Về vụ trục lợi tiền vay tại Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc:

Vì sao tòa án quyết “xử” khi CQĐT đang giải quyết vụ việc?

Thứ Năm, 15/09/2016, 08:55
Trong khi cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ bản chất sự việc này thì những ngày qua, TAND huyện Yên Lạc liên tục triệu tập những người dân liên quan đến việc cho ông Kiên “vay ké” tiền tín dụng để trục lợi lên làm việc. 

Vừa qua, Báo CAND đã có bài phản ánh về những dấu hiệu bất thường liên quan đến ông Bùi Hữu Kiên (40 tuổi, trú tại thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), thời điểm giữ chức danh Trưởng ban Kiểm soát kiêm cán bộ tín dụng Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm trong việc cho người dân thị trấn vay vốn để chiếm đoạt số tiền lớn. 

Hành vi ấy thể hiện rõ trong việc ông Kiên “vay ké” tiền của nhiều người dân ở thị trấn Yên Lạc trong hợp đồng tín dụng của họ với Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc. 

Điều đáng nói là những hợp đồng này đều do chính tay ông Kiên thực hiện, thông qua sự trợ giúp tích cực của bà Phùng Thị Thanh Hương, thời điểm đó là Giám đốc Quỹ tín dụng này. Không chỉ “vay ké” tiền, ông Kiên còn có hành vi giả mạo chữ ký của người dân trong một số hợp đồng tín dụng. 

Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân về sự việc này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành thanh tra và ngày 26-2-2016 đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đối với ông Kiên. Bà Hương cũng bị miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Quỹ.

Hiện tại, Đảng ủy thị trấn Yên Lạc đang xem xét để có hình thức kỷ luật Đảng đối với bà Hương và ông Kiên do có những vi phạm trong quá trình công tác. Ngoài ông Kiên, bà Hương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định, liên quan đến sự việc này còn có trách nhiệm của ông Lê Văn Quý, vừa được bổ nhiệm Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc. 

Lý do là ông Quý dù biết việc làm vi phạm của ông Kiên, bà Hương liên quan đến hoạt động cho vay tiền nhưng không kịp thời báo cáo cấp trên để ngăn chặn.

Đồng thời cần phải xem xét trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT và thủ quỹ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc do buông lỏng trách nhiệm quản lý và kiểm soát chứng từ liên quan đến hoạt động cho vay của Quỹ khi để cho ông Kiên “qua mặt” từ việc trục lợi tiền vay của người dân với số tiền rất lớn.

Cùng thời điểm này, cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc cũng tiến hành xác minh nội dung tố cáo của người dân về những sai phạm của ông Kiên liên quan đến hành vi giả mạo chữ ký trong một số hợp đồng tín dụng và hành vi “vay ké” tiền của người dân thông qua hợp đồng tín dụng để trục lợi.

Trong khi cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ bản chất sự việc này thì những ngày qua, TAND huyện Yên Lạc liên tục triệu tập những người dân liên quan đến việc cho ông Kiên “vay ké” tiền tín dụng để trục lợi lên làm việc. 

Lý do TAND huyện Yên Lạc đưa ra là do Quỹ tín dụng khởi kiện các hộ dân ra tòa án yêu cầu trả lại số tiền đã vay. Các hộ dân sau đó đồng loạt đề nghị tòa án tạm dừng giải quyết sự việc này để chờ kết quả xác minh của cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc.

Dù đề nghị của các hộ dân là rất chính đáng nhưng không hiểu sao, TAND huyện Yên Lạc vẫn gấp rút các thủ tục để quyết mở phiên tòa xét xử vụ kiện này(?!). Lo sợ bị mất nhà, người dân tiếp tục cầu cứu các cơ quan thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Yên Lạc đề nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

Mới đây, Ban Nội chính tỉnh Vĩnh Phúc và Huyện ủy Yên Lạc đã có văn bản yêu cầu TAND huyện Yên Lạc trả lời về sự việc này. Ông Nguyễn Công Sinh, Phó Chánh án TAND huyện Yên Lạc đã có văn bản báo cáo hai cơ quan trên với lý do rất chung chung như: việc một số hộ dân có đơn tố cáo ông Kiên giả mạo chữ ký trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, giấy đề nghị vay vốn, phiếu chi tiền đến nay chưa có kết quả giám định; cơ quan điều tra cũng chưa khởi tố vụ án hình sự.

Với báo cáo theo hướng này, TAND huyện Yên Lạc chốt lại “Vụ việc đang trong quá trình tòa án giải quyết nên chưa có căn cứ để tạm đình chỉ theo yêu cầu của các hộ dân”. Đây rõ ràng là cách trả lời thiếu thuyết phục, bởi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ về việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Theo đó, Điều 214 của Bộ luật này quy định, tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có căn cứ sau: “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án” (điểm d, khoản 1).

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). 

Luật sư Thơm cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi cơ quan CSĐT đang tiến hành giải quyết sự việc này mà tòa án triệu tập người liên quan để xét xử theo đơn khởi kiện của tổ chức (Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc - PV) thì người được triệu tập hãy làm “Đơn đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” gửi tòa án kèm theo các giấy tờ liên quan như: “Thông báo trả lời đơn số 441/TLĐ-PC44 của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc”; “Thông báo trả lời đơn số 487/TLĐ- PC44 của Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc”; “Thông báo về việc chuyển đơn số 89/TB-CAT (PV24) của Công an tỉnh Vĩnh Phúc”… và những giấy tờ khác do cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc cung cấp chứng minh họ đang giải quyết vụ việc này.

Trên cơ sở này, tòa án sẽ xem xét để có quyết định phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. 

Nguyễn Hưng
.
.
.