Thấp thỏm nỗi lo đồ chơi độc hại dịp Tết Thiếu nhi

Thứ Hai, 16/05/2016, 09:39
Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Thiếu nhi 1-6. Thời điểm này cũng là lúc mà các cửa hàng kinh doanh đồ chơi bắt đầu vào… “vụ”. Nhiều loại đồ chơi với mẫu mã bắt mắt, đa dạng về chủng loại được rao bán nhộn nhịp.


Trên tuyến phố Chả Cá, Lương Văn Can, Hàng Cân… (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), các cửa hàng kinh doanh mặt hàng đồ chơi cho trẻ em trưng bày vô số các sản phẩm đồ chơi bắt mắt, đa chủng loại, mẫu mã. Sáng 15-5, tìm đến một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em nằm gần nút giao thông Chả Cá – Hàng Mã, chị chủ cửa hàng tuổi khoảng 50 liền lại mời chào.

Một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Ảnh minh họa.

Biết tôi đang có nhu cầu mua một bộ đồ chơi robot cho cậu con trai mới lên 4 tuổi, chị chủ chỉ tay về sản phẩm đồ chơi có mô hình robot đang được treo trên tường cửa hàng. “Con robot này còn lắp ghép được cả mô hình ôtô đấy! Giá của nó là 130 ngàn đồng”, chị chủ tiếp lời.   

Cầm trên tay sản phẩm đồ chơi này, chúng tôi thấy lo ngại, khi ngoài những dòng chữ nước ngoài viết loằng ngoằng ra, không hề có bất cứ một nhãn hiệu, tem phụ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kiểm định sản phẩm cũng như tem hợp quy CR (tem quy chuẩn kỹ thuật về an toàn đồ chơi trẻ em) nào cả. Tìm hiểu trong gian hàng này, chúng tôi nhận thấy, chiếm đa phần các sản phẩm đồ chơi được bày bán ở đây đều không có nhãn hiệu phụ, tem hợp quy.

Tiếp xúc với một số nhân viên kinh doanh đồ chơi trên tuyến phố này, chúng tôi được biết, hiện nay, gần như cửa hàng nào cũng nhập các sản phẩm đồ chơi có màu sắc bắt mắt, đa dạng về chủng loại, mẫu mã (thường gắn với các bộ phim hoạt hình đang trình chiếu trên tivi) có giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đồ chơi Việt Nam sản xuất.

Bên cạnh đó, dù nhiều bậc phụ huynh cũng đã thấy được sự nguy hại khi cho con em mình chơi, sử dụng các sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem hợp quy CR, thế nhưng khi thấy con em mình nằng nặc đòi mua đã tặc lưỡi… 

Trở lại vấn đề gắn nhãn hiệu phụ, tem hợp quy, nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho trẻ, ngày 26-6-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”.

Theo đó, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN3:2009/BKHCN. Thế nhưng, vì lợi nhuận, nhiều chủ cửa hàng vẫn cho nhập và công khai rao bán các sản phẩm đồ chơi mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng an toàn.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLLT) số 2 (Chi cục QLTT TP Hà Nội) cho biết, đồ chơi trẻ em không có tem hợp quy, không có hóa đơn chứng từ cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm đồ chơi đó luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ sử dụng.

Khi không có cơ quan chức năng kiểm định, chứng nhận là sản phẩm hợp quy sản phẩm đó rất có thể chứa chất cấm, độc hại đi kèm. Do vậy, người tiêu dùng, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng, không nên tham rẻ mà mua các sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng.

Cũng theo đại diện Đội QLTT số 2, đơn vị này cũng đã xây dựng kế hoạch và sẽ triển khai đợt ra quân, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các quy chuẩn an toàn khi dịp Tết Thiếu nhi 1-6 đang đến gần.

Trần Huy
.
.
.