Ngán ngẩm điệp khúc “đội vốn, chậm tiến độ” các dự án giao thông Thủ đô

Thứ Bảy, 21/11/2015, 07:00
Theo quy hoạch, đến năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có 8 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT). Thế nhưng, tính đến thời điểm này, từ dự án đang triển khai, đến dự án tạm dừng đều đang rơi vào tình trạng “đội vốn, chậm tiến độ”…

Báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 8 dự án ĐSĐT. Trong đó: 3 dự án ĐSĐT đang triển khai gồm Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm Nhổn - ga Hà Nội; Dự án tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án tuyến ĐSĐT trên cao Cát Linh - Hà Đông. 1 dự án tạm dừng triển khai là Dự án ĐSĐT tuyến số 1, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi; 5 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi gồm: Dự án tuyến ĐSĐT Hà Nội số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Dự án tuyến ĐSĐT Hà Nội số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; Dự án tuyến ĐSĐT Hà Nội số 5, đoạn Nam Hồ Tây - Láng - Hòa Lạc; Dự án tuyến ĐSĐT Hà Nội số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi và Dự án tuyến ĐSĐT Hà Nội số 8, đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá.

Điều đáng chú ý, hầu hết các dự án đang triển khai trên đều chậm tiến độ. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, ở tuyến ĐSĐT số 2, phạm vi giải phóng mặt bằng thuộc các khu vực nhạy cảm, đông dân cư; công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, đặc biệt là các nhà ga trong trung tâm; mặt bằng depot hiện nay chưa xác định được địa điểm tái định cư đất ở nên chưa thể tổ chức họp dân… Tại tuyến số 3 Cát Linh-Hà Đông, vướng mắc lại nằm ở khâu điều chỉnh hợp đồng EPC; tại tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi vướng mắc ngay trong quá trình thực hiện dự án giai đoạn 1 như vị trí và phương án kiến trúc cầu vượt sông Hồng còn chưa thống nhất ý kiến; quy hoạch chi tiết 1/500 các ga chưa được phê duyệt; quy định khoảng cách an toàn phóng điện khi tàu đô thị và tàu quốc gia chạy chung…

Ngoài việc chậm tiến độ, ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc BQL dự án ĐSĐT Hà Nội cũng cho biết, nhiều dự án đã bị đội vốn. Cụ thể, tuyến Nhổn - ga Hà Nội tăng tổng mức đầu tư thêm 393 triệu euro, từ 783 triệu euro lên 1,176 tỉ euro (trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,9 triệu euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88 triệu euro).  Dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km cũng đã được rà soát, dự kiến điều chỉnh tăng từ 11.555 tỉ đồng lên 51.700 tỉ đồng (dự kiến thực hiện từ 2009 - 2020). Chính phủ đang giao Bộ KH-ĐT thẩm định lại dự án, báo cáo trước tháng 4-2016. Hiện dự án mới triển khai giải phóng mặt bằng một phần tại khu vực depot, đoạn trên cao và chuyển tiếp, riêng đoạn đi ngầm mới hoàn tất các thủ tục liên quan đến thu hồi đất. Đáng nói, theo ông Mạnh, kế hoạch đến 2016 Hiệp định vay vốn JICA với dự án sẽ hết hiệu lực, nếu không có gói thầu xây lắp nào thực hiện thì hiệu lực của khoản vay sẽ bị xem xét, đánh giá lại, vì vậy rất khó khăn. “Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trong tháng 4-2016 khi nhà thầu có kết quả thẩm tra cuối cùng, trong khi chờ Chính phủ hoặc báo cáo Quốc hội cho phép chủ đầu tư triển khai một gói thầu depot để có thể giải ngân một gói thầu xây lắp, khi đó hợp đồng vay vốn chỉ gia hạn không phải đánh giá lại”, ông Mạnh đề nghị.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm thẩm định các nguồn vốn để các nhà tài trợ có điều kiện giải ngân đúng tiến độ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, từng nguồn vốn tài trợ cần xây dựng tiến độ tổng thể và cụ thể để căn cứ vào đây có chỉ đạo, đồng thời chậm tuyến nào sẽ đưa ra được nguyên nhân và có giải pháp bù lại tiến độ bị chậm đó, tất cả nguyên nhân vừa qua chủ yếu tập trung ở phía cơ quan quản lý của Việt Nam và Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng có hướng tháo gỡ... 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đưa ra yêu cầu kiên quyết những gói thầu đấu thầu vượt giá trần thì không làm, tăng cường đấu thầu quốc tế rộng rãi và tránh trường hợp đấu thầu trong các nhà thầu của nhà tài trợ nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong thực hiện dự án.

Đặng Nhật
.
.
.