Vỉa hè Hà Nội sau thanh tra: Chỉ đạo quyết liệt nhưng… thực thi tà tà
- Vỉa hè Hà Nội và vấn đề “truy trách nhiệm”
- Nhiều vỉa hè Hà Nội được thay "áo" mới
- Cáp viễn thông nhằng nhịt bủa vây vỉa hè Hà Nội
Tháng 2-2018, Kết luận thanh tra số 673/KL-TTTP-P2 được công bố với hàng loạt vi phạm của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện dự án đã được chỉ ra.
Đến nay, điều mà người dân quan tâm chính là việc xử lý vi phạm sau thanh tra; khắc phục hậu quả do những sai phạm gây ra và xem xét trách nhiệm công vụ của tập thể, cá nhân đã để xảy ra vi phạm... Từ đó đưa công tác quản lý lĩnh vực này đi vào nền nếp vì mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp như quy hoạch đã được phê duyệt.
Chủ trương một đằng, thực hiện một nẻo
Trước hết, cần nhắc lại yêu cầu của thành phố Hà Nội (được thể hiện tại các Quyết định 4340/QĐ-UBND, 15/2003/QĐ-UBND, Văn bản 2340/UBND-XDGT…) đối với các chủ đầu tư công trình xây dựng, cải tạo hè đường đô thị là phải có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng thiết kế mẫu hè đường phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành; trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, xây dựng, chủ đầu tư phải có sự phối hợp và lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan để việc xây dựng công trình được đồng bộ, an toàn, đảm bảo mỹ quan đô thị; đối với các dự án đã phê duyệt dự án, thiết kế nhưng chưa thi công thì phải điều chỉnh lại theo nội dung chỉ đạo của thành phố; vật liệu dùng lát vỉa hè, bó vỉa là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững bảo đảm sử dụng lâu dài…
Mặc dù chưa hạ ngầm dây điện, dây thông tin nhưng phố Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình) vẫn được lát đá vỉa hè. |
Chủ trương rõ ràng như vậy, nhưng quá trình triển khai, một số quận với tư cách là chủ đầu tư đã thực hiện không đúng chỉ đạo của thành phố, để xảy ra rất nhiều sai phạm, kể cả việc dùng quyền năng trong sử dụng vốn đầu tư.
Tại quận Ba Đình, kết luận thanh tra nêu rõ có 3 dự án cải tạo hè phố Nguyễn Trường Tộ, phố Nguyễn Khắc Nhu-Hàng Bún, phố Đội Cấn, thì đều đã lát đá vỉa hè khi chưa hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin, chưa di chuyển cột điện, trạm biến áp.
Việc làm đó là không thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố, bởi thành phố chủ trương chỉ lát đá hè sau khi đã chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và hạ ngầm các đường dây: điện, thông tin, Internet được nêu tại Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND và Văn bản 2340/UBND-XDGT của thành phố.
Mục đích của chủ trương này ai cũng hiểu, là nhằm đầu tư bài bản, đúng quy hoạch, đảm bảo cảnh quan bền, đẹp, tránh tình trạng lát vỉa hè rồi lại phải đào lên hạ ngầm đường dây… gây lãng phí tiền của, công sức, ảnh hưởng tới giao thông, sức bền vật liệu...
Tại quận Hà Đông, khi thực hiện dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang-Ba La), UBND quận Hà Đông không thông qua HĐND quận chấp thuận; dự án cũng không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013-2015.
Việc làm này là không thực hiện đúng Văn bản số 1698/UBND-CT của UBND thành phố về xây dựng kế hoạch đầu tư, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước 3 năm 2013-2015; trong khi UBND thành phố chấp thuận cho quận Hà Đông được dùng vốn đấu giá quyền sử dụng đất do thành phố để lại để đầu tư lát đá vỉa hè chỉ ở 2 tuyến quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoan-Ba La) và đường Bà Triệu, thì UBND quận Hà Đông lại cải tạo lát đá cho cả các tuyến phố khớp nối, tiếp giáp như tuyến phố Chu Văn An (đoạn từ quốc lộ 6A đến cầu Am), tuyến phố Ngô Thì Nhậm (đoạn từ quốc lộ 6A đến cầu Chùa Ngòi), tuyến đường K3 và N3 chạy xung quanh UBND quận, đường Phùng Hưng (đoạn từ quốc lộ 6A đến cầu Đen)… mà không báo cáo, xin ý kiến UBND thành phố là không đúng với quy định.
Quận Hà Đông lát đá tuyến phố Ngô Thì Nhậm không đúng quy định. |
Việc cải tạo, nâng cấp vỉa hè 2 tuyến phố Ngô Thì Nhậm và đường N3, K3 đã được triển khai trong khi các tuyến này đều chưa hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số quận chấp thuận đầu tư dự án lát đá hè ở những tuyến không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định như 2 dự án là tuyến đường 25m tại phường Ngọc Thụy và tuyến từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì thuộc quận Long Biên; lát vỉa hè đường nội bộ tại 4 khu hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất phường Kiến Hưng, Hà Đông khi người dân chưa xây dựng nhà cửa; chỉ ra những sai phạm trong khảo sát, thiết kế các dự án; sai phạm trong tính sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá xây dựng, tồn tại trong đấu thầu, thi công dự án, quản lý vật tư… ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ…
Những phần trách nhiệm chưa được làm sáng tỏ!
Ngay sau khi có kết luận thanh tra, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã rất quyết liệt chỉ đạo xử lý, khắc phục những sai phạm và tồn tại như kiến nghị thanh tra đã nêu.
Tại Công văn số 816/UBND-ĐT ngày 2-3-2018, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng cùng UBND các quận thực hiện nội dung kiến nghị thanh tra.
Trong đó, yêu cầu UBND các quận tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè như thanh tra đã kết luận.
Đến nay, theo ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý xây dựng Sở Xây dựng Hà Nội, thì hầu hết các quận đều đã có báo cáo kiểm điểm, xử lý sau thanh tra gửi về sở.
Trong đó, đáng lưu ý là mới có các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai họp kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận, các phòng, ban, đơn vị, cá nhân liên quan, tổng số đã kiểm điểm 8 phòng, ban, 37 cá nhân; một số khoản tiền do tính sai đơn giá, tính tăng khối lượng đã được xác định trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân…
Nhiều quận trong nội dung báo cáo chưa có đánh giá kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm, tồn tại nói trên. Bên cạnh đó còn nhiều nội dung các quận chưa thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố.
Rõ ràng, trái với chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo thành phố, thì sự chuyển động ở bên dưới trong việc xử lý, khắc phục những sai phạm kết luận thanh tra chỉ ra còn rất chậm và không triệt để. Xin đơn cử việc kiểm điểm, xử lý khắc phục sau thanh tra tại quận Hà Đông.
Với sai phạm như trên, kết luận thanh tra nêu rõ “trách nhiệm trước tiên thuộc Trưởng phòng Tài chính-kế hoạch. Bên cạnh đó có trách nhiệm của Phó chủ tịch quận phụ trách khối và Chủ tịch UBND quận Hà Đông giai đoạn 2014-2015”.
Ấy nhưng, tại hội nghị tổ chức ngày 19-3 để kiểm điểm xử lý, khắc phục sau thanh tra với đầy đủ thành phần phòng, ban chức năng dưới sự chủ trì của lãnh đạo quận Hà Đông, mới thấy 14 cán bộ phòng, ban kiểm điểm về 9 nội dung liên quan đến trách nhiệm trong dự án theo Kết luận số 673/KL-TTTP-P2 của thanh tra thành phố.
Đến đây, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng 14 cán bộ chức năng trên có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè khi dự án không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn lại không được sự chấp thuận của HĐND quận? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi sử dụng vốn đấu giá quyền sử dụng đất đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè một loạt tuyến phố khi không được phép của UBND thành phố?
Những câu hỏi này xin chuyển tới cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội làm sáng tỏ, bởi cho đến nay tại kết luận kiểm điểm xử lý, khắc phục sau thanh tra của quận Hà Đông vẫn chưa được nêu ra.