Xử lý nghiêm đối tượng chính thích “phán xử” bằng bạo lực để răn đe

Thứ Tư, 09/08/2017, 09:39
Cách đây trên chục năm, khi Hà Nội lan tin rạch mặt trẻ em, đi đến đâu cũng bao trùm không khí hoang mang, lo lắng. Bố mẹ thì trong tâm thế nhanh chóng xong việc cơ quan để đưa đón con; ông bà khi đưa cháu ra đường, đi học thì mắt trước, mắt sau dè chừng.

Thông tin cứ hư hư thực thực lan rộng không kiểm soát và trong một tình huống cụ thể đã phát sinh hệ lụy mà cơ quan Công an phải khéo léo xử lý. Đó là khi bỗng có người la toáng phát hiện kẻ rạch mặt trẻ em, cả tuyến phố Cửa Đông nhốn nháo, người ta quây chặt người phụ nữ bị vu vạ. Khung cảnh hỗn loạn, người phụ nữ bị vu vạ kia có nguy cơ mất an toàn tính mạng.

Trong tình hình đó, cơ quan Công an buộc phải phát loa bắt giữ người phụ nữ. Lúc đó, đám đông mới giãn ra để Công an làm nhiệm vụ. Người phụ nữ được đưa lên xe, thoát ra khỏi đám đông vu vạ an toàn…

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp, Công an Hà Nội chia sẻ, khi sự việc xảy ra, anh đang công tác tại Công an quận Hoàn Kiếm và có mặt trong cuộc giải cứu người phụ nữ bị đám đông vu vạ rạch mặt trẻ em. Hồi đó, Internet chưa phát triển như bây giờ và càng không có mạng xã hội, không có điện thoại cầm tay để chụp ảnh, quay phim nhoay nhoáy.

Thế mà, chỉ một tiếng kêu vu vơ trên con phố sầm uất vào bậc nhất ở khu phố cổ Hà Nội mà người ta quây kín người phụ nữ bị vu là rạch mặt trẻ em. Bao nhiêu bực dọc, lo lắng dồn nén vì tin đồn rạch mặt trẻ em đang được bàn tán khắp hang cùng, ngõ hẻm, giờ mới “bắt” được thủ phạm nên đám đông ùa nhau thể hiện sự công phẫn của mình. Lượng người tập trung quá lớn, lại cùng trong trạng thái bừng bừng tức giận đã tạo ra “sức mạnh” đáng sợ.

Đứng ở góc độ an ninh trật tự, sự tập trung đông người bất thường này đã gây mất trật tự khu phố. Đồng thời, sự tức giận của đám đông còn có nguy cơ xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người phụ nữ. Nếu không ngăn chặn, khó lường được hậu quả xảy ra sẽ như thế nào. Đứng trước tình thế đó, cơ quan Công an buộc phải tìm cách để đám đông giãn ra cho người phụ nữ lên xe ôtô, thoát khỏi đòn hội đồng, đồng thời, cũng giải tán được sự tụ tập bất thường của hàng trăm người, trả lại sự bình yên cho khu phố.

Công an huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã giải tán đám đông tụ tập khi nghe tin đồn bắt cóc trẻ em ngày 29-7.  Ảnh: VnExpress.

Nhắc lại vụ việc này để thấy, vụ việc xảy ra ngày 29-7 mà Công an huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã giải cứu người phụ nữ bán cám gia súc bị nghi là bắt cóc trẻ em cũng có tính chất tương tự. Chỉ là dòng thông tin trên facebook của một người mẹ khi không thấy con ở nhà nên nghi cháu bị bắt cóc mà dân làng đã kéo đến quây kín ngôi nhà có người phụ nữ bán cám và đứa trẻ. Người phụ nữ này vốn là người quen của gia đình cháu bé, thấy cháu dễ thương nên bế sang nhà hàng xóm chơi, thế mà…

Dân làng ngày càng tụ tập đông, cộng với những lời bàn tán gây nên sự bất ổn về ANTT. Đã thế, sự việc kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ. Cơ quan Công an cũng phải dùng biện pháp nghiệp vụ để giải tán đám đông và giải thoát cho người phụ nữ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, thì cách xử lý của Công an huyện Can Lộc trong tình huống này rất khôn khéo. Còn nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ thì đánh giá, Công an đã phải dùng mẹo để giải tán đám đông và đảm bảo cho nạn nhân của tin đồn được an toàn.

Tại sao đám đông dễ tin vào tin đồn, thích kết tội người khác không cần kiểm chứng, thẳng tay đánh người, đốt xe? Sự việc hai người đàn bà bán tăm bị đám đông đánh gây thương tích trên mặt, thân thể ở Sóc Sơn (Hà Nội) và vụ đốt cháy xe ôtô Fotuner ở Hải Dương là ví dụ. Phải chăng, số người này cho rằng, đám đông có thể đại diện cho cái đúng, cho công lý?

Đứng ở góc độ pháp luật, ông Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, hành vi đốt xe của đám đông là phá hoại tài sản của người khác. Theo quy định của Luật Hình sự, đối với những tài sản trị giá từ 2 triệu đồng bị phá hoại có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn với hành vi đánh người gây thương tích mất 11%  sức khỏe trở lên cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu ai đó cho rằng, do đám đông cùng đánh người, cùng đốt phá tài sản nên cơ quan chức năng chẳng thể nào bắt được ai đó cụ thể thì quá ngây thơ.

Các nhà điều tra không khó để lọc ra trong đám đông, ai đã đánh người, phá hoại tài sản người khác. Trong bối cảnh hiện nay, khi người ta thích live stream, thích tung video, hình ảnh lên mạng để câu like thì việc điều tra ra những người là “đầu vụ” của cơ quan điều tra còn thuận lợi hơn.

Xã hội ngày càng phát triển, đi cùng sẽ là nhiều tiện ích trong cuộc sống. Chẳng thế mà bây giờ, thế giới thu nhỏ trong bàn tay chỉ với chiếc điện thoại smarphone. Ấy thế nhưng cùng với sự đổ bộ của thế giới văn minh, một bộ phận cư dân trong cộng đồng của chúng ta lại vẫn có cách hành xử bằng “nắm đấm” thì thật đáng buồn.

Bạo lực ở phạm vi nhỏ thì gia đình, rộng hơn là những đám đông. Đám đông đó có thể một thoáng, một chốc hình thành ngay trên đường phố, cổng làng… Nhiều đám đông nhân danh công lý để “phán xử” nên cứ thẳng tay đấm đá, chửi bới, đốt phá… Nạn nhân của những đám đông này đôi khi chỉ là những người bị tai bay vạ gió, thế nên có thể vào một ngày đẹp trời, có thể là bất cứ ai trong chúng ta “dính”.

Để bài trừ hội chứng này, mỗi người trong chúng ta cần phân biệt đúng, sai, tránh bị đám đông lôi kéo. Đồng thời, cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm những người “thích” dùng vũ lực để răn đe. Qua đây, cũng tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để mỗi người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Cao Hồng
.
.
.