Tìm giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô

Thứ Tư, 01/07/2020, 08:42
Sáng 30/6, tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng các sở, ban ngành đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng và các giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô”.

Sông Krông Nô còn gọi là sông Bố, bắt nguồn từ dãy núi Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk), có độ cao trên 2.000m, chiều dài 189km, chảy qua địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Sông Krông Nô không chỉ mang trong mình tiềm năng lớn về phát triển thuỷ điện, du lịch mà còn là nguồn cung cấp lượng nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng nghìn hộ dân, hàng nghìn hecta cây trồng dọc theo bờ sông.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra và ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, hoa màu, vật kiến trúc khu vực ven sông, gây nhiều bức xúc cho người dân.

Trôi đất, mất nhà vì… sạt lở

Giữa cái nắng tháng Sáu oi nồng của trời Tây Nguyên nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Lý (SN 1965, trú tại thôn Quảng Hòa, xã Nâm Nđir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vẫn tranh thủ tất bật thu hoạch vội những luống khoai non trồng dọc bờ sông. Theo bà Lý, nếu không tranh thủ thu hoạch sớm, toàn bộ số khoai bỏ bao công chăm sóc này sẽ bị cuốn trôi xuống sông bất cứ lúc nào.

Chỉ tay về mép sông bà Lý cho hay, mảnh đất gia đình bà trước đây rộng hơn 1,2ha nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 6 sào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở khiến nhà bà bị mất đất là do việc khai thác cát vô tội vạ cộng thêm nhà máy thủy điện xả nước làm dòng chảy bị thay đổi.

“Nhà tôi mua mảnh đất này canh tác từ những năm 2000. Nhà có 6 miệng ăn, tất cả phụ thuộc vào đây để sinh sống. Giờ đất bị sạt lở gần hết, phản ánh lên chính quyền xã nhiều lần nhưng không thấy hồi âm gì. Các anh thấy đó, tàu hút cát cứ ầm ầm như thế kia, cộng thêm mỗi khi nhà máy thủy điện xả nước về thì sao không sạt lở cho được”, bà Lý bức xúc nói.

Hàng chục hộ dân ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk sống thấp thỏm bên bờ sông Krông Nô bị sạt lở.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Đỗ Sơn Lâm (SN 1982, trú thôn Quảng Hòa, xã Nâm Nđir) đến nay đã phải 5 lần chuyển nhà vì sạt lở. Anh Lâm cho biết, đầu năm 2002, gia đình anh từ tỉnh Đắk Lắk xuống đây mua 4ha đất dọc bờ sông để lập nghiệp. Những năm 2016 trở về trước, gia đình anh vẫn canh tác ổn định trên diện tích đất này. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của gia đình. Ngoài hơn 2ha đất cùng cây trồng đã bị “trôi sông” thì ngôi nhà anh ở cũng liên tục phải di chuyển.

“Cách đây ít hôm, tôi lại phải thuê người di chuyển ngôi nhà đang ở vì đất sạt lở ngày càng mạnh nhưng giờ không dám ở vì nhà có thể đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Không còn cách nào khác, tôi phải mượn đất của một người dân trong thôn dựng tạm nhà để ở. Điều đáng lo nhất là đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, mai mốt không biết có còn đất mà canh tác nữa hay không?”, anh Lâm lo lắng.

Không chỉ gia đình anh Lâm, bà Lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở mà đến nay, dọc theo tuyến sông này có đến hàng nghìn hộ dân đang lâm vào tình cảnh tương tự. Theo thống kê của UBND huyện Krông Nô cho thấy, chỉ tính riêng trên đoạn sông chảy qua địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có đến 17 điểm bị sạt lở kéo dài trên 7km, các điểm sạt lở có bề rộng từ 5 - 30m, chiều sâu từ 5 - 10m.

Đâu là giải pháp?

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Nông cho thấy, chỉ tính riêng từ năm 2010-2020, dọc theo tuyến sông Krông Nô (đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông) đã có hơn 1 triệu m2 (khoảng 100ha) đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị sạt lở, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân. Đặc biệt, trong vòng 5 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó những yếu tố chủ yếu như: Do hoạt động xả nước của thuỷ điện Buôn Tua Srah; tác động của hoạt động khai thác cát tràn lan; quy luật của dòng chảy tự nhiên; kết cấu địa chất dọc sông chủ yếu là đất pha cát; biến đổi khí hậu và tác động của người dân trong việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp…

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô ngày càng nghiêm trọng là do việc khai thác cát bừa bãi. “Đến nay, tỉnh Đắk Lắk chỉ mới cấp 5 giấy phép hoạt động khai thác cát trên toàn tuyến sông. Tuy nhiên, lợi dụng sự sơ hở của các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách khai thác cát trái phép, khai thác ngoài phạm vi cho phép, thậm chí một số doanh nghiệp còn lách luật trên phương thức “hợp tác kinh doanh” để đưa thêm tàu, thuyền vào khai thác cát quá số lượng quy định”, ông Sỹ nói.

Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông trong quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô, thời gian qua, Công an tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát của các đơn vị, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Chỉ tính riêng đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp xử lý 23 vụ việc khai thác cát trái phép, tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính số tiền 648 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra bởi vì lợi ích mang lại quá lớn, một số doanh nghiệp bất chấp pháp luật để khai thác nguồn tài nguyên này quá mức”, Đại tá Thắng nói.

Cũng theo Đại tá Thắng, để góp phần tạo nguồn cung về nguyên liệu cát thì cần phải quy hoạch, đưa các hoạt động vận chuyển, tiêu thụ, khai thác cát vào trật tự. “Chính việc đưa các hoạt động khai thác cát vào trật tự sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và địa phương, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người nông nhàn. Cái quan trọng nhất là sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường dòng chảy của lòng sông, hạn chế được việc khai thác cát bừa bãi thì sẽ không gây sạt lở bờ sông”, Đại tá Thắng phân tích.

Văn Thành
.
.
.