Vì sao doanh nghiệp vận tải “phớt lờ” quyết định thu hồi phù hiệu?

Thứ Hai, 04/12/2017, 08:52
Theo quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km chạy xe hoặc có 10% số ngày xe hoạt động; người lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục và thời gian liên tục lái xe trong ngày, thì sẽ bị thu hồi phù hiệu. Do đó, từ đầu năm đến nay hàng nghìn xe vi phạm đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho vào “danh sách đen”. Tuy nhiên, việc thu hồi phù hiệu của các đơn vị vi phạm này không dễ.


Đề xuất thu hồi phù hiệu của hơn 6.000 phương tiện

Gần cuối tháng 11, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1674/QĐ-SGTVT về việc xử lý vi phạm đối với phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, thu hồi phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định” đối với xe ôtô có BKS 29B-100.81 của Công ty cổ phần Vận tải Thanh Xuân do khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện từ ngày 1-11-2017 đến ngày 21-11-2017 cho thấy, không thực hiện đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến phê duyệt và không đảm bảo truyền dẫn đầy đủ, chính xác, liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình của xe trong suốt quá trình phương tiện tham gia giao thông. Thời gian thu hồi phù hiệu 1 tháng kể từ ngày 24-11-2017.

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngành nước và môi trường từ chối phục vụ đối với xe ôtô có BKS 29B-100.81 của Công ty cổ phần Vận tải Thanh Xuân. Công ty cổ phần Vận tải Thanh Xuân có trách nhiệm thu hồi phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định” của xe 29B-100.81 giao nộp về Phòng Quản lý vận tải – Sở GTVT Hà Nội sau 7 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Cần có chế tài mạnh để xử nghiêm các doanh nghiệp có xe vi phạm “chây ì” việc nộp phù hiệu. (Ảnh minh hoạ).

Tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh hoạt động vận tải của đơn vị, có hình thức xử lý lái xe vi phạm, báo cáo Sở GTVT Hà Nội bằng văn bản theo quy định. Ngoài ra, nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục đối với một số phương tiện khác vi phạm khi tham gia giao thông.

 Điều đáng nói, các phương tiện trên không phải là những phương tiện đầu tiên bị thu hồi. Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 10-2017, Phòng Quản lý vận tải đã đề xuất xử lý 6.456 phương tiện vi phạm của hơn 3.300 đơn vị; nhắc nhở gần 24.000 phương tiện của 10.111 đơn vị kinh doanh vận tải xe container, xe chạy tuyến cố định, xe tải, xe đầu kéo, xe hợp đồng, xe taxi…

Theo quy định, các xe nằm trong “danh sách đen” phải nộp lại phù hiệu về Sở GTVT trong vòng 1 tuần, kể từ ngày Sở ra quyết định. Thế nhưng, đại diện Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, việc thực hiện tuân thủ đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã lớn thì tương đối nghiêm túc, còn một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ thì chưa thực hiện.

Do chế tài chưa đủ răn đe

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, chỉ tính riêng 3 tháng 8, 9, 10, Sở GTVT đã đề xuất thu hồi phù hiệu của gần 900 phương tiện. Thế nhưng, sang đến tháng 11, mới chỉ mới thu hồi được khoảng 500 phù hiệu của trên 200 đơn vị, hộ kinh doanh vận tải. Còn lại, gần 300 phương tiện của các công ty, hộ kinh doanh nhỏ lẻ là “làm ngơ”...

“Một số đơn vị có văn bản gửi đến giải trình là do xe ở xa, hoặc đang bảo dưỡng… còn lại đa số là các đơn vị chây ì không có lý do giải trình. Đối với những đơn vị không nộp lại phù hiệu, Sở sẽ không cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện bị thu hồi trong thời hạn 6 tháng (theo khoản l mục 4 điều 22 Thông tư 10/2015/TT-BGTVT) và gửi danh sách xe cho lực lượng Thanh tra xử lý”.

Trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, được biết, nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp chây ì với các quyết định xử phạt thu hồi phù hiệu (dù là 6 tháng) là do chế tài xử phạt đủ chưa đủ sức răn đe.

Để thực hiện nghiêm túc các quyết định, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đề xuất, cho phép Sở GTVT Hà Nội dừng thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp lại phù hiệu đối với các đơn vị vận tải không truyền dữ liệu, đã bị nhắc nhở nhưng vẫn không truyền, hoặc những trường hợp bị thu hồi phù hiệu không đến thực hiện quyết định.

Đồng thời, nghiên cứu rút ngắn thời hạn cấp phù hiệu theo hướng xuống còn 2 năm để việc thực hiện chấp hành điều kiện kinh doanh vận tải của các đơn vị đúng quy định. Vì hiện nay một số đơn vị kinh doanh vận tải sau khi được cấp phù hiệu đã không truyền dữ liệu lên hệ thống giám sát hành trình gây khó khăn trong công tác quản lý.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất Bộ GTVT bỏ quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu trong kinh doanh vận tải. Đơn vị này cho rằng, quy định các xe ôtô tải phải dán phù hiệu, biển hiệu mới được lưu thông đang trở thành một loại "giấy phép con" gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp, chủ xe.

Một số hãng kinh doanh vận tải cho hay, phù hiệu để nhận biết xe kinh doanh vận tải nhưng việc làm này không có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ, việc cấp phù hiệu xe giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng quản lý các loại xe trên trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải của các xe này. Nếu không có phù hiệu, biển hiệu sẽ không có phương tiện để quản lý luồng tuyến, gây ra rối loạn trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Phạm Huyền
.
.
.