Thất thoát lớn từ những khu “đất vàng” cho thuê giá rẻ tại TP Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 15/07/2018, 10:33
Giám sát việc quản lý, sử dụng công sản tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), đoàn công tác của HĐND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị lãnh đạo Sawaco giải trình rõ lý do đem khu đất ở số 4/19 Hậu Giang cho thuê với giá quá “bèo”, chỉ có 70 triệu đồng/tháng, trong khi đơn vị này đem đất cho thuê lại với giá 900 triệu đồng.

Đây mới chỉ là một trường hợp cụ thể được đoàn giám sát của HĐND thành phố chỉ ra, bởi Sawaco đang được giao quản lý đến 233 nhà, đất công, trong đó có nhiều mặt bằng đã được DN này đem cho thuê lại do không có nhu cầu sử dụng. Từ đó, thất thoát, lãng phí trong khối nhà đất công do Sawaco quản lý là không hề nhỏ.

Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND thành phố, tại buổi giám sát về hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn tại UBND thành phố trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố cho biết, trong các năm 2016-2017, Sở TN&MT đã phát hiện 99 mặt bằng bị sử dụng sai mục đích nên đã xử phạt, kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về ngân sách gần 11,5 tỉ đồng. Song đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong số công sản đang bị sử dụng sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát rất lớn cho ngân sách.

Đã cắt ra một phần để cho thuê, nhưng Vinatexco vẫn còn bỏ không diện tích rất lớn đất “vàng” ngay mặt tiền đường Trường Chinh.

Cùng với tình trạng nhà đất tăng giá liên tục những năm qua, giá cho thuê mặt bằng tại thành phố cũng tăng rất nhanh. Dù vậy, đến nay cả chục ngàn mặt bằng nhà, đất công tại thành phố vẫn được cho thuê với giá theo quyết định do UBND thành phố ban hành từ năm 1994 hoặc năm 2005 khiến tiền cho thuê nhà đất công thu về cho ngân sách rất thấp.

Chẳng hạn, mặt bằng ở số 160, đường số 14, phường Phước Bình, quận 9 dù có diện tích lên tới gần 900m², nhưng chỉ được cho thuê với giá hơn 2 triệu đồng/tháng. Tại địa bàn quận 6, ông Phạm Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 6 cho biết, đơn vị này đang quản lý 133 mặt bằng nhà, đất công cho các đơn vị thuê sản xuất kinh doanh. Hầu hết mặt bằng tại đây hiện vẫn được cho thuê theo mức giá đã được thành phố ban hành từ năm 1994.

Với giá này, căn nhà 2 lầu có diện tích sàn hơn 40m², tổng diện tích sử dụng trên 130m2 tại số 3 Lê Quang Sung đang cho một đơn vị vận tải thuê mỗi tháng chỉ có giá hơn 8,6 triệu đồng. Trong khi đó theo một người dân ở khu vực này, chỉ cần treo bảng cho thuê, căn nhà này ít nhất phải có giá 25 triệu đồng/tháng.

Nói về tình trạng nhiều DN, đơn vị nhà nước được thuê mặt bằng kinh doanh với giá quá rẻ như vậy, ông Hòa - đại diện một DN dịch vụ đang phải đi thuê mặt bằng kinh doanh gần khu vực Chợ Lớn cho rằng, tình trạng công sản thuê rẻ như cho này đang gây bất bình đẳng; tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cùng ngành nghề, lĩnh vực.           

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố - ông Vũ Thanh Lưu, sử dụng công sản sai mục đích là vấn đề Ủy ban MTTQ thành phố nhận được nhiều đơn, thư khiếu nại nhất. Do đó ngoài việc xử lý để thu hồi tiền về cho ngân sách, thành phố cần đặt trách nhiệm với người đứng đầu các đơn vị quản lý công sản có sai phạm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố - ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, sai phạm liên quan đến nhà, đất công những năm qua là do việc quản lý, sử dụng nhà đất không chặt chẽ, xử lý sai phạm không nghiêm. Nhiều đơn vị còn có biểu hiện khoán trắng, tùy tiện trong việc chuyển nhượng, cho thuê đất công. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND thành phố sẽ tăng cường quản lý chặt các quỹ đất, có cơ chế giám sát việc kê khai và đặc biệt là quy trách nhiệm với người đứng đầu. Nhưng một chuyên gia bất động sản cho rằng, giá cho thuê nhà đất công quá “bèo” như vậy, đơn vị, tổ chức nào được thuê cũng đều biết, song họ đều im lặng để hưởng lợi chứ chả ai dại gì kêu lên để rồi bị tăng giá. Do đó, trách nhiệm trong việc buông lỏng, để xảy ra tình trạng giá cho thuê công sản quá thấp này cần đặt ra với các cơ quan tham mưu của thành phố và quận, huyện. 

Thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã xác định phương án xử lý, sắp xếp đối với 10.832 mặt bằng nhà, đất công, trong đó sẽ tiếp tục cho các đơn vị thuê sử dụng 6.597 mặt bằng, số còn lại sẽ tiến hành bán đấu giá để thu hồi tài sản cho ngân sách. Tuy vậy, đến nay, các sở như TN&MT, Tài chính… vẫn đang còn phải nghiên cứu để tham mưu cho thành phố ban hành khung giá cho thuê nhà, đất mới.

Do đó, khi giá cho thuê công sản chưa theo kịp giá thị trường, thành phố cần tiến hành rà soát từng mặt bằng, từng đơn vị, DN cụ thể về diện tích được cho thuê và nhu cầu sử dụng thực tế để kiên quyết thu hồi phần diện tích nhà đất công sử dụng không hết. Tránh tạo điều kiện cho các đơn vị được giao quản lý đất được hoặc được cho thuê với giá quá thấp đem cho thuê lại giá cao nhằm trục lợi. 

Đ.Thắng
.
.
.