Trắng tay trở về sau ảo mộng thực tập sinh nơi xứ người

Thứ Hai, 09/05/2016, 09:29
Hoàn cảnh gia đình đặc biệt, chị Hồ Thị Quyên ở xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho con trai đi thực tập sinh ở Nhật Bản những mong con sẽ có một tương lai tốt đẹp, gia đình cũng bớt khó khăn.

Gom góp, vay mượn được khoản tiền lớn lo thủ tục, ngày con trai lên máy bay cũng là ngày chị khấp khởi vui mừng. Thế nhưng, chưa trọn 1/3 thời gian theo hợp đồng, chị buồn bã đón con trai trở về.

Chưa minh bạch về tài chính khi ký hợp đồng

Một ngày cuối tháng 4, chị Quyên và cậu con trai 23 tuổi là Bùi Ba Duy đến trụ sở Báo CAND. Hai mẹ con vừa bắt xe khách từ Thái Bình lên Hà Nội để tìm cách lấy lại một phần tiền đã bỏ ra cho chuyến đi Nhật Bản của Duy. 

Đầu năm 2015, Duy được tư vấn giới thiệu đi lao động ở Nhật Bản. Mẹ Duy cũng chỉ hiểu đơn thuần cứ ra nước ngoài là kiếm được tiền nên đồng ý cho con đi luôn. Duy làm hợp đồng đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản với công việc thuộc ngành cơ khí với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt (Viasimex). 

Cơ quan quản lý là Nghiệp đoàn Kuwana Tekko Kyodo Kumiai. Chủ sử dụng lao động là Công ty Eba Kougyou Kabushikigaisha.

Anh Duy sau khi về nước đã cùng mẹ lên Hà Nội viết đơn đề nghị lấy lại tiền đặt cọc.

Theo hợp đồng ký ngày 14-4-2015, anh Duy chỉ phải đóng tổng cộng 2,2 triệu đồng gồm tiền làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết và góp quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Ngoài ra, hợp đồng không quy định phải có tiền ký quỹ. 

Cũng theo hợp đồng này, trong thời gian tu nghiệp khi mới nhập cảnh vào Nhật Bản, cơ quan quản lý sẽ trực tiếp trả cho thực tập sinh số tiền trợ cấp tu nghiệp là 70.000 yên/tháng. Thời gian chuyển sang giai đoạn thực tập kỹ năng thì sẽ được hưởng lương dựa trên quy định lương tối thiểu của Chính phủ Nhật Bản áp dụng cho từng địa phương nơi thực tập.

Thế nhưng, anh Duy phản ánh, không như hợp đồng đã ký, trong quá trình làm thủ tục, học tiếng… anh phải đóng các khoản tiền lớn như: tiền học hơn 11 triệu đồng, tiền học riêng 800.000đ/ngày 2 buổi (do công ty yêu cầu). 

Tổng cộng tiền học của anh Duy là khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh Duy còn phải đặt cọc 42 triệu đồng và nộp 6,5 nghìn USD trước khi lên máy bay một ngày. Tuy nhiên, số tiền 6,5 nghìn USD không được thể hiện trên giấy tờ, hóa đơn.

Ngày 23-4-2015, anh Duy xuất cảnh đến Nhật Bản. Công việc của anh ở đó là làm cơ khí theo ca, một tuần làm ngày, một tuần làm đêm. Anh Duy kể: “Ở Việt Nam công ty không nói là phải làm đêm nên khi làm việc đêm sức khỏe của em cũng bị ảnh hưởng”. 

Sau khoảng 9 tháng làm việc và được nhận lương hằng tháng, thấy sức khỏe có vấn đề, anh Duy xin về nước thì được phía Công ty Virasimex vận động tiếp tục ở lại đến hết 3 năm, còn nếu không thực hiện được theo hợp đồng đã ký thì Duy phải tự lo tiền vé máy bay về nước. 

“Em thấy các bên đã đồng ý cho em về nước nên em nghĩ rằng không phải đi làm nữa và có thể được ra ngoài để vay mượn tiền mua vé máy bay” – anh Duy giải thích vì phía công ty kết luận là anh bỏ trốn.

Tuy nhiên, cuối cùng thì anh Duy cũng được trở về nước vào ngày 11-3 và tìm đến Công ty Virasimex để xin lại tiền đặt cọc.

Bài học cho người lao động về giấc mơ xuất khẩu lao động

Làm việc với Báo CAND, ông Nguyễn Văn Ngữ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển việc làm và Xuất khẩu lao động và bà Lương Thị Nhung, Phó Phòng thị trường Nhật, Công ty Virasimex cho biết, anh Duy rời khỏi nơi làm việc tròn 1 tháng rồi mới quay lại và tiếp tục xin được về nước. 

Trước đó, phía chủ sử dụng lao động đã thông báo với Nghiệp đoàn Kuwana Tekko Kyodo Kumiai về thái độ làm việc không tích cực của anh Duy, sức khỏe cũng không đảm bảo. Tiếp nhận thông tin không thấy anh Duy đến nơi làm việc, tại nơi ở cũng không còn tài sản của anh Duy nên công ty thông báo về gia đình, người bảo lãnh nhưng không thấy phản hồi. 

Ngày 17-2-2016, Trung tâm gửi thông báo về việc thực tập sinh bỏ trốn vi phạm hợp đồng tới địa phương nơi anh Duy ở. 

“Sau khi về nước, Duy đến xin lại tiền ký quỹ (tiền đặt cọc -pv), nhưng theo quy định, người lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn như vậy có thể còn bị phạt tới 100 triệu đồng theo quy định tại Điều 35, Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm và đưa người đi lao động nước ngoài. Với vi phạm của Duy là do cá nhân thực tập sinh gây ra nên không được nhận lại tiền ký quỹ, nhưng trung tâm vẫn đưa lại cho Duy 10 triệu đồng và làm thủ tục thanh lý hợp đồng vào ngày 27-4” – ông Ngữ cho biết.

Rõ ràng, anh Duy bỏ nơi làm việc trong vòng 1 tháng là vi phạm hợp đồng. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì đương nhiên anh Duy phải chịu mất phí đã đóng. 

Nhưng, với tâm lý người lao động nghèo, “của đau con xót” nên mẹ con Duy vẫn mong muốn lấy lại được một phần số tiền chi phí trước khi đi Nhật là điều dễ hiểu. Trong khi đó, việc ký hợp đồng một đằng, thu tiền một nẻo cho thấy sự thiếu minh bạch về tài chính của Trung tâm Phát triển việc làm và Xuất khẩu lao động, Công ty Virasimex.

Cũng cần phải nói, Công ty Virasimex cũng có lỗi trong việc không công bố chi tiết về công việc cho người lao động để họ lường trước khó khăn, khiến họ chán nản khi đối mặt với công việc ở nơi xứ người. Giấc mơ làm giàu từ xuất khẩu lao động không dễ dàng như người lao động lầm tưởng nên dễ dẫn đến việc người lao động tự chấm dứt hợp đồng. Đây cũng là bài học lớn cho người lao động và cả doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài.

Việt Hà
.
.
.