Vì sao có tiền nhưng không mua được bảo hiểm y tế?

Chủ Nhật, 12/07/2020, 09:09
Theo quy định, bảo hiểm y tế (BHYT) được quản lý theo 2 hình thức là bắt buộc và tự nguyện. Về BHYT tự nguyện, từ ngày 1/1/2016 trở đi, bắt buộc phải tham gia theo hộ gia đình, nghĩa là không được tham gia một cách đơn lẻ. Chính vì vậy, nhiều trường hợp không thể mua được BHYT. Câu chuyện thực tế từ lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hoạt động phòng chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, bất cập, do một số quy định trong Luật Phòng chống HIV/AIDS và hướng dẫn dưới luật gây khó khăn cho hoạt động. Ví dụ như quy định miễn phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nhóm nguy cơ cao (phụ nữ mang thai thường đến các bệnh viện tuyến thành phố để khám thai và xét nghiệm, vì vậy các bệnh viện này sẽ thu phí do trái tuyến, nhưng như thế theo luật là vi phạm), khó khăn nhất hiện nay là vấn đề BHYT cho người bệnh. Hiện nay, người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, một số trường hợp không thể có thẻ BHYT, nhưng tham gia tích cực hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Việc sử dụng ma tuý và mại dâm biến tướng là nguy cơ dẫn đến bệnh HIV/AIDS.

Từ năm 2017, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại thành phố và người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh, thành khác, nhưng cư trú trên 6 tháng đang điều trị bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả đến tháng 12-2019, thành phố đã cấp thẻ BHYT cho 3.784 bệnh nhân, có khoảng 84% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT.

Nhằm tạo cho bệnh nhân được điều trị liên tục, dễ dàng, giảm tình trạng mất dấu và gia tăng độ bao phủ bệnh nhân có thẻ BHYT, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với 6 tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai,Tây Ninh, Long An, Tiền Giang thực hiện việc liên kết chuyển gửi bệnh nhân. Trong năm 2019, thành phố đã chuyển gửi 825 bệnh nhân thường trú tại các tỉnh này đang điều trị thuốc kháng virus (ARV) tại thành phố về các tỉnh để tiếp tục hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời sắp xếp, củng cố việc đưa bệnh nhân điều trị ARV về trạm y tế phường, xã để bệnh nhân thuận tiện đi lại điều trị gần nhà, đảm bảo quy trình điều trị liên tục qua BHYT và giảm tải cho các phòng khám ngoại trú tuyến quận, huyện.

Ông Đồng Văn Ngọc, phụ trách công tác phòng chống HIV/AIDS của Sở Y tế TPHồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có gần 47.000 người nghiện ma tuý, gần 40.000 người đang điều trị ARV. Thành phố đã triển khai tất cả chương trình về phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, khó khăn của công tác này còn nhiều. Như xu hướng nhiễm HIV/AIDS trên nhóm quan hệ đồng giới nam tăng, người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp cũng tăng; có nhiều người nhiễm HIV nhưng không có nơi cư trú, không giấy tờ tuỳ thân nên không thể có BHYT.

Điều đáng nói, hiện thành phố có khoảng 20-25% người nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV nhưng có hộ khẩu ở tỉnh, thành khác. Trong đó có khoảng 15% người không có nơi cư trú, không có giấy tờ tùy thân, nên không thể tham gia BHYT để điều trị bệnh. Mặc dù Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua nguồn kinh phí để mua BHYT cho những đối tượng này. “Có tiền nhưng không mua được BHYT vì quy định phải có giấy tờ tùy thân, nhiều trường hợp không có giấy tờ gì nhưng mắc bệnh hiểm nghèo thì phải chữa trị cho họ”, ông Ngọc cho biết.

Theo quy định hiện nay, Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV nên người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh được bảo hiểm chi trả kinh phí. Tuy nhiên, có một số trường hợp tích cực hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhưng không có BHYT; người bị phơi nhiễm HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV; người nhiễm HIV trong trại gian, trại tạm giam; người nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma tuý cơ sở xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở thiện nguyện có chức năng điều trị HIV/AIDS miễn phí hợp pháp…

Đại diện Sở  Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị, trong trường hợp người nhiễm HIV chưa thể cung cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) nhưng khi cần tiếp cận điều trị thuốc HIV trong ngày, có thể cung cấp giấy tờ tuỳ thân hợp lệ để tiếp nhận điều trị ngay, sau đó bổ sung CCCD sau. Đồng thời, để đảm bảo tính bền vững nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS cần bổ sung thêm nguồn lực từ quỹ BHYT.

Nguyễn Cảnh
.
.
.