Vì đâu một phần trụ sở đất công sản của Hội Nhà văn Việt Nam bị “xẻ thịt”?

Thứ Năm, 21/03/2019, 09:53
Năm 1990, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có văn bản số 3379.QT, chuyển giao quyền sử dụng và quản lý ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội cho Hội Nhà văn Việt Nam.

Không hiểu vì sao, năm 2007, một phần diện tích của trụ sở số 9 đã được các cơ quan chức năng của quận Hai Bà Trưng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị...

Từ “ở nhờ” thành “ở thật”?

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ủy quyền theo pháp luật để đại diện tham gia vụ kiện (Hội Nhà văn Việt Nam kiện hành chính UBND quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội – PV) cho biết, trước năm 1990, tòa biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội là nhà ở của cố Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (TƯMTTQVN), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát. Tòa biệt thự bao gồm: Ngôi nhà chính, dãy nhà phụ và sân vườn rộng 700m².

Năm 1984, được sự đồng ý của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, Ban Thư ký Ủy ban TƯMTTQVN ra Quyết định số 84/ QĐ-MTTƯ đồng ý để cá nhân bà Nguyễn Thị Nhị (người nấu ăn phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát) đến ở một căn hộ có diện tích 16m² và diện tích phụ 14m² (tổng cộng 30m²) tại dãy nhà cấp 4 phía sau căn biệt thự để tiện cho công việc phục vụ Chủ tịch.

Đến năm 1990, sau khi Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nghỉ công tác, trở lại miền Nam, toàn bộ khu đất và căn biệt thự 700m được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý và sử dụng làm trụ sở cơ quan Hội. Trong Công văn số 3368/ QT của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng gửi Hội Nhà văn không hề nhắc tới căn hộ bà Nhị được Ủy ban TƯMTTQ "cho đến ở" trước đó.

Năm 1990, Hội Nhà văn Việt Nam lập Dự án xây dựng thư viện và nhà bảo tàng 5 tầng ở phía sau căn biệt thự. Dự án được Nhà nước phê duyệt và cấp kinh phí. Để giải phóng mặt bằng, Hội Nhà văn đã hỗ trợ cho một số nhân viên phục vụ cố Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đi nơi khác. Riêng bà Nguyễn Thị Nhị dứt khoát ở lại, không nhận tiền hỗ trợ cũng như nhà ở.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân khẳng định: “Để tiến hành thi công công trình, Hội Nhà văn Việt Nam phải linh hoạt thu xếp xây một căn hộ cấp 4, gồm 20m² nhà ở và 6m² diện tích phụ ở mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh tòa biệt thự cho bà Nhị ở tạm. Đến năm 2002, bà Nguyễn Thị Nhị làm đơn xin phép Hội Nhà văn Việt Nam được thay mái ngói bằng mái bằng. Hội Nhà văn đồng ý để bà Nhị sửa chữa chống dột”.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân cho biết, trước đó, vào năm 2007, Ban Thường trực Ủy ban TƯMTTQVN gửi công văn cho Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất đề nghị cho bà Nhị được ký hợp đồng thuê nhà, mua nhà đất theo Nghị định 61/CP của Thủ tướng Chính phủ. Những việc này, Hội Nhà văn Việt Nam, chủ sở hữu khu đất không được biết.

“Tháng 11-2007, UBND quận Hai Bà Trưng cấp sổ đỏ (văn bản do ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch quận ký) cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị và ông Trần Duy Bình thửa đất nói trên, rộng 45,2m², chênh lệch so với quyết định của UBTƯMTTQVN 14,2m², so với thỏa thuận của Hội Nhà văn 19,2m². Việc này Hội Nhà văn Việt Nam cũng không được biết” – nhà văn Nguyễn Trí Huân khẳng định.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân cho biết thêm, sau khi được cấp sổ đỏ, bà Nguyễn Thị Nhị đã tiến hành thi công xây dựng ngôi nhà 4 tầng trên diện tích nói trên. Trước thực trạng này, Hội Nhà văn đã gửi nhiều công văn tới quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội nhưng không được giải quyết.

Do không được phúc đáp, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định khởi kiện hành chính đối với UBND quận Hai Bà Trưng về việc vi phạm những quy định của pháp luật, cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Nhị, trên thửa đất Chính phủ giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý và sử dụng.

Ngôi nhà nằm trong khuôn viên 700m² do Hội Nhà văn Việt Nam quản lý, sử dụng hiện đang được gia đình bà Nguyễn Thị Nhị cho thuê làm phòng khám răng – hàm – mặt.

Tòa án quận xử UBND quận thắng kiện!

Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, toàn bộ cơ sở nhà đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội (khuôn viên tổng diện tích 700m2) là đất công sản thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của Hội Nhà văn Việt Nam. 

Cụ thể, trong Văn bản số 3379.QT năm 1990 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định chuyển giao quyền sử dụng và quản lý ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu cho Hội Nhà văn Việt Nam, với tổng diện tích như sau: Nhà chính cả 3 tầng: 152m2; nhà phụ 1 tầng mái ngói: 59m²; bếp và nhà ăn mái bằng: 21m² cùng toàn bộ sân vườn với tổng diện tích khu vực là 700m².

“Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam có đầy đủ các quyền năng của người sử dụng đất và được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Điều 6 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ có quy định, “Đối với đất có tài sản gắn liền với đất là công sản thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và các doanh nghiệp nhà nước thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ được quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sau khi có thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính về việc cho phép chuyển công năng sử dụng của công sản đó sang sử dụng vào mục đích khác” – nhà văn Nguyễn Trí Huân khẳng định.

Ngày 18-11-2010, Bộ Tài chính có Văn bản số 15726/BTC-QLCS về việc trả lời Văn bản số 608/HNV của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong Văn bản số 15726/BTC-QLCS, Bộ Tài chính nêu rõ: “Cơ sở nhà đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Hội Nhà văn Việt Nam quản lý, sử dụng hiện còn bà Nguyễn Thị Nhị lưu cư (do trước đây Hội Nhà văn Việt Nam tạm bố trí 1 gian nhà cấp 4, diện tích 26m² trong khuôn viên cơ sở này) là cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Hội Nhà văn Việt Nam cần phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21-10-2008 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. 

Bộ Tài chính đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện theo quy định tại quyết định nêu trên để Hội phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, thực hiện di dời hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và có trách nhiệm hỗ trợ chi phí di dời cho bà Nhị theo quy định của pháp luật hiện hành”.

8 năm sau khi khởi kiện, ngày 26-11-2018, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã đưa vụ kiện ra xét xử và bên thắng kiện là UBND quận Hai Bà Trưng! Nói về phán quyết của tòa sơ thẩm, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân cho rằng, phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng tại bản án sơ thẩm ngày 26-11-2018, không phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan, không phù hợp với quy định pháp luật, pháp chế nhà nước, và đặc biệt xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của Nhà nước.

“Ngay sau phán quyết ngày 26-11-2018 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng xử vụ Hội Nhà văn Việt Nam kiện UBND quận Hai Bà Trưng, Hội Nhà văn Việt Nam đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Chúng tôi cho rằng, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội chưa nghiên cứu xem xét kỹ các chứng cứ, tài liệu do các bên cung cấp, chưa liên hệ làm việc trực tiếp tìm hiểu nguồn gốc của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có căn cứ là quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện, từ đó bản án đưa ra phán quyết không phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan, không phù hợp với quy định pháp luật, pháp chế nhà nước” - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân cho biết.

Báo CAND sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Vũ Cảnh
.
.
.