"Treo đầu dê, bán thịt chó" bằng "quảng cáo tận mây xanh"

Thứ Bảy, 14/05/2016, 17:19
Được quảng cáo như một lễ hội vô cùng đặc sắc với loài hoa biểu tượng cho tình bạn, tình yêu bất tử của Nhật Bản, thế nhưng ngày khai mạc đầu tiên của Lễ hội hoa tử đằng đã khiến du khách vô cùng thất vọng. 

         

Lời hẹn: “miễn phí vé vào cửa” để tăng độ hấp dẫn càng làm cho du khách có cảm giác bị lừa đến lễ hội.

“Treo đầu dê bán thịt chó”

Sáng 14-5, các bạn trẻ ồ ạt rủ nhau tìm đến Trung tâm thương mại Savico Megamall ở số 7-9 Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội để tham dự lễ hội hoa tử đằng. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 14 và 15-5 tại sân của Trung tâm thương mại. Đây được coi là một hoạt động được chờ đợi trong dịp cuối tuần này và có sức hấp dẫn với nhiều người, nhất là lứa tuổi thanh niên.

Giới trẻ thất vọng nhưng đành chụp ảnh với “hầm” hoa tử đằng giả, thưa thớt.

Sự kiện được quảng cáo rất hấp dẫn, có bài báo còn dùng câu chữ gây ấn tượng như: “đếm ngược thời gian mở cửa lễ hội hoa tử đằng”. Lôi cuốn nhất phải kể đến mạng xã hội Facebook, có cả một địa chỉ riêng giới thiệu về Fuji Matsuri – một lễ hội thường niên của Nhật Bản được tổ chức hàng năm vào giữa tháng 4 đến giữa tháng 5.

Cô gái này thuê trang phục truyền thống Nhật Bản 30.000 đ/30 phút để chụp cùng hoa giả.

Trên website của Trung tâm thương mại Savico Megamall cũng giới thiệu rằng lễ hội này được tổ chức nhằm tôn vinh loài hoa tử đằng, biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, và tình đoàn kết bác ái: “Nếu như tại phương Tây hoa hồng như biểu tượng của tình yêu thì đối với những người dân ở xứ sở mặt trời mọc, loài hoa tử đằng luôn gắn liền với mối tình bất tử. 

Loài hoa tưởng chừng mong manh này lại có một sức sống thật kì lạ. Chỉ nở hoàn toàn khi đã thực sự trưởng thành, giống như tình cảm trường tồn của con người có được phải mất rất nhiều công chăm sóc. 

Những lễ hội hoa tử đằng tổ chức thường thu hút hàng triệu lượt du khách trong đó thường xuyên nhất là các cặp đôi nắm tay nhau đi dưới đường hoa nguyện cầu cho tình yêu vững bền mãi mãi”. Kèm theo lời giới thiệu là hình ảnh những nhành hoa tử đằng ở Nhật Bản cùng được tập hợp lại thành một hầm hoa ngợp mắt người xem.

Nhiều người hụt hẫng với kỳ vọng sẽ sáng tác được ảnh đẹp từ lễ hội hoa tử đằng.

Theo quảng cáo, điểm nhấn của lễ hội là một đường hầm hoa tử đằng dài 20m. Bên cạnh đó là các hoạt động biểu diễn, giới thiệu văn hóa Nhật Bản như: múa yosakoi, múa lân shishimai, rước kiệu mikoshi, cosplay, trình diễn và mặc thử trang phục yukata, jpop songs, dance cover..... Cùng với đó là vô số các gian hàng quà lưu niệm Nhật Bản, anime manga, handmade.

9h. Cô gái trẻ Huỳnh Thu Thảo vai đeo ba lô, tay cầm điện thoại smartphone đứng ngơ ngác trước “đường hầm” hoa tử đằng. Cũng là màu trắng xen lẫn màu tím rủ tràn xuống mái vòm, nhưng không phải là thứ hoa đẹp mê hồn trong những bức ảnh qua quảng cáo, giới thiệu mà cô thấy trên Facebook. Tôi hỏi: “Em thấy thế nào?”. Thảo cười nhạt: “Chị ơi, đây không phải là hầm hoa mà là lều hoa”. Rồi em kể, Thảo ở phía Nam Thăng Long, Hà Nội, sau khi thấy giới thiệu về lễ hội hoa tử đằng em bắt xe buýt từ 7h sáng đến đúng ngày khai mạc lễ hội hoa, nhưng em quá thất vọng khi thấy điểm nhấn của lễ hội chỉ là một vòm hoa giả.

Coi thường người xem

Hầu hết khách đến lễ hội hoa tử đằng vào sáng 14-5 là những người háo hức và chờ đợi được chiêm ngưỡng loài hoa đặc biệt của Nhật Bản. Nhưng gần như tất cả đều bị thất vọng bởi thực tế hoàn toàn không như quảng cáo. 

Chụp ảnh với dòng chữ “lễ hội hoa tử đằng” để thể hiện đã đến lễ hội.

Chị Nguyễn Xuân Hương huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Tôi được giới thiệu về lễ hội hoa tử đằng và tự hứa sẽ phải đến để chụp ảnh, chiêm ngưỡng hoa thật. Thế nhưng, cả một lễ hội quảng cáo hoành tráng như thế mà tôi không nhìn thấy một bông hoa thật nào cả. Ở đây chỉ toàn thấy bán hàng thôi. Mà giá cả thì đắt lắm. Con gái tôi muốn mua một thú nhồi bông, như bình thường chỉ có giá khoảng 30.000 đồng thì tại đây bán giá lên tới 130.000 đồng. Người ta tổ chức như thế này thì khác gì đánh lừa người tham quan”.

Có mặt tại lễ hội hoa vào sáng 14-5 không chỉ nhiều bạn trẻ mà còn có cả người lớn tuổi. Họ cũng thất vọng trở về sau khi dạo qua “hầm” hoa chừng vài phút. Chỉ có các bạn trẻ thì cố chụp vài cái ảnh cho đỡ bõ công đến. Một số cô gái rủ nhau ra sân khấu ngay trước có dòng chữ “lễ hội hoa tử đằng” để khẳng định mình đã đến… lễ hội hoa tử đằng.

Hàng hóa bày bán tràn ngập tại lễ hội hoa tử đằng.

Xung quanh “hầm” hoa, có tới vài chục gian hàng bán đồ lưu niệm, quần áo và hàng ăn. Có một gian hàng cho thuê trang phục truyền thống của phụ nữ Nhật Bản. Dù không có hoa thật nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ bỏ ra 30.000 đồng cho nửa tiếng thuê trang phục để chụp ảnh.

Quảng cáo và thực tế về cái gọi là lễ hội hoa tử đằng là một trời một vực. Tham gia vào sự kiện này người ta mới thấy cảm giác như bị nhà tổ chức lừa đến để nhằm mục đích chính là bán hàng với giá cao. Đã từng có những lễ hội như lễ hội hoa anh đào bị phê phán vì quá nhiều hoa giả, thế nhưng lễ hội này còn hơn cả thế. 

Nhà tổ chức đã không trung thực khi quảng bá một chương trình văn hóa, coi thường người dân. Chúng ta hội nhập văn hóa, tìm hiểu văn hóa nước ngoài thì cũng cần phải được tôn trọng bằng chính cách ứng xử trung thực tại các sự kiện văn hóa. Việc này là trách nhiệm của người quản lý văn hóa mà ở đây là Sở Văn hóa thông tin và Du lịch Hà Nội. Có lẽ đây cũng là bài học cho du khách khi quá tin vào quảng cáo.

Việt Hà
.
.
.