Xung quanh việc khó di dời những sàn nổi ở Hồ Tây

Thứ Năm, 23/06/2016, 08:43
Hồ Tây có 13 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tàu thuyền du lịch, với nhiều hình thức như ăn uống, quán bar, karaoke... Có những du thuyền tồn tại từ thời bao cấp. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu tất cả các du thuyền này đều có phép. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy phần lớn du thuyền ở đây hoạt động trái phép.


Thậm chí, sự trái phép này tồn tại tới vài năm nay, mà cơ quan chức năng vẫn... làm ngơ. Chỉ đến khi Hà Nội có chủ trương di dời toàn bộ sang vị trí khác, thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, song đơn vị nào cũng kêu “khó”.

Không giấy phép, mất an toàn vẫn… tồn tại

Theo thống kê từ Sở GTVT Hà Nội, khu vực Hồ Tây hiện có 13 đơn vị hoạt động bến thủy nội địa, trong đó: Khu vực Đầm Bảy 5 đơn vị; Quảng Bá 1 đơn vị, Yên Phụ 1 đơn vị; đường Thanh Niên 1 đơn vị; Thụy Khuê 5 đơn vị. Phương tiện thủy hoạt động trên Hồ Tây bao gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng, gồm tàu thuyền thể thao, tàu du lịch, tàu cá, sàn nổi, phao nổi… 

Số lượng phương tiện hiện hoạt động trên Hồ Tây gồm có 8 tàu du lịch, 1 tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm). 

Trong đó phương tiện đủ điều kiện hoạt động chỉ có du thuyền Tây Long 2 thuộc Công ty TNHH Nhuận Mai; tàu khách của Công ty cổ phần TM&CN Sông Hồng; Du thuyền POTOMAX thuộc Công ty Cổ phần sông Potomic; Nhà chờ du thuyền, xuồng Jonhson, xuồng 1,2,115 xe đạp nước thuộc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây; Xuồng MT-01,02,03 của Xí nghiệp Môi trường Hồ Tây. 

Số còn lại 15 phương tiện và 16 cầu, sàn đều hoạt động trái phép lâu nay. Bên cạnh đó, đa số tàu thuyền khu vực này đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh. Việc tự ý đưa du thuyền, xuồng máy vào kinh doanh trái phép dịch vụ ăn uống giải trí tại Hồ Tây đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an toàn tính mạng của du khách, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường hồ. 

“Đặc biệt, du thuyền Taboo đã cải tạo thành quán bar, nhưng chỉ có một lối ra vào, nếu xảy ra hỏa hoạn, hậu quả sẽ khôn lường”, lãnh đạo Phòng CSGT Đường thủy, Công an TP Hà Nội nhận định.

Nhiều du thuyền vẫn tồn tại trái phép trên Hồ Tây.

Trước thực trạng trên, mặc dù UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị hoạt động tàu thuyền, sàn nổi du lịch ở Hồ Tây di dời khỏi khu vực neo đậu (phía đường Thụy Khuê) trước ngày 30-4-2016, thế nhưng cho đến thời điểm ngày 21-6-2016, nhiều thuyền vẫn án binh bất động tại khu vực này.

7 năm yêu cầu quy hoạch, di dời, tàu không phép vẫn đứng yên một chỗ

Quý III-2009, UBND TP Hà Nội chính thức ban hành quyết định về quản lý Hồ Tây. Theo đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc và UBND quận Tây Hồ thực hiện quy hoạch các bến khách cho các phương tiện thủy. 

Văn bản cũng nêu rõ, Sở GTVT phối hợp với UBND quận Tây Hồ quy định về số lượng, chủng loại và cấp phép hoạt động cho các phương tiện thủy, phân luồng giao thông thủy trên mặt hồ; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về thiết bị, điều kiện an toàn của phương tiện thủy. 

Sở Giao thông vận tải tổ chức cấp phép hoạt động của các phương tiện thủy sau khi có giấy phép hoạt động du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao trên hồ do UBND quận Tây Hồ cấp. 

Ngay sau khi Quyết định 92/2009 được ban hành, thì hàng loạt tàu thuyền đang neo đậu phía đường Thanh Niên đã được yêu cầu di chuyển để phục vụ cho công tác quy hoạch bến thủy. Lúc này, đa phần các tàu thuyền di dời sang phía Thụy Khuê để hoạt động. 

Năm 2010, dự án mở rộng vườn hoa Lý Tự Trọng hoàn thành các bến neo đậu tàu thuyền tại số 2 và số 4 Thụy Khuê gây chắn tầm nhìn mất mỹ quan đô thị tại khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng, Mai Xuân Thưởng, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Tây Hồ tìm một địa điểm khác phù hợp để làm bến neo đậu cho tàu, thuyền của các doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trên Hồ Tây. 

Ngày 22-7-2010, UBND quận Tây Hồ có Báo cáo số 159/BC-UBND (QLĐT) gửi UBND thành phố, Sở QHKT, Viện QLXD báo cáo đề xuất vị trí, địa điểm neo đậu các sàn nổi kinh doanh của các doanh nghiệp trên Hồ Tây tại khu vực Đầm Bảy, phường Nhật Tân. 

Ngày 5-5-2011, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội có Văn bản số 612/VQH-T2 thống nhất với đề xuất vị trí dự kiến xây dựng bến thủy nội địa Hồ Tây của UBND quận Tây Hồ tại khu vực giáp Đầm Bảy, phường Nhật Tân.

Đến tháng 9-2015, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GTVT Hà Nội về việc di dời toàn bộ tàu thủy nội địa tại Bến Thủy (đầu đường Thụy Khuê) về khu vực Đầm Bảy, đồng thời yêu cầu thực hiện ngay trong tháng 10-2015. Các phương tiện thủy nội địa cũ nát không sử dụng phải đưa ra khỏi hồ. 

"Quận Tây Hồ phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị không chấp hành, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 10-2015", công văn của UBND TP Hà Nội nêu rõ. 

Không hiểu vì lý do gì, văn bản trên của UBND TP Hà Nội không được thực hiện nghiêm, các du thuyền trên hồ vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Nên ngày 10-3-2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã tổ chức một cuộc họp về việc đầu tư xây dựng và quản lý mới bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy để di chuyển, quản lý các phương tiện thủy nội địa.

Tại cuộc họp này, ông Hùng một lần nữa yêu cầu UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các đơn vị có phương tiện thủy hoạt động trên Hồ Tây di chuyển về vị trí quy định trước ngày 30-4-2016, giao Sở GTVT (Thanh tra Sở) phối hợp với ủy ban và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, xử lý phá dỡ các cầu tàu không đảm bảo an toàn, không đúng vị trí quy định. 

Như vậy đây là lần thứ 3 trong vòng 7 năm, các phương tiện thủy hoạt động trái phép trên Hồ Tây được lệnh di dời.

Chiều 21-6-2016, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ năm 2009, do Hà Nội có chủ trương quy hoạch bến tàu mới tại Hồ Tây, nên từ đó đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã không được cấp phép hoạt động.

Đặng Nhật
.
.
.