Việc nâng cấp hồ chứa nước Khe Tân chậm tiến độ

Thứ Bảy, 03/09/2016, 08:55
Với công trình có vị trí đặc biệt quan trọng về phòng chống thiên tai như hồ Khe Tân, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phải giải quyết rốt ráo vướng mắc để đơn vị thi công sớm có nơi khai thác đất tiến hành thi công áp trúc bờ đập đảm bảo độ dày cần thiết theo thiết kế trước khi lũ về, đồng thời kịp hoàn thành công trình đúng thời gian đã ký kết.

Hồ chứa nước Khe Tân đưa vào sử dụng năm 1989, đảm bảo nước tưới cho 3,5 nghìn hécta đất canh tác và 5,38 hécta ao hồ nuôi trồng thủy sản của 7 xã gồm: Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Tân, Đại Phong, Đại Minh, Đại Cường, Đại Thắng, thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam). 

Việc sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước này thuộc dự án quản lý thiên tai WB5, với tổng vốn đầu tư hơn 133 tỷ đồng từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của địa phương, được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, giao cho Sở NN&PTNT Quảng Nam làm chủ đầu tư. 

Theo dự án, sửa chữa, nâng cấp bao gồm các hàng mục, như gia cố bằng bê tông mái đập chính, phụ phía thượng lưu, áp trúc đất mái đập phía hạ lưu; nâng cấp tràn xả lũ, cống lấy nước, xây mới nhà điều hành, hoàn thiện hệ thống điện, hệ thống quan trắc… 


Bờ đập mái hạ du hồ chứa nước Khe Tân nham nhở, chưa được đắp áp trúc.

Trong đó, liên danh Công ty Xây dựng Phú Hòa - Công ty CP 6.3 (đều ở Đà Nẵng) trúng gói thầu xây lắp và bảo hiểm từ cọc TDC đến cọc C33 đập chính và cống lấy nước, trị giá: 41,348 tỷ đồng, thời gian thực hiện 730 ngày kể từ ngày 19-3-2015. Ngày 24-3-2015, liên danh này đã khởi công thực hiện các hạng mục trúng thầu; theo kế hoạch tháng 3-2017 hoàn thành.

Đến đầu năm 2016, khi triển khai hạng mục đắp áp trúc hơn 20 nghìn m³ đất  vào mái đập phía hạ lưu, do không có nơi lấy đất nên liên danh… “án binh bất động”. Từ đó đến nay, 9 tháng trôi qua, vướng mắc về nơi lấy đất vẫn chưa được giải quyết. 

Toàn bộ  xe cộ, máy móc, trang thiết bị phục vụ thi công phải tập kết về một chỗ. Công trình dang dở kéo dài, chân đập phía hạ lưu đã đào bới nham nhở chờ áp trúc, trong khi mùa mưa lũ cận kề, nguy cơ hồ chứa có dung tích 74 triệu m³ này mất an toàn rất lớn.

Trao đổi với  chúng tôi, lãnh đạo liên danh Công ty Xây dựng Phú Hòa - Công ty CP 6.3, cho biết: Dự án quy hoạch lấy đất tại khu đất lâm nghiệp của một hộ dân thôn Thạnh Tân, xã Đại Chánh (Đại Lộc). Việc giải tỏa, đền bù đã triển khai, nhưng không hiểu lý do gì, khi đơn vị thi công tiến hành khai thác đất, hộ này ngăn cản, với lý do chưa thống nhất giá đền bù. Liên danh chỉ biết chờ đợi và kiến nghị chủ đầu tư giải quyết.  

Ông Võ Văn Điềm, Trưởng ban Quản lý dự án  NN&PTNT tỉnh Quảng Nam giải thích rằng: Dự án quy hoạch lấy đất tại khu đất lâm nghiệp của một hộ dân của thôn Thạnh Tân cách công trình hơn 1km. Việc giải tỏa đền bù đã thống nhất, hộ này đã ký các văn bản cần thiết, song khi đơn vị thi công triển khai lấy đất thì họ ngăn cản, đòi hỏi nâng mức đền bù và yêu sách muốn được tiếp tục sử dụng khu đất đó khi đã lấy đủ số đất đắp áp trúc đập. 

Theo ông Điềm, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã tính đến phương án lấy đất trong lòng hồ để đắp áp trúc mái đập, hoặc chọn địa điểm khác… Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, lúc nào triển khai phương án mới này thì ông Điềm chưa có câu trả lời cụ thể.Có thể nói, vướng mắc về nơi lấy đất đắp cho mái hạ lưu đập của hồ chứa nước Khe Tân không lớn, bởi khu vực gần hồ chứa là hàng chục nghìn héc-ta đất lâm nghiệp. 

Với công trình có vị trí đặc biệt quan trọng về phòng chống thiên tai như hồ Khe Tân, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phải giải quyết rốt ráo vướng mắc để đơn vị thi công sớm có nơi khai thác đất tiến hành thi công áp trúc bờ đập đảm bảo độ dày cần thiết theo thiết kế trước khi lũ về, đồng thời kịp hoàn thành công trình đúng thời gian đã ký kết.

Bờ đập mái hạ du hồ chứa nước Khe Tân nham nhở, chưa được đắp áp trúc.
Nguyễn Cầu
.
.
.