Thủy lợi hơn 119 tỷ đồng vừa khắc phục xong đã tiếp tục “tan hoang”

Thứ Ba, 20/10/2020, 16:11
Sau khi báo chí phản ánh về hàng loạt hư hỏng, bất cập tại công trình thủy lợi Pleikeo (xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai) dù công trình chưa nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, các cơ quan, đơn vị liên quan đã khắc phục các hư hỏng. Tuy nhiên, ngay sau khi công tác khắc phục hoàn thành, đoạn kênh dẫn có chiều dài hàng chục mét bất ngờ bị đổ sập.


Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê (đại diện đơn vị chủ đầu tư công trình thủy lợi Pleikeo là UBND huyện Chư Sê), đến ngày 1/10, đơn vị thi công đã khắc phục xong những hư hỏng của công trình thủy lợi Pleikeo và hiện đang tiếp tục dọn dẹp vệ sinh công trình cũng như lắp đặt lại một số vị trí lưới chắn rác bị mất.

Đoạn kênh dẫn có chiều dài khoảng 40m bị đổ sập hoàn toàn.

Ngoài ra, đơn vị kiểm định độc lập thuộc Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cũng đã tiến hành khoan lấy mẫu, kiểm định chất lượng công trình thủy lợi Pleikeo. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa sẽ có kết quả kiểm định.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi trong ngày 20/10, cách vị trí thân đập chính của công trình thủy lợi khoảng 500m, một đoạn kênh dẫn có chiều dài khoảng 40m bị đổ sập hoàn toàn, từng mảng bê tông lớn bị đứt gãy, tách rời, không còn sự liên kết; một vài cây sắt rời ra từ lớp bê tông nằm chỏng chơ trên nền đất.

Lớp bêtông bị đứt gãy, không còn sự liên kết.

Ngoài ra, đoạn kênh ở 2 đầu vị trí đoạn bị sập cũng xô lệch, xiên vẹo; đất đá vùi lấp không còn khả năng cấp nước tưới cho hạ du.

Đất đá vùi lấp, lớp bê tông bị xiên vẹo không còn khả năng cấp nước tưới.

Sau nhiều lần gia hạn và bổ sung vốn thì đến nay, công trình thủy lợi Pleikeo đã hoàn thành với tổng mức đầu tư là hơn 119 tỷ đồng. Mục đích công trình là cấp nước tưới cho 400 ha lúa và 100 ha hoa màu cho hơn 800 hộ dân xã Ayun, huyện Chư Sê.

Hiện trường công trình thủy lợi hư hỏng thời điểm chưa khắc phục.

Tuy nhiên, công trình dù chưa tiến hành nghiệm thu, chưa bàn giao đưa vào sử dụng thì đã xuất hiện hàng loạt hư hỏng như: Các tuyến kênh khi vận hành có nguy cơ bị đất đá vùi lấp, nước ngoại lai đổ vào kênh; rãnh thoát nước hạ lưu cống qua đường là rãnh đào thấp hơn so với địa hình xung quanh nên nguy cơ bị đất đá vùi lấp; một số vị trí cục bộ có hiện tượng rạn nứt chân chim phần bê tông tường kênh và tấm đan đậy nắp kênh.

Ngoài ra, một số vị trí tiếp giáp giữa thanh giằng kênh và tường kênh chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng; một số thanh giằng bị đập phá, nứt, vỡ, hư hỏng. Phần cửa vào và cửa ra của một số cầu máng, ống thép bị nứt nẻ, không có tấm nắp. Phần đất đắp phía ngoài phần cửa vào, cửa ra bị xói lở…

Chí Hào
.
.
.