Vì “cát tặc”, người dân đành phải bán đất

Thứ Hai, 04/11/2019, 08:25
Bức xúc trước nạn khai thác cát trái phép, người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Krông Nô (địa phận giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) đành phải chấp nhận bán đất cho “cát tặc” để cứu vãn…


Không bán sẽ mất sạch…

Đứng bên mảnh rẫy chỉ còn vỏn vẹn hơn 3 sào đất canh tác giáp bờ sông, anh Vương Văn Hậu (35 tuổi, trú tại thôn 3, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cho biết, năm 2008, gia đình anh chuyển từ Bắc vào đây mua hơn 1ha đất trồng cây nông nghiệp sinh sống. 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng tàu hút cát trộm đã khiến ruộng vườn của gia đình anh bị sạt lở, trôi hết xuống sông. 

“Cứ khoảng 3-4h sáng mỗi ngày, hàng chục tàu lớn tiến sát, đưa vòi rồng vào sát bờ hút cát. Bờ bị hút rỗng chân, đất sạt lở ầm ầm xuống sông, trong nhà còn nghe rõ tiếng. Người dân ra đuổi thì bị những người trên tàu cát đe dọa. Khi báo cơ quan chức năng đến thì các tàu lại nhổ neo bỏ đi, không bắt được”, anh Hậu nói.

Hàng chục hécta đất của người dân dọc sông Krông Nô đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Cũng theo anh Hậu, để cứu vãn miếng rẫy mà anh canh tác bấy lâu nay đang bị sạt lở hằng ngày, anh buộc phải bán với giá rẻ cho các chủ tàu. “Cách đây ít lâu, một chủ tàu hút cát đến “gạ” tôi mua hết số đất còn lại với giá 12 triệu đồng/sào. Không còn cách nào giữ nên tôi bán luôn cho họ. Không bán họ cũng lén vào chân ruộng hút cát, rồi đất cũng sạt lở và mất trắng. Bán rẻ còn được ít tiền”, anh Hậu kể.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình bà Duy Khánh Toàn (trú tại thôn 3, xã Buôn Choah) có gần 4 sào đất canh tác gần sông cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của gia đình bà trong mấy năm qua. 

“Vài năm trở lại đây, không biết tàu hút cát ở đâu về nhiều thế. Mỗi đêm đến sáng, có hàng chục tàu đua nhau thò vòi rồng vào bờ rồi đua nhau hút khiến đất đai sạt lở nghiêm trọng. Gần 4 sào đất của tôi nay chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 3 sào. Không còn cách nào khác tôi đành phải bán số đất còn lại cho chủ tàu với giá hơn 90 triệu đồng”, bà Toàn chua xót.

Không chỉ có gia đình anh Hậu, bà Toàn phải bán đi mảnh đất canh tác, là kế sinh nhai của gia đình trong nhiều năm qua mà hầu hết những hộ dân có đất canh tác dọc hai bờ sông Krông Nô đều phải bán đất cho “cát tặc” để cứu vãn.

Sẽ siết chặt việc khai thác cát

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choah, huyện Krông Nô xác nhận, có việc người dân bán đất cho các chủ tàu hút cát nhưng xã không thể thống kê cụ thể được. Việc mua bán không thông qua xã nên chưa ngăn chặn được vụ nào. 

“Trên chiều dài khoảng 5km dọc sông Krông Nô, có hàng trăm hộ dân của xã có đất bị ảnh hưởng do nạn khai thác cát trái phép với tổng diện tích khoảng 80ha bị sạt lở, nhưng đến nay chưa có hộ dân nào được bồi thường. Chính vì vậy, nhiều người đã quay sang… “thỏa hiệp” bán đất cho “cát tặc””, ông Thinh nói.

Trong khi đó, trao đổi với ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cũng thừa nhận, việc người dân ngấm ngầm thoả hiệp, bán đất cho các chủ tàu là có. “Chúng tôi nghi có việc mua bán đất nhưng không có cơ sở để xử lý. Chủ đất và đơn vị khai thác cát thỏa thuận ngầm với nhau. Chủ ruộng vẫn là người dân nhưng “cát tặc” cứ hút rỗng dần chân ruộng nên sông cứ lở mãi”, ông Danh nói.

Cũng theo ông Danh, trước tình trạng trên, huyện đã nhiều lần có văn bản, nghiêm cấm tình trạng người dân bán đất cho “cát tặc” nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. “Việc mua bán đất này không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn gây khó khăn cho chính quyền trong việc ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô”, ông Danh cho biết thêm.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện có 6 nguyên nhân dẫn đến sạt lở dòng sông Krông Nô như thổ nhưỡng, biến đổi khí hậu. Trong đó hai nguyên nhân chính là do chế độ “1 ngày 2 mùa” (lúc tắt, lúc xả-PV) của thủy điện Buôn Kuốp phía thượng nguồn và nạn khai thác cát trái phép quá mức. “Nguyên nhân sạt lở có nhiều, trong đó hai tác động chính là nạn khai thác cát và chế độ dòng chảy thất thường của thủy điện”, vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, trước thực trạng dòng sông Krông Nô đang bị sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Đắk Nông cũng đã nghiêm cấm việc khai thác, cấp phép khai thác đối với 19 điểm sạt lở nghiêm trọng nhưng không ăn thua. 

“Trong năm 2018, UBND huyện Krông Nô đã trích kinh phí dự phòng 800 triệu đồng từ ngân sách địa phương tạm thời khắc phục sự cố. Hiện Công ty thủy điện Buôn Kuốp đang hỗ trợ địa phương gần 6 tỷ đồng kè khắc phục các đoạn bờ sông sạt lở. Nhà máy cũng đã bồi thường 5 lần cho hàng ngàn hộ dân (cả Đắk Nông lẫn Đắk Lắk) bị sạt lở đất, ngập úng và đang tiến hành bồi thường đợt 6”, vị lãnh đạo này cho hay.

Còn ông Nguyễn Chung Huy, quyền Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Nô cho biết, toàn bộ đoạn sông Krông Nô qua huyện đã được cấp giấy phép khai thác cát cho 6 doanh nghiệp với 7 điểm mỏ, tổng chiều dài khoảng 20km. “Hiện tỉnh đã khoanh vùng 19 điểm sạt lở nghiêm trọng (dài gần 10km) và cấm cấp phép khai thác ở những nơi này. Tuy nhiên, chỉ khi cấm khai thác cát trên sông mới ngăn chặn triệt để tình trạng sạt lở sông do hút cát”, ông Huy nói.

Trước tình trạng khai thác cát trái phép, hút cát không đúng vị trí được cấp phép, huyện đã làm văn bản đề xuất lắp thiết bị định vị lên các tàu khai thác cát. 

“Cụ thể, khi cấp phép cho các doanh nghiệp, có mục bổ sung là yêu cầu lắp hộp đen trên tài để ngồi ở nhà cơ quan quản lý vẫn biết được tàu nào đang đậu ở đâu, có đúng vị trí không, đậu bao nhiêu lâu… Khi có các thông số cụ thể như vậy, cơ quan Nhà nước mới có thể xử nghiêm các tàu vi phạm để ngăn chặn sông bị sạt lở thêm”, ông Huy đề xuất.

Văn Thành
.
.
.