Yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch xã trong vụ đấu giá cây gỗ sưa 24,5 tỷ đồng

Thứ Ba, 12/12/2017, 07:53
Sau khi chỉ rõ những đúng sai liên quan đến việc đấu giá, chặt hạ và chi tiền bán cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc, UBND huyện Thuận Thành yêu cầu UBND xã Hà Mãn, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì đã để xảy ra sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện bán đấu giá cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc.


Vừa qua, Báo CAND đã phản ánh về việc, UBND xã Hà Mãn (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bán tài sản của nhà nước là cây gỗ sưa hàng trăm tuổi không tuân thủ quy định của pháp luật và trái với chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh. 

Theo đó, năm 2014, Hội Người cao tuổi và Ban Quản lý thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn xin hạ giải cây gỗ sưa của Khu di tích đình làng Đông Cốc để lấy nguồn kinh phí tu tạo lại khu di tích và phát triển hạ tầng của thôn. 

Tại thời điểm đó, đã có người trả giá 49 tỷ đồng, có người trả giá 52 tỷ đồng, người trả giá cao nhất tới 60 tỷ đồng nhưng việc mua bán không thành vì UBND tỉnh Bắc Ninh chưa cho phép.

Năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn giao các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát quy trình thực hiện đúng pháp luật và giao UBND huyện Thuận Thành hướng dẫn UBND xã Hà Mãn thực hiện công khai, dân chủ, bàn bạc với các đoàn thể chính trị - xã hội trước cộng đồng dân cư về việc hạ giải cây gỗ sưa. 

Sau khi thống nhất trong nhân dân, UBND xã Hà Mãn mới làm thủ tục trình UBND huyện Thuận Thành và các sở, ngành của tỉnh Bắc Ninh. Thực chất UBND xã Hà Mãn đã tự ý đến Công ty cổ phần Đấu giá Việt Nam (Hà Nội) làm thủ tục đấu giá bán cây sưa vào ngày 1-8-2016. Nhưng đến ngày 8-8-2016, xã mới thông báo là đã đấu thầu xong việc hạ giải cây gỗ sưa với giá 24,5 tỷ đồng. 

Cũng theo phản ánh của các hộ dân, không hợp thức hóa được lý do bán cây gỗ sưa, UBND xã Hà Mãn đã gọi các hộ dân trong thôn nhận 10 triệu đồng mỗi người. Khoản tiền được thông báo là tiền “hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”. Khi việc nhận tiền và ký nhận đã xong, thôn mới thông báo “đó là tiền bán cây gỗ sưa”. Điều đó gây bức xúc trong cộng đồng dân cư thôn Đông Cốc nên họ làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ việc này.

Cây gỗ sưa ở đình làng thôn Đông Cốc.

Ngày 27-11-2017, UBND huyện Thuận Thành đã có kết luận thanh tra về trình tự, thủ tục đấu giá cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc. Kết luận thanh tra do Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành - Lê Văn Nho ký nêu rõ: Phiên đấu giá cây gỗ sưa được tiến hành vào ngày 1-8-2016 tại trụ sở Công ty cổ phần Đấu giá Việt Nam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Có 5 tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá. Kết quả phiên đấu giá đã xác định, người trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Huỳ (ở xã Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). 

Sau khi trúng đấu giá, ông Huỳ đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và có văn bản đề nghị UBND xã Hà Mãn và Ban Quản lý thôn Đông Cốc cho phép hạ cây gỗ sưa trúng đấu giá. Tuy nhiên thời điểm đó, do có nhiều ý kiến của cộng đồng dân cư thôn Đông Cốc không nhất trí với kết quả đấu giá này và đề nghị bán cây gỗ sưa cho người trả giá cao hơn 24,5 tỷ đồng. Vì thế việc hạ giải cây gỗ sưa để bán cho người trúng đấu giá tạm hoãn. 

Trong thời gian đó có bà Nguyễn Thị Hợp (ở phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) đề nghị được mua cây gỗ sưa với giá 49 tỷ đồng. Ngày 21-9-2016, bà Hợp đã thống nhất phương án thanh toán tiền mua cây gỗ sưa. Nhưng đến thời điểm nộp tiền đặt cọc thì bà Hợp không có mặt. Tại hội nghị quân dân chính tổ chức vào ngày 11-11-2016 đã thống nhất huỷ bỏ hợp đồng mua bán cây gỗ sưa với bà Hợp.

Ngày 11-1-2017, tại biên bản hội nghị nhân dân thôn Đông Cốc đã thể hiện nội dung: Thống nhất bán cây gỗ sưa bên trái cổng đình làng Đông Cốc cho ông Nguyễn Văn Huỳ (người đã trúng đấu giá mua cây gỗ sưa trước đó với giá 24,5 tỷ đồng) với giá 26 tỷ đồng. Lý do tăng thêm 1,5 tỷ đồng so với kết quả của phiên đấu giá là do ông Huỳ hỗ trợ thêm cho nhân dân thôn Đông Cốc. 

Biên bản cũng thể hiện, trích từ số tiền bán cây gỗ sưa chia cho tất cả các nhân khẩu trong thôn Đông Cốc mỗi người 10 triệu đồng. Sau này nhân dân trong thôn Đông Cốc thống nhất bổ sung nội dung, chi cho phụ nữ đi lấy chồng ngoài thôn Đông Cốc và con của phụ nữ đã đi lấy chồng ngoài thôn  Đông Cốc mỗi người 5 triệu đồng. Sau đó, người trúng đấu giá mua cây gỗ sưa là ông Huỳ đã chuyển đủ số tiền này cho đại diện nhân dân thôn Đông Cốc. 

Từ ngày 26-1 đến ngày 22-3-2017, Ban Quản lý số tiền bán cây gỗ sưa đã chi tiền cho các nhân khẩu trong thôn. Tại buổi chi tiền, đại diện các hộ gia đình nhận tiền đều nhất trí nhận tiền và không có ý kiến nào không đồng tình với việc đấu giá cây gỗ sưa. Chữ ký được thể hiện trên danh sách nhận tiền đều là chữ ký thật của đại diện các hộ gia đình. Sáng 25-3-2017, nhân dân thôn Đông Cốc đã hạ giải cây gỗ sưa và bàn giao cho người trúng đấu giá.

Kết luận của UBND huyện Thuận Thành xác định: Cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm. Cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đã xác định “Cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc là tài sản cộng đồng thôn Đông Cốc”. Tuy nhiên quá trình bán đấu giá cây gỗ sưa vẫn còn một số sai sót. 

Thứ nhất, tại một số văn bản của UBND xã Hà Mãn ban hành trong quá trình thực hiện đấu giá xác định, cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc là tài sản của Nhà nước. Để xảy ra sai sót này là do nhận thức của UBND xã Hà Mãn còn hạn chế. 

Thứ hai, Công ty cổ phần Đấu giá Việt Nam trong quá trình đấu giá còn để xảy ra một số sai sót như: thông báo trên trang thông tin điện tử còn thiếu thông tin về địa điểm xem hiện trạng tài sản, địa điểm bán đấu giá, thông tin về thời hạn nộp hồ sơ đấu giá không khớp… 

Thứ ba, quá trình thẩm định giá, đơn vị tư vấn chưa xem xét đến trường hợp đã trả giá cây gỗ sưa đến 49 tỷ đồng như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hợp. Thứ tư, việc Ban Quản lý số tiền bán cây gỗ sưa khi thông báo trên loa truyền thanh với nội dung thông báo về việc các hộ dân thôn Đông Cốc nhận tiền “hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” mà không thông báo rõ “số tiền này được chi từ tiền bán cây gỗ sưa” là sai sót. Trách nhiệm này thuộc về ông Nguyễn Văn Mận, Trưởng thôn Đông Cốc, Trưởng Ban Quản lý số tiền bán cây gỗ sưa và ông Nguyễn Văn Vẹn, thành viên Ban Quản lý số tiền bán cây gỗ sưa.

Sau khi chỉ rõ những đúng sai liên quan đến việc đấu giá, chặt hạ và chi tiền bán cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc, UBND huyện Thuận Thành yêu cầu UBND xã Hà Mãn, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì đã để xảy ra sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện bán đấu giá cây gỗ sưa ở thôn Đông Cốc. 

Yêu cầu UBND xã Hà Mãn tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Văn Mận vì đã có sai sót, khuyết điểm như trên. Đề nghị Đảng uỷ xã Hà Mãn chỉ đạo Chi bộ thôn Đông Cốc tổ chức kiểm điểm về Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Mận và Nguyễn Văn Vẹn vì đã có sai phạm, khuyết điểm trên.

Nguyễn Hưng
.
.
.