"Băm xới" sông Đạ Dâng, nhiều địa hình biến dạng

Thứ Tư, 15/12/2021, 09:03

Tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật đang xảy ra tràn lan trên sông Đạ Dâng và tiểu khu 243, thuộc địa phận xã Phi Tô, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) khiến đồi núi nhiều điểm tại khu vực này bị đào tung, biến dạng địa hình, lòng sông nham nhở “thương tích”.

Tan nát dòng sông, ngọn núi

Đứng cách xa cả cây số, từ hướng thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà nhìn sang địa phận xã Phi Tô nham nhở những “thương tích” trên mặt đất. Dưới lòng sông Đạ Dâng, các tàu thuyền, máy hút cát công suất lớn vươn vòi khắp nơi hút, đẩy tung từng dòng cát trắng lên bờ. Theo người dân nơi đây, tình trạng khai thác cát trên sông Đạ Dâng, đoạn chảy ra địa phận xã Mê Linh và Phi Tô, huyện Lâm Hà với quy mô lớn đã xảy ra từ nhiều năm qua nhưng cơ quan chức năng chưa ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Hằng ngày, nhiều tàu thuyền cùng các máy hút cát vẫn chạy khắp dòng sông qua khu vực này ngược xuôi để hút cát. Các đối tượng còn đưa xe máy múc tới đào tung nhiều vị trí dọc hai bên bờ sông Đạ Dâng, thuộc lòng hồ thủy điện Đạ Chomo để phục vụ việc khai thác cát. Sông Đạ Dâng, đoạn từ đập thủy điện chạy ngược lên hướng giáp ranh với xã Lát, huyện Lạc Dương, bị đào bới nham nhở, dòng chảy nhiều vị trí đã thay đổi, nước quanh năm đục ngầu bùn đất. Cát được khai thác đưa lên tập kết bên bờ sông, thuộc địa phận xã Phi Tô sau đó xe ben lớn của các doanh nghiệp từ TP Đà Lạt và huyện Lâm Hà xuống chở đi tiêu thụ.

Việc khai thác cát bất hợp pháp trên sông Đạ Dâng đã xảy ra trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân dọc hai bên bờ sông và môi trường sinh thái trong khu vực.

“Có thời điểm mỗi ngày hàng chục xe ben lớn ra vào chở cát, đường giao thông nông thôn của chúng tôi bị hư hỏng nặng do phải chịu trọng tải tới 50-60 tấn, không đường nào chịu nổi. Chúng tôi có ý kiến, thậm chí có thời điểm đã phải ra chặn đường, không cho xe chạy qua thôn, sau đó họ đã thỏa thuận với một số người dân để mở đường khác đi tránh khu dân cư!..”, một người dân ở thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà phản ánh.

Nhiều vị trí tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà bị đào tung để khai thác đá xây dựng.

Không chỉ khai thác cát bất hợp pháp, qua bên kia bờ sông Đạ Dâng, các dãy núi trùng điệp thuộc tiểu khu 243, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà cũng nham nhở những thương tích. Theo con đường hướng lên địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương, những lối mòn phía tay trái, hướng lên đỉnh những ngọn núi, quả đồi, hằn sâu các vết bánh xe ôtô thường xuyên ra vào, chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải.

Tại vị trí này, PV Báo CAND ghi nhận ít nhất gần 10 điểm đang nhộn nhịp khai thác đá với sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị máy móc.

Để khai thác đá, chủ các khu mỏ bất hợp pháp này đã đưa máy múc vào đào sâu xuống lòng đất, đưa từng tảng đá lớn lên. Từ đó, những người thợ bắt đầu dùng khoan xẻ nhỏ từng phiến đá lớn. Mỗi địa điểm khai thác đá thường có từ vài người tới vài chục người. Đá được chủ các khu mỏ thu mua lại từ các thợ được thuê chẻ dao động khoảng 2.000 đồng/viên, chở lên TP Đà Lạt bán tới tay người tiêu dùng trung bình 6.000 đồng/viên, kích thước 20x30cm. Mỗi ngày, một người thợ chẻ đá lành nghề có thể chẻ được khoảng 300 viên. Vị trí tác động tại các địa điểm khai thác đá bất hợp pháp ở tiểu khu 243, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà có diện tích từ vài sào tới cả hecta. Để phục vụ việc khai thác, vận chuyển đá ra khỏi các khu mỏ, nhiều địa điểm đã được “chủ đầu tư” lát đá chẻ lên mặt đường.

Theo người dân địa phương, việc khai thác đá tại tiểu khu 243, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà đã xảy ra trong thời gian dài nhưng cũng không được các cơ quan chức năng địa phương xử lý dứt điểm. Một người đang khai thác đá ở đây cho biết: “Thỉnh thoảng lực lượng chức năng có vào kiểm tra nhưng sau đó cũng tạo điều kiện cho làm!..”. Hầu hết đá xây dựng khai thác bất hợp pháp ở xã Phi Tô, huyện Lâm Hà được bán cho các doanh nghiệp ngay tại mỏ.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Đá chở lên TP Đà Lạt qua hướng xã Mê Linh hoặc ngược theo sông Đạ Dâng, lên địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương sau đó vòng ra Đà Lạt. Các xe chở vật liệu xây dựng luôn trong tình trạng chở quá khổ, quá tải, cày nát các con đường dân sinh. Điển hình nhất là tuyến đường từ trung tâm xã Mê Linh đi thôn Hang Hớt mặc dù mới được trải nhựa nhưng nhiều vị trí đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường in hằn các bánh xe chở vật liệu xây dựng, xuất hiện hàng loạt ổ voi lớn.

Đường ĐT 725, đoạn từ TP Đà Lạt huyện Lâm Hà, lâu nay vốn được xem là cung đường chuyên chở vật liệu xây dựng từ các mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có rất nhiều mỏ lậu tại không ít địa phương của huyện Lâm Hà ngược lên TP Đà Lạt. Trong khi làn đường từ Đà Lạt đi huyện Lâm Hà, mặt đường còn khá đẹp thì làn đường chiều từ huyện Lâm Hà lên TP Đà Lạt lại xuất hiện nham nhở các vết chắp vá do đường sá hư hỏng.

Nguyên nhân mặt đường bị xuống cấp dù mới được trải nhựa được xác định là do xe chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải gây ra. Một người dân ngụ tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt cho biết, các xe chở vật liệu xây dựng chạy trên tuyến đường này phần lớn là xe “có ngọn”.

Riêng xe chở cát, mỗi xe có trọng lượng không dưới 40 tấn, thậm chí nhiều xe chở tới 60 tấn do cát ngậm nước vừa được hút trực tiếp lên nên rất nặng. “Đây cũng là nguyên nhân khiến đường 725 qua khu vực nhiều năm qua cứ trải nhựa đằng trước là lại hư hỏng đằng sau!..”, người đàn ông ngoài 60 tuổi ở xã Tà Nung, TP Đà Lạt nói.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản ở một số địa phương chưa chặt chẽ, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là hoạt động khai thác đất san lấp, cát, sỏi lòng sông, suối, vàng, thiếc, cao lanh...  gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Trước thực trạng trên, ngoài liên tục chỉ đạo các cấp chính quyền, sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Chỉ thị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp chính quyền, sở, ngành, đồng thời nêu rõ, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép hoặc thành lập bến, bãi tập kết khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.   

Khắc Lịch
.
.
.