Trở lại khu rừng từng đối diện nguy cơ bị xóa sổ

Chủ Nhật, 01/03/2020, 09:39
Cuối tháng 2/2020, PV Báo CAND đã trở lại hai tiểu khu rừng 310, 311 thuộc địa bàn xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh (Phú Yên).


Nơi đây từng là tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và báo chí trong suốt một thời gian dài, khi mà hàng trăm hécta rừng tự nhiên ở đó chuẩn bị xóa sổ để nhường “lãnh địa” cho dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của một doanh nghiệp.

Trở lại tiểu khu 310, 311 sau khi vượt qua chặng đường rừng gần 10km, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những khoảnh rừng bị đốn hạ trước đây nay đã tái sinh những cây, cành vươn cao từ 2-3m, phủ xanh vết tích hàng trăm gốc cây cũ. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh Nguyễn Văn Toàn cho biết từ trước đến giờ khu vực này không có cây gỗ quý hiếm, mà chỉ là cây tạp, thế nhưng nhiều cây gỗ có đường kính lớn vẫn trong tầm ngắm của “lâm tặc”.

PV Báo CAND cùng tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh tại hiện trường.

Vì thế, Hạt Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh xây dựng, tổ chức và triển khai phương án tuần tra bảo vệ rừng khép kín bằng nhiều biện pháp, đồng thời lắp đặt nhiều biển cảnh báo nghiêm cấm xâm phạm, nâng cao hiệu quả khoanh nuôi, tái sinh những khoảnh rừng đã đốn hạ trước đây và bảo vệ an toàn những khoảnh rừng tự nhiên trong khu vực.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên Lê Văn Bé, tiểu khu 310, 311 và các tiểu khu liền kề do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh đảm nhiệm bảo vệ, nhưng khu vực này là “tâm điểm” thu hút sự quan tâm, giám sát của nhiều người dân từ khi triển khai cho đến khi chấm dứt dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, nên Chi cục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh tăng cường phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

Từ khi bổ sung quy hoạch rừng phòng hộ, tiểu khu 310, 311 đã được khoanh nuôi, bảo vệ chặt chẽ.

Theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT, trong thời gian tới khu vực này sẽ được thiết kế trồng bổ sung những loại cây có giá trị kinh tế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Khi rừng phục hồi tốt kết hợp với cây trồng bổ sung vươn cao sẽ tạo nên một “lá chắn xanh” không chỉ bảo vệ lòng hồ thủy điện Sông Hinh mà còn tạo nên một cảnh quan môi trường, để nơi đây có thể sẽ là một điểm đến du lịch sinh thái trong tương lai không xa.

Len lỏi sâu trong tiểu khu 310, 311, PV Báo CAND cùng một số đồng nghiệp hiểu thêm những nỗ lực tích cực của Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh để những khoảng rừng bị đốn hạ trước đây phủ xanh sắc lá tái sinh. Và điều đáng ghi nhận hơn nữa là chính quyền cùng các cơ quan chức trách ở Phú Yên đã chấp hành tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi kịp thời khắc phục sai sót, triển khai và thực hiện các giải pháp khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ.

Trước đây, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt chủ trương đầu tư dự án rồi lần lượt ban hành các quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, chuyển mục đích sử dụng rừng và cho thuê đất để thực hiện dự án 463,37ha, trong đó có 342,44ha rừng tự nhiên và 108,38ha rừng trồng.

Đến cuối tháng 3/2017, khi Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm - doanh nghiệp trúng thầu khai thác rừng tự nhiên trong dự án nêu trên huy động nhân lực, thiết bị phát dọn, đốn hạ hơn 10ha rừng tại hai tiểu khu 310, 311 đã vấp phải sự phản ứng của đông đảo người dân địa phương cùng một số cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh và nhiều cơ quan báo chí trong thời gian dài.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngay sau đó đã yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh. Sau đó Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT thanh tra làm rõ những sai phạm chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác ở Phú Yên, trong đó có dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên đã phải chấm dứt dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại khu vực nêu trên, bổ sung tiểu khu 310, 311 vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Hữu Toàn
.
.
.