Xử lý mạnh tay với nạn tùy tiện khoan giếng lấy nước nuôi tôm

Thứ Hai, 21/05/2018, 09:09
Gần đây, giá tôm lại ở mức cao nên hàng nghìn hộ dân ở Bến Tre tái diễn việc nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch, trong vùng ngọt hóa với diện tích gần 200ha. Các cấp chính quyền đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo và xử phạt nhưng tình trạng nuôi tôm trái quy hoạch vẫn diễn ra ồ ạt…

Câu chuyện xung đột giữa lợi ích kinh tế của người dân và quy hoạch chung của vùng từ hơn 10 năm qua đã trở thành vấn đề nóng tại Bến Tre. Tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và Thạnh Phú, vùng đất mặn đang dần được ngọt hóa. Thế nhưng, hiệu quả sản xuất từ những giống cây trồng vật nuôi “ưa ngọt ghét mặn” chưa thật sự cao, trong khi đó nếu nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ cần trúng vài ba vụ là lãi suất cao ngất ngưỡng.

Trước đó, vào những năm 2010 - 2013, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre cùng với các địa phương đã phải rất quyết tâm và nỗ lực để vận động người dân chuyển đổi nuôi tôm nước lợ sang nuôi tôm nước ngọt, hoặc trồng cây ăn trái và nuôi cá nước ngọt.

Đặc biệt, huyện Bình Đại – địa phương có diện tích nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch nhiều nhất với gần 2.000 hộ nuôi, tổng diện tích trên 1.500ha, chính quyền nơi đây đã áp dụng nhiều giải pháp “cứng – mềm”, một mặt giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu được chính sách chủ trương của tỉnh, hiểu được tầm quan trọng của việc ngọt hóa vùng đất nhiễm mặn. Mặt khác, cũng đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp xử lý, kể cả việc mở cuộc ra quân san lấp bằng xi - măng đối với các giếng khoan trái quy định nhằm lấy nước mặn nuôi tôm.

Tuy nhiên, gần đây, trong số những hộ này đã nuôi lại bằng cách cải tạo, sửa chữa các giếng khoan cũ. Đồng thời, phát sinh thêm một số hộ khoan giếng nước ngầm để lấy nước nuôi tôm thẻ. Trước mắt, những hộ nuôi này rất trúng mùa, lợi nhuận khá cao. Việc xử phạt chưa có hiệu quả vì có hộ vẫn chấp nhận bị phạt để tiếp tục nuôi.

Theo ngành chức năng tỉnh Bến Tre, hoạt động nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ, cần hệ thống kênh cấp thoát nước riêng biệt, lưu lượng nước lớn và sạch. Do đó, xét theo quy hoạch thủy lợi, nếu nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch thì hệ thống thủy lợi không đảm bảo. Qua thực tế, việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch chỉ kéo dài từ 2 - 3 vụ trở lên thì tình hình ô nhiễm môi trường khả năng xảy ra rất lớn. Nếu có tình hình dịch bệnh xảy ra thì việc xử lý dịch bệnh rất khó. Khả năng lây lan rất lớn làm ảnh hưởng ngược lại cho người nuôi.

Giá tôm thẻ chân trắng đang ở mức cao, nên người dân tỉnh Bến Tre bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch.

Nghiêm trọng hơn – theo Chi Cục Thủy sản Bến Tre, việc đào ao, khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thủy lợi sông Ba Lai. Cụ thể, sông Ba Lai đã được xây cống ngăn mặn, một phần sông Ba Lai dần được khép kín để làm hồ chứa nước ngọt, cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho người dân 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và TP Bến Tre.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc người dân vùng ngọt hóa dọc sông Ba Lai ồ ạt nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, xả thải, xả nước mặn trực tiếp ra sông Ba Lai đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh: “Nuôi tôm trong vùng ngọt hóa hiệu quả và tính bền vững không cao. Nếu nuôi thì cũng chỉ được vài năm, hậu quả lâu dài là ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất. Đối với những vùng ngọt hóa, người dân khoan giếng lấy nước mặn từ tầng ngầm để nuôi tôm, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường tầng nước ngọt, sẽ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa”.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT còn cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh  đã đề nghị các địa phương phải quyết tâm dùng các biện pháp xử lý, vận động bà con chuyển đổi. Địa phương tuyệt đối không để phát sinh nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp chung, đặc biệt là phải xử lý triệt để các giếng nước ngầm.

Lộ trình chuyển đổi đã bắt đầu từ năm 2014, theo đó vận động bà con chuyển đổi từ từ. Những vùng nào còn hở, nước mặn xâm nhập, thì cho bà con nuôi tôm vào mùa nước mặn xâm nhập, tuyệt đối không nuôi vùng nước ngọt. Khi vùng hở được ngọt hóa hoàn toàn, không còn nước mặn xâm nhập thì phải chuyển đổi toàn bộ.

Trần Lĩnh
.
.
.