Giảm tải trường học: Bao giờ hết giải pháp tình thế?

Thứ Ba, 11/07/2017, 08:57
Theo báo cáo thẩm tra mạng lưới quy hoạch trường học Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của HĐND TP Hà Nội, thành phố chỉ có 1 nửa các khu đô thị (KĐT) thực hiện đúng cam kết xây dựng các công trình nhà trẻ, trường học. Các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoặc không thực hiện đúng cam kết.


Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, 5 năm qua, toàn thành phố xây mới và thành lập mới được 211 trường học các cấp, mới chỉ đạt được 1/3 mục tiêu đề ra. Đáng chú ý một số khu đô thị chưa có trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS công lập. 

Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội dành gần 28 nghìn tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng 881 trường học, trong đó xây mới 250 trường, nhưng hệ thống trường học trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Xây chung cư lại "quên" trường học

Phần lớn các KĐT tại Hà Nội đều phải chịu sức ép từ tình trạng xây dựng ồ ạt nhà cao tầng dẫn đến gia tăng dân số, trong khi các công trình xã hội đi kèm như giao thông, trường học lại không được đầu tư đồng bộ. Bậc mầm non và tiểu học được nhiều phụ huynh quan tâm hơn cả, do lứa tuổi này các em còn nhỏ. 

Quy hoạch tốt các KĐT sẽ giúp Hà Nội giảm tải được áp lực trường học. Ảnh minh hoạ

Tại những KĐT mới, số lượng trường học công lập chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn quá ít so với nhu cầu thực tế. KĐT Trung Hoà Nhân Chính là nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân. Toàn bộ hệ thống giáo dục nơi đây từ mầm non đến cấp 3 đều là trường dân lập. Tình trạng này không phải là cá biệt. KĐT Linh Đàm rất rộng lớn nhưng thực tế ở đây có rất ít trường công lập. Trong khi đó, số lượng trường mầm non tư thục thì quá nhiều, chỉ tính riêng xung quanh khu vực này đã có tới 6 trường. 

Cũng ở KĐT Linh Đàm, Trường Tiểu học Hoàng Liệt phải “gánh” tới 60.000 dân của 65 tòa nhà chung cư. Theo quy hoạch, khu nhà ở Bắc Linh Đàm và Tây Linh Đàm sẽ có 6 trường học nhưng khu vực xây trường được quy hoạch trên khu ao đình nên 20 năm qua vẫn chỉ là cái ao làng.

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết: Vấn đề thiếu trường học chủ yếu tập trung vào quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong nhiều năm chúng ta đã không có chế tài buộc các nhà đầu tư phải xây dựng các công trình xã hội trước rồi mới xây nhà để bán. 

Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho biết: Những đơn vị cấp phép, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong quá trình triển khai dự án đã giám sát chưa chặt chẽ, dẫn tới các hạng mục công trình, đặc biệt các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có công trình xây dựng trường học vẫn còn chậm trễ, không kịp tiến độ dẫn tới thiếu trường học hiện nay trong các KĐT.

Dành quỹ đất cho giáo dục là cấp thiết

Trong bối cảnh thiếu trường, thiếu lớp trầm trọng như vậy, nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng đã phải "liệu cơm gắp mắm" để cải thiện tình hình. Quận Cầu Giấy hiện có 88 trường học, trong đó có 35 trường công lập và 53 trường dân lập. Năm 2017, quận Cầu Giấy đã đầu tư để cải tạo, xây mới 4 trường học với quy mô lớn. Trong đó Trường Tiểu học An Hoà được xây mới hoàn toàn, 3 trường còn lại là Trường Mầm non Ánh Sao, Trường THCS Mai Dịch và Dịch Vọng được sửa chữa toàn bộ, mở rộng và tăng thêm số lượng phòng học. 

Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy cho biết: Số lượng học sinh trên địa bàn quận cũng tăng rất nhanh, ví dụ năm 2016 tăng 10% tương đương với 6.200 em học sinh. Trước tình hình đó, hàng năm quận Cầu Giấy đều dành từ 35-40% ngân sách để đầu tư cho giáo dục bao gồm các hoạt động như cải tạo, sửa chữa và xây mới trường học. Các công trình với số lượng phòng học lớn đã góp phần không nhỏ giải quyết tạm thời tình trạng quá tải trường học hiện nay.  Khối trường dân lập trên địa bàn cũng đóng góp rất nhiều, góp phần giảm tải cho các trường công. 

Bên cạnh đó, bà Dung cũng nhìn nhận: "Quỹ đất giáo dục như hiện nay cũng có hạn, không thể mở rộng ra được. Với tình hình này, chúng tôi đã tính đến phương án xây nâng tầng học lên. Điều này các KĐT mới nên tính toán ngay từ lúc xây trường để tiết kiệm chi phí. Không nên để như hiện nay, một số trường phải phá đi đập lại rồi mới xây dựng gây nhiều tốn kém. Trước mắt, một số trường mầm non quá đông chúng tôi có thể bổ sung thêm giáo viên nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế". 

Quận Cầu Giấy đã có những đề xuất với thành phố về việc xây dựng lại hợp lý những khu chung cư ở nội đô. Với những KĐT chuẩn bị xây dựng, việc dành ra quỹ đất, hạ tầng cho giáo dục là điều cấp thiết. Với những KĐT đã đi hoạt động nhưng không dành ra được quỹ đất cho giáo dục, các hộ dân chuyển đến sinh sống phải có những đóng góp nhất định để chính quyền có thêm nguồn ngân sách xây dựng và cải tạo lại các trường học cho phù hợp. Chúng ta không nên dồn hết trách nhiệm về chính quyền địa phương trong việc giải bài toán thiếu trường học.

Để giải quyết nhu cầu thiếu trường công lập, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao, Sở GD&ĐT Hà Nội phải dùng nhiều biện pháp tình thế trong đó có việc buộc phải tăng sĩ số lớp lên gấp rưỡi. 

Theo quy định hiện nay, với cấp tiểu học sỹ số là 35-40 học sinh/lớp, nhưng thực tế tại nhiều trường thuộc các quận nội thành, KĐT, sĩ số học sinh rất đông, đều trên dưới 60 em/lớp. Bên cạnh đó, tỷ lệ trường công và trường dân lập rất chênh lệch. Phần lớn người dân đều muốn cho con học trường công nên áp lực trường công là rất lớn. 

Việc số lượng chung cư cao tầng ngày càng nhiều, áp lực dân số tăng thì chuyện quá tải trường học không chỉ diễn ra năm nay mà còn kéo dài tới những năm tiếp theo.

Nhật Trường
.
.
.