Xung quanh việc kiến nghị cơ quan Công an điều tra Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba
Trước hiện trạng đó, mới đây UBND huyện Long Thành kiến nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra vụ việc… Đáng nói là trước đó công ty này đã bị chính quyền nhiều địa phương lên tiếng cảnh báo…
Cụ thể, ngày 5-11-2018, UBND huyện Long Thành đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban ngành xử lý việc Công ty CP Địa ốc Alibaba (viết tắt Công ty Alibaba, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) không được cấp phép thực hiện bất cứ dự án khu dân cư nào tại huyện Long Thành, nhưng vẫn rao bán đất nền ở nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn huyện.
Theo văn bản số 697/BC-UBND “Báo cáo rà soát tình hình giao dịch mua bán đất nền của Công ty Alibaba trên địa bàn huyện Long Thành” do ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành gửi UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị chỉ đạo các Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng có ý kiến hướng dẫn đối với việc UBND huyện Long Thành có văn bản đề nghị tạm ngưng không giải quyết tất cả các thủ tục về đất đai đối với thửa đất khi phát hiện vi phạm làm đường trên đất nông nghiệp trái phép.
Trên website của Công ty Alibaba ngang nhiên rao bán đất nền dù không được cấp phép thực hiện dự án nào tại Đồng Nai. |
Và trường hợp của Công ty Alibaba tổ chức sự kiện, mua bán nền tại khu đất do các cá nhân đứng tên quyền sử dụng thuộc đất trồng cây, chưa làm đường, chưa thay đổi mục đích sử dụng đất...
Qua kiểm tra, rà soát, UBND huyện Long Thành phát hiện Công ty Alibaba đã liên kết với Công ty CP Địa ốc Tia Chớp (địa chỉ 52, quốc lộ 51, ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành) do bà Trương Thị Hồng Ngọc làm giám đốc để thực hiện bán những dự án không có thật trên địa bàn huyện. Hai công ty nói trên được xác định đã bắt tay nhau bán đất nền ở 21 dự án khác nhau trên địa bàn các xã Phước Bình, Long Phước, An Phước thông qua các website diaocalibaba.vn, diaocalibaba.com.vn, các trang mạng điện tử về bất động sản và mạng xã hội... Hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh Đồng Nai đã đặt mua đất nền của hai công ty này.
Trong đó, tại xã Phước Bình, Công ty Alibaba rao bán 3 vị trí là: Dự án Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III; xã An Phước có 1 dự án Alibaba An Phước ở ấp 5; xã Long Phước có 17 dự án là: Alibaba 1,2... đến Alibaba 16 và dự án Khu dân cư Quốc tế Lilama. Những vị trí mà Công ty Alibaba và Công ty CP Địa ốc Tia Chớp rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, làm giao thông và đang thuộc quyền sở hữu của các cá nhân. Hai công ty trên đã tự thiết kế giao thông ngang dọc khu đất kết nối ra quốc lộ 51 và chia đất ra những lô nhỏ không đúng thực tế rồi rao bán.
Từ đó, UBND huyện Long Thành đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai điều tra xác minh việc giao dịch, mua bán đất nền của Công ty Alibaba, Chi nhánh Công ty Alibaba, Công ty CP Địa ốc Tia Chớp để có biện pháp xử lý theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc các tỉnh, thành phố lân cận để có biện pháp ngăn chặn, xử lý việc quảng cáo, mua bán đất nền các khu vực thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Xử lý vi phạm của Công ty Alibaba và Công ty CP Địa ốc Tia Chớp rất khó khăn vì việc quảng cáo, giới thiệu mua bán đất nền tại các thửa đất trên và ký hợp đồng, thỏa thuận đặt cọc ở địa phương khác nên khó thu thập thông tin để xử lý. UBND huyện Long Thành đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh giao dịch, mua bán đất nền của hai công ty trên để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Hiện UBND huyện Long Thành đã xử phạt, đình chỉ xây dựng một công trình trên dự án, tháo dỡ các bảng quảng cáo và tạm giữ tại UBND xã Phước Bình, huyện Long Thành. Tạm thời UBND huyện Long Thành sẽ không giải quyết tất cả các thủ tục về đất đai liên quan đến hai thửa đất này. UBND huyện Long Thành cũng khuyến cáo người dân khi mua đất nền nên đến UBND xã có dự án hoặc Phòng Tài nguyên - môi trường huyện để tìm hiểu thông tin về dự án.
Hiện thông tin về quy hoạch các dự án trên địa bàn huyện Long Thành cũng như các địa phương khác trong tỉnh đều đã công khai. Ngoài kiểm tra trực tiếp tại xã, huyện nơi có dự án, người dân có thể lấy số tờ, số thửa của lô đất truy cập trên hệ thống Dnai.LIS để biết thông tin về thửa đất mình muốn mua. Như vậy sẽ tránh được việc bị lừa mua những lô đất không có thực.
Đáng nói là trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có công văn gửi các sở, ban ngành về việc chỉ đích danh Công ty Alibaba, là doanh nghiệp được “nêu danh” trong việc chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản; gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng như: Tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn theo quy định…
Tương tự, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã từng có văn bản đề nghị không cho Công ty Alibaba tham gia vào các dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Công an TP Hồ Chí Minh để xử lý Công ty Alibaba theo quy định.
Cuối tháng 11-2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an đã làm việc với các sở, ngành tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của Công ty Alibaba về việc công ty này tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán đất nền ở nhiều dự án và thu tiền của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, đến gần 1 năm sau, vào đầu tháng 11-2018, công ty này vẫn ngang nhiên nhận đặt cọc, bán đất nền hàng loạt dự án không có thật tại Đồng Nai.