Có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, nguồn thu của nhà nước, ảnh hưởng tới môi trường, nguy cơ xảy ra sạt lở do hoạt động khai thác khoáng sản trái phép gây ra. 

Các xe tập kết "ăn hàng".

Thoạt nhìn, khu đất rộng khoảng 1ha tọa lạc tại thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) trông giống như một điểm san lấp mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng không, từ nhiều năm qua, hằng ngày luôn có các xe ben hối hả chở hàng vào bãi thì cũng có hàng loạt xe đầu kéo, xe tải siêu trọng dồn dập tới “ăn hàng”, chở đi khắp nơi tiêu thụ.

khoang san 2.jpg -0
Ngày 28/9, xe tải 4 chân BKS 49H-00900 vào bãi tập kết khoáng sản “ăn hàng”.

Trong một tháng qua, PV Báo CAND xác định, các xe tải siêu trọng loại 4 chân thường xuyên vào bãi tập kết này “ăn hàng”, chuyển đi một số tỉnh thành phía Nam tiêu thụ.

Để xác định đây là loại khoáng sản gì, PV Báo CAND đã lấy một số mẫu có màu sắc khác nhau tại các điểm khai thác và bãi tập kết ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, nhờ hai chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản tại Lâm Đồng thẩm định vào hai thời điểm khác nhau. Bằng trực quan, cả hai chuyên gia này đều khẳng định loại khoáng sản trên là cao lanh nhưng chất lượng giữa các mẫu không đồng đều.

Cao lanh là loại khoáng sản được dùng phổ biến trong sản xuất gạch men, làm chất phụ gia sản xuất phân bón hoặc gốm sứ, vật cách nhiệt, cách điện và nhiều loại sản phẩm khác. Lâm Đồng là vùng nguyên liệu chủ lực cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất các loại sản phẩm trên có địa chỉ tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Bí ẩn trong bãi tập kết khoáng sản (Bài 1) -0
Điểm khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà và thôn Văn Minh, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà.

Lúc 10h ngày 29/8, xe đầu kéo có rơ moóc BKS 49R-00441 lừ đừ vượt đường đất tiến vào khu tập kết khoáng sản ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng. Gần 30 phút sau, khi đã “ăn” no hàng, tài xế điều khiển xe ì ạch rời bãi, tiến ra tỉnh lộ ĐT 724, thuộc xã Tân Hội, huyện Đức Trọng rồi ghé vào đỗ trong cây xăng Petrolimex, thôn Tân Trung, xã Tân Hội. Cùng lúc, xe tải siêu trọng loại 4 chân, BKS 49H-02256 tiến vào bãi tập kết khoáng sản này “ăn hàng”. Chiều cùng ngày, xe đầu kéo có rơ moóc BKS 49R-00464 cũng tiến vào điểm tập kết khoáng sản trên. Sau khi làm “thủ tục”, xe đầu kéo này ì ạch di chuyển ra đường ĐT 724 rồi ghé vào, đỗ trong khuôn viên cây xăng Petrolimex, thôn Tân Trung, xã Tân Hội. Lúc 14h43, xe siêu tải BKS 49H-00402 lừ đừ băng qua con đường hẹp dẫn vào khu tập kết khoáng sản. Trong lúc tài xế máy múc điều khiển phương tiện để múc khoáng sản lên xe, tài xế xe tải leo lên thành thùng, đứng đếm từng gầu…

Lúc 15h15 cùng ngày, xe ben BKS 49C-25761 chở khoáng sản vào bãi tập kết này. Người đàn ông khoảng 50 tuổi, lái máy múc ra hiệu cho tài xế xe ben BKS 49C-25761 lùi đổ hàng vào vị trí giữa bãi. Phát hiện điều gì đó bất thường, tài xế lái máy múc liền đi lại, cùng tài xế xe ben leo lên thùng để kiểm tra hàng. Người đàn ông lái máy múc nhặt một cục khoáng sản lên quan sát rất kỹ. Hai người đứng nói với nhau trên xe nội dung gì đó trong vòng 5 phút. Có vẻ như tài xế máy múc không hài lòng với chất lượng khoáng sản tài xế xe ben vừa chở tới. Sau một hồi lời lẽ qua lại, cuối cùng tài xế máy múc cũng để cho tài xế xe ben đổ khoáng sản xuống. Lúc 15h36, xe siêu tải loại 4 chân, BKS 49H-00900 tiến vào bãi tập kết khoáng sản. Hai người ngoài 30 tuổi leo lên thùng quan sát, đếm từng gầu khoáng sản được múc lên. Tài xế máy múc đưa lên 21 gầu thì đầy thùng.

Lúc 13h35 ngày 30/8, PV tiếp tục tiếp cận hiện trường bãi tập kết khoáng sản trên, ghi nhận các xe ben, xe siêu tải trọng vẫn nhộn nhịp chở khoáng sản ra vào. Những lúc không có xe tải hoặc đầu kéo tới lấy hàng, người đàn ông khoảng 50 tuổi thường điều khiển máy múc đảo trộn khoáng sản tại vị trí phía tay phải theo chiều đi vào bãi. Tỉ lệ trộn trung bình cứ 1 gầu loại khoáng sản có màu vàng nhạt, rời rạc với 4 đến 5 gầu loại khoáng sản có màu xám, đóng cục. Khoáng sản sau khi được đảo trộn sẽ tơi ra. Tới 14h42, xe tải siêu trọng BKS 49C-05987 thùng phủ bạt đen tiếp cận hiện trường để “ăn hàng”. Như thường lệ, tài xế xe tải lại leo lên thùng, đếm từng gầu khoáng sản được múc lên...

Lúc 18h cùng ngày, xe đầu kéo có rơ móc BKS 49R-00638 từ tỉnh lộ ĐT 724, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, rẽ phải tiến thẳng vào hướng bãi tập kết. Ăn “no hàng”, tài xế xe đầu kéo điều khiển phương tiện ra hướng tỉnh hộ ĐT 724 rồi rẽ vào đỗ trong khuôn viên cây xăng Petrolimex, cách bãi tập kết khoáng sản khoảng 7km. Tại đây, tài xế dùng vòi nước xịt rửa sạch khoáng đang bám quanh thùng xe, bánh xe. Khoảng 19h10, trời chuyển mưa nặng hạt, tài xế lên xe, điều khiển phương tiện di chuyển ra quốc lộ 20 rồi rẽ theo hướng đi TP Hồ Chí Minh.

Bí ẩn trong bãi tập kết khoáng sản (Bài 1) -0
Hằng ngày, các xe siêu tải trọng hối hả vào bãi tập kết khoáng sản tại thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng "ăn hàng" chở đi các nơi tiêu thụ.

Trong ngày 31/8, xe ben BKS 49C-25761, 49C-13254… hối hả chở khoáng sản từ nơi khai thác về bãi. Bám theo những chiếc xe này, phóng viên ghi nhận điểm khai thác loại khoáng sản có màu xám chở về địa điểm trên được khai thác tại khu vực giáp ranh giữa thôn Văn Minh, xã Tân Văn và thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, cách bãi tập kết khoảng 12km. Dấu tích ở hiện trường khu vực khai thác khoáng sản cho thấy, hoạt động khai thác khoáng sản tại đây đã xảy ra trong thời gian dài. Hàng nghìn mét vuông đất đã bị tác động, đào tung, cả cũ và mới. Vị trí đào sâu nhất lên tới khoảng 10m.

Nơi đây có nhiều loại đất với các màu sắc khác nhau tương ứng với từng lớp địa chất. Tuy nhiên, tài xế lái máy múc màu xanh, có dòng chữ SUMITOMO, chỉ lựa chọn loại đất có màu xám và vàng nhẹ, nằm sâu ở tầng dưới để múc lên xe ben chở đi. Hậu quả của việc khai thác khoáng sản tại đây đã tạo ra những vị trí rộng hàng nghìn mét vuông, sâu tới 10m so với hiện trạng mặt đất ban đầu. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất rất cao, đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong khu vực, nhất là vào mùa mưa bão hiện nay.

Để xác định điểm khai thác khoáng sản trên có hợp pháp hay không và thuộc địa phận hành chính của xã nào, ngày 25/9, PV Báo CAND đã gặp ông Đinh Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Tân Văn, huyện Lâm Hà. Sau khi PV giới thiệu, xuất trình Thẻ Nhà báo và đặt vấn đề nội dung làm việc, ông Tiến từ chối cung cấp thông tin và đề nghị phóng viên phải có giấy giới thiệu. Ông Tiến lý giải đó là “theo quy định chung” nhưng khi PV đề nghị ông Tiến giải thích rõ “quy định chung” là quy định nào thì vị Chủ tịch UBND xã Tân Văn không trả lời được. Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Tân Hà, huyện Lâm Hà cho biết, trên địa bàn xã không có mỏ đất sét, cao lanh nào được cấp phép khai thác.

Cũng trong ngày 25/9, PV tới làm việc với UBND huyện Lâm Hà và để lại nội dung theo đề nghị của Văn phòng UBND huyện nhưng tới nay (10/10), PV vẫn chưa nhận được trả lời.

(Còn nữa)

Khắc Lịch
.
.
.