Vì sao việc tuyên bố vỡ nợ ngày càng nhiều?

Thứ Tư, 15/06/2016, 09:51
Vỡ nợ với cách hiểu đơn giản là mất khả năng trả nợ giữa chủ nợ với con nợ. Tuy nhiên, trong thực tế từ nhiều vụ vỡ nợ thời gian gần đây cho thấy các đối tượng vay vốn, nhận hàng ký gửi của người dân đã tìm nhiều cách để “biến” mình trở thành người làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán nhằm kéo dài thời gian trả nợ hoặc cấn nợ tài sản nhằm trục lợi...

Liên tục trong nhiều năm qua đã có không ít người chết, tự tử, nhiều gia đình tán gia bại sản vì bị các đối tượng vay nợ không chịu trả tiền mà tìm cách trốn tránh, kéo dài thời gian trả nợ... Riêng trong tháng qua, tại địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra 2 vụ tuyên bố vỡ nợ như có sự xếp đặt với số tiền hàng chục tỷ đồng, gây bức xúc dư luận.

Theo cơ quan CSĐT Công an huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, vừa qua cơ sở thu mua cà phê của bà Đoàn Thị Niềm, ông Tưởng Công Kỳ (ở xã Ia Krăi, huyện Ia Grai) gửi đơn đến UBND xã Ia Krăi đề nghị thông báo phá sản với lý do vì làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoảng 200 tấn cà phê, trị giá trên 7 tỷ đồng.

Qua tiến hành xác minh, cơ quan Công an xác định, cơ sở kinh doanh của vợ chồng Kỳ-Niềm được cấp phép kinh doanh nông sản từ năm 2006 đến nay. Quá trình làm ăn thời gian đầu đã lấy lòng tin được nhiều người dân mua bán, ký gửi hàng nông sản nhưng sau đó tuyên bố mất khả năng trả nợ.

Cơ sở kinh doanh Nguyệt Tỉnh với những phiếu gửi hàng nội dung sơ sài. 

Vào tháng 5-2016, nhiều người dân ký gửi cà phê đến cơ sở thu mua nông sản của vợ chồng Kỳ - Niềm xin bán hàng lấy tiền thì chủ cơ sở đã cho biết mất khả năng trả nợ. Bà Oanh, một người dân đã ký gửi tại đây 47 tấn cà phê đến cắt giá cà phê lấy tiền nhưng vợ chồng Kỳ - Niềm đã cho biết không còn tiền trả nợ. 

Sau khi vợ chồng Kỳ - Niềm bán hết số hàng còn lại trong kho được gần 2,4 tỷ đồng nhưng phải trả cho các ngân hàng hết gần 2 tỷ đồng, số còn lại không đủ thanh toán cho các cá nhân khác. Lúc đầu, nhiều người đến lấy tài sản cấn nợ với giá cao nhưng sau đó đã không đồng ý.

Qua xác minh của Công an huyện Ia Grai cho thấy, việc các hộ nông dân ký gửi cà phê cho chủ kinh doanh Kỳ - Niềm là tự nguyện, không có giấy tờ hợp đồng quy định cụ thể nào mà người dân chỉ ký sổ gửi cà phê. Điều này cho thấy đây là sơ hở rất lớn của người dân nên cơ quan Công an đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa án để đòi nợ chứ chưa có dấu hiệu tội phạm để khởi tố điều tra.

Theo lý giải của chủ cơ sở kinh doanh này là do đánh giá sai lầm về thị trường nông sản nên đã mua giá cao, bán giá thấp và trả lãi ngân hàng nên thua lỗ. Trong khi đó, đầu tháng 6 vừa qua, chủ doanh nghiệp  (DN) thu mua, nhận ký gửi cà phê Nguyệt Tỉnh (ở thôn Hà Lòng, xã Kdang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ cũng tự nguyện đến UBND xã Kdang tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng thanh toán số tiền trên 36 tỷ đồng với lý đưa ra là làm ăn thua lỗ. 

Thiếu tá Nguyễn Đức Hoàng, Phó trưởng Công an huyện Đắk Đoa cho biết, theo điều tra ban đầu có khoảng 13 đơn gửi đến Công an huyện kêu cứu với số tiền bị mất khoảng 2,5 tỷ đồng. 

Trong khi đó, phía Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cũng đã nhận hàng chục đơn tố cáo DN Nguyệt Tỉnh chiếm dụng với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của DN này do cơ quan chức năng nắm được trị giá chưa tới 10 tỷ đồng nhưng đã nợ vay ngân hàng hơn 4 tỷ đồng.

Đau đớn là sau khi DN Nguyệt Tỉnh tuyên bố vỡ nợ, hàng chục nông dân trồng hồ tiêu, cà phê ở địa phương đã lâm vào cảnh điêu đứng vì không có tiền lo cho con cái ăn học, không lấy đâu ra tiền đầu tư cho cây cà phê vụ tới; nhiều hộ gia đình có người đau ốm nhưng không có tiền chữa bệnh...

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Đoa cho biết, cũng giống như vụ vỡ nợ ở Ia Grai, những người gửi cà phê ở Đắk Đoa không có hợp đồng giao nhận hàng cụ thể, không có quy định bảo quản, xử lý hàng gửi, không có ngày hứa hẹn trả hàng, tiền mà chỉ ghi nợ bằng phiếu gửi hàng rất đơn giản; có trường hợp viết bằng tay trên mảnh giấy vụn với nội dung gửi hàng... 

Điều này khiến người dân gửi hàng đã tự nguyện trao quyền rất lớn về định đoạt tài sản của họ gửi cho phía DN. Vì vậy, DN tự ý bán tài sản rồi sau đó nhận nợ mà không biết khi nào trả. 

Theo điều tra ban đầu, ngoài lượng hàng cà phê, hồ tiêu người dân gửi, DN Nguyệt Tỉnh còn vay nợ với lãi suất cao từ nhiều người với số tiền khoảng 16,3 tỷ đồng. Nhiều người dù biết DN Nguyệt Tỉnh từng vỡ nợ ở Đắk Lắk, bỏ sang Gia Lai kinh doanh lại nhưng vì ham lợi nên vẫn cho vay tiền và tiếp tục dính bẫy.

Những “kịch bản” vỡ nợ của các cơ sở thu mua hàng nông sản ở Gia Lai vừa qua cho thấy cũng giống hàng chục vụ vỡ nợ trước đây tại các tỉnh Tây Nguyên, cuối cùng người chịu thiệt hại vẫn là nông dân.

Đặng Ngọc Như
.
.
.