Vỡ đường ống nhà máy Alumin Nhân Cơ: Lãnh quả đắng từ công nghệ lạc hậu của Trung Quốc
- Dự án Alumin Nhân Cơ ưu tiên đào tạo công nhân người dân tộc thiểu số
- Alumin Nhân Cơ ưu tiên đào tạo công nhân người dân tộc
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, sự cố này là tương đối nghiêm trọng do nhà máy mới đang trong quá trình thử nghiệm, chưa vận hành chính thức. Các tổ hợp nhà máy bauxite đều sử dụng công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc – công nghệ thải bùn đỏ ướt, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều đã chuyển đổi sang công nghệ thải bùn đỏ khô.
“Từ năm 2000, các nước trên thế giới đã không còn sử dụng công nghệ thải bùn đỏ ướt. Với công nghệ ướt, bùn thải còn lẫn chất lỏng. Chất lỏng này không phải là nước mà là xút, có thể gây bỏng nặng. Với công nghệ khô, xút được thu hồi hết trong nhà máy trước khi thải ra ngoài. Công nghệ lạc hậu này Trung Quốc chỉ áp dụng thử nghiệm ở Việt Nam. Nhà thầu Trung Quốc cũng hoàn toàn không có kinh nghiệm về bauxite Tây Nguyên” – ông Sơn nói.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ. |
Theo ông Sơn, vấn đề mấu chốt của bauxite Tây Nguyên hiện nay là công nghệ. Chuyển đổi công nghệ từ ướt sang khô không khó khăn nhưng sẽ phải tốn thêm chi phí từ 10-15 triệu USD. Vấn đề còn lại chính là TKV– chủ đầu tư dự án có chấp nhận chi thêm tiền để chuyển đổi hay không.
Về việc các tổ hợp bauxite Tây Nguyên liên tục báo lỗ, TS Sơn nhận định: “Chắc chắn là lỗ. Thứ nhất vì giá trên thế giới đang xuống thấp. Thứ 2 là do cách làm của TKV. Với công nghệ ấy thì chỉ suốt ngày đi sửa chữa, chắp vá. Công nghệ lạc hậu khiến phải tiêu hao nguyên liệu đầu vào rất lớn, phải sử dụng nhiều lao động”.
Từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, GS Đặng Hùng Võ cho biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố. Trước đó đã xảy ra sự cố tràn bùn đỏ ở tổ hợp nhà máy Tân Rai.
“Nhiều nước khai thác bauxite nhưng không xảy ra cái gì. Mấu chốt vẫn là công nghệ tiên tiến và an toàn. Công nghệ mà Trung Quốc sử dụng ở Việt Nam quá lạc hậu. Bản thân Trung Quốc cũng để cho tình trạng ô nhiễm môi trường quá mức cho phép ngay tại đất nước họ. Chúng ta trao quyền chủ động cho doanh nghiệp nhưng buộc họ phải chi nhiều hơn cho công tác bảo vệ môi trường” – GS Võ nói thêm.
Vào khoảng 8h14 ngày 23-7, trong quá trình nhập kiềm tại khu vực chứa kiềm lỏng của Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) để phục vụ chạy thử nhà máy đã xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm dẫn đến kiềm lỏng (NaOH 44,5-49%) bị chảy ra ngoài. Sự cố đã được khắc phục ngay trong ngày, tuy nhiên đã có 9,58m3 kiềm lỏng thoát ra môi trường. Trong số này, một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp (có diện tích 600m2 liền kề) và một phần theo hệ thống nước mưa chảy tràn và chảy ra suối Đăk Yao qua cửa xả số 3. Sau sự cố này, đã có hiện tượng cá chết tại suối Đăk Yao. Một số người dân lội suối để thu nhặt cá chết cũng bị mẩn đỏ, ngứa da. Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên – Môi trường đã vào thực địa và nhận định, nguyên nhân của sự cố có thể do việc thiết kế lắp đặt hệ thống máy bơm chưa bảo đảm an toàn hoặc chất lượng thiết bị chưa bảo đảm. Về chất lượng nước suối sau sự cố, hiện độ pH có xu hướng giảm dần và vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Hầu hết các thông số như: TSS, COD, BOD5, NO2- Cl-, CN-, Cu, Pb, Zn, Cr6+…đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn. |