Tốn cả ngàn tỷ để cải tạo, kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm

Thứ Ba, 07/04/2020, 09:01
Kênh Ba Bò nằm giáp ranh giữa thị xã Thuận An (Bình Dương) và quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Từ lâu, đây được xem mà một con kênh thối, “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2009, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò nhằm cải thiện thực trạng ô nhiễm nói trên. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai dự án, ô nhiễm nơi đây không hề thuyên giảm. Ngày ngày,  người dân khốn khổ sống chung với mùi hôi thối...

Hàng chục năm kêu cứu

“Chuyện ô nhiễm nói từ hàng chục năm nay nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người dân sống lâu năm ở đây có người bán nhà với giá rẻ mạt, có người bỏ hoang để chuyển đi nơi khác sinh sống thì không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối. Tôi sinh ra và lớn lên tại đây đã hơn 30 năm, chứng kiến con kênh từ lúc còn bé xíu đến nay đã mở rộng cả chục lần nhưng ô nhiễm thì không cải thiện mà càng lúc càng hôi thối.

Hệ thống xử lý nước thải có vận hành không thì không biết chỉ biết nước vẫn đen thui, mùi vẫn hôi nồng nặc”, anh Nguyễn Hữu Nhật, ngụ tại Khu phố 1, Bình Chiểu, quận Thủ Đức nói trong chán nản về câu chuyện ô nhiễm tại kênh Ba Bò. Còn người hàng xóm của anh Nhật, anh Đoàn Thanh Sang, cũng không giấu được sự bức xúc: “Thi thoảng tôi thấy nhiều người xuống đây chụp hình, quay phim, lấy mẫu nước nhưng rồi nước vẫn cứ hôi…”.

Bà Đặng Thị Kim Dung, ngụ Khu phố, phường Bình Chiểu, bức xúc cho biết từ khi có các KCN, hệ thống xử lý nước thải được xây đựng, kênh được mở rộng hơn, dân mừng vì tưởng hết hôi thối. Ai ngờ, tình trạng lại nghiêm trọng hơn, chẳng còn buôn bán được gì. “Mình già rồi sống không bao lâu, chỉ thương cho lớp trẻ sau này ngửi mùi này riết… chết sớm. Mà muốn bỏ nhà, bỏ cửa thì biết nương tựa nơi đâu?”, bà Dung than.

Theo nhiều người dân, ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe  mà máy móc, thiết bị trong nhà cứ mới mua được vài ba tháng là gỉ sét hết. Một cán bộ phường Bình Chiểu cho biết, các cuộc tiếp xúc của Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo UBND TP với cử tri quận Thủ Đức, người dân phường phản ánh rất nhiều về thực trạng kênh Bà Bò nhưng hướng giải quyết vẫn chưa có cụ thể, rõ ràng.

Hình ảnh nước ô nhiễm tại kênh Ba Bò.

Dự án ngàn tỷ không phát huy tác dụng

Có mặt tại dự án cải tạo kênh Ba Bò vào những ngày cuối tháng 3-2020, đứng trên cầu tỉnh lộ 43 (phường Bình Chiểu) nhìn xuống, chúng tôi nhận thấy dòng nước đen kịt. Dù đã dùng tới 2 chiếc khẩu trang nhưng mùi hôi xộc thẳng vào mũi rất khó chịu. Cách đó không xa, hướng nhìn về hồ sinh học của hệ thống xử lý nước thải nằm giáp ranh Thủ Đức và Bình Dương, nước cạn trơ đáy, đầy rác thải sinh hoạt. Nhiều nhân viên vệ sinh phải lội xuống kênh để vớt rác.

Tìm đến khu vực hồ lắng, hồ sinh học, hệ thống xử lý nước thải gần như không có hoạt động gì. Hỏi nguyên nhân, chúng tôi được biết do khi hệ thống này vận hành, mùi hôi bốc lên dữ dội nên bị người dân phản ứng. “Họ bơm nước thải vô cái hồ rồi khuấy lên gây mùi hôi dữ đội khiến nhà nào cũng phải đóng cửa. Những lúc như vậy chẳng ai có thể ăn uống, nghỉ ngơi gì được”, bà Trường, 68 tuổi ngụ phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương bức xúc cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, càng về phía tỉnh Bình Dương, đường dẫn nước vào kênh Ba Bò càng hẹp. Nước chảy về hạ nguồn có những đoạn sủi đầy bọt trắng, có đoạn nhiều mảng nước đen chứa chất như kim loại nổi lềnh bềnh, đoạn thì nổi đầy váng màu vàng tựa như dầu nhớt.

Về dự án cải tạo kênh Ba Bò, sau khi xây dựng, kênh Ba Bò lớn hơn cả chục lần với đáy kênh rộng 12m, miệng kênh 24m. Không thể phủ nhận việc cải tạo kênh Ba Bò đáp ứng được nhu cầu thoát nước, mở được đường nhánh phụ góp phần giải quyết được áp lực giao thông trên đường tỉnh lộ 43 và đường Ngô Chí Quốc (quận Thủ Đức). Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu là ô nhiễm nguồn nước vẫn chưa có lối ra.

Theo một chuyên gia về môi trường, nguyên nhân là do hồ lắng, hồ sinh học chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt chứ không xử lý được nước thải công nghiệp. Còn theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân chính khiến kênh Ba Bò thêm ô nhiễm là do một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh này.

Ông Phạm Đức Hợp, Trưởng Ban điều hành Khu phố 2 (phường Bình Chiểu) nhiều lần phản ánh đến đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hồ Chí Minh. Bà Trương Thị Hồng Yến, Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu cho biết, từ phản ánh của cử tri, UBND quận Thủ Đức đã tập hợp thông tin trả lời cử tri cho biết, kết quả khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố hằng năm cho thấy, nguồn ô nhiễm chính của kênh tiêu thoát nước Ba Bò là do nước thải từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, điển hình là KCN Sóng Thần 1, 2 và các đơn vị sản xuất nằm trên địa bàn huyện Thuận An, Bình Dương.

Các chỉ tiêu như COD, BOD5, Coliforms đều vượt theo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp. Từ đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh xây dựng và vận hành thử hồ điều tiết và hồ sinh học để cải thiện chất lượng nước nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn do chất lượng nước từ thượng nguồn (Bình Dương) các chỉ tiêu phân tích nước thải vẫn còn ô nhiễm.

“Qua nhiều lần kiểm tra thực tế, UBND phường Bình Chiểu ghi nhận nước thải kênh Ba Bò tùy theo thời điểm có màu đen, màu nâu cà phê, màu đỏ nhạt, sủi bọt trắng, bốc mùi hôi thối, mùi tanh (xuất hiện nhiều nhất vào ngày mưa lớn)… ảnh hưởng đến sức khỏe của người và tài sản của người dân”, ông Châu Thanh Nhã, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu cho biết thêm.

Nguyên nhân đã rõ, mức độ ô nhiễm cũng đã tường. Người dân sống ven kênh Ba Bò hy vọng chính quyền TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương sớm phối hợp xử lý dứt điểm để trả lại môi trường trong lành cho người dân.

Mã Hải – Ngân Phương
.
.
.