Liên quan đến vụ “Bom thối” khiến 34 học sinh ở Đăk Nông nhập viện:

Tiếp tục báo động về đồ chơi độc hại

Thứ Bảy, 18/01/2014, 23:40
Sau thông tin một loại đồ chơi trẻ em thường được gọi là “bom thối” phát nổ khiến 34 em học sinh nhập viện ở Đăk Nông, báo động về sự độc hại của đồ chơi Trung Quốc không nguồn gốc lại một lần nữa được gióng lên. Không phải đến thời điểm này “bom thối” mới xuất hiện, mà cuối năm 2013, tại một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã rộ lên phong trào nghịch “bom thối” của học sinh; tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện ảnh hưởng đến sức khỏe. Cơ quan chức năng tại Hà Nội cũng cho biết chưa từng bắt giữ loại đồ chơi này. Hiện cũng chưa có phân tích khoa học nào cụ thể về loại đồ chơi này và mức độ nguy hiểm của nó.

Hà Nội: Chưa thấy bày bán công khai

Nửa cuối năm 2013, dư luận đã từng xôn xao về “bom thối” khi xuất hiện phong trào chơi loại đồ chơi không nguồn gốc này tại một số trường học trên địa bàn Hà Nội. Nhiều học sinh mang loại đồ chơi này ra chơi khăm bạn bè, hay thậm chí tạo cớ nghỉ học, vì khi phát nổ, bom thối phát ra mùi khó chịu rất lâu tan. Tại thời điểm đó, cổng một số trường khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Trường tiểu học Tam Khương (Đống Đa), Trường Tiểu học Thành Công (Ba Đình), Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) có bày bán loại đồ chơi này.

Theo mô tả, mặt hàng này có giá bán rất rẻ, chỉ 2.000 - 5.000 đồng/túi, phù hợp với túi tiền của học sinh. Bao bì của mặt hàng này cũng khá đa dạng, có in hình trái lựu đạn hoặc trái bom với đủ màu sắc dễ gây chú ý, bên ngoài có in chữ tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Khi mở túi ni lông bao ngoài ra, bên trong có một chút muối và một túi dung dịch, có loại màu hồng, loại không màu. Khi tác động lực ở bên ngoài vỏ, “bom thối” sẽ phát nổ và gây mùi thối nồng nặc. Tuy vậy, nhưng tại Hà Nội cũng như trên cả nước chưa ghi nhận một trường hợp nào có bằng chứng gây hại cho sức khỏe từ loại đồ chơi này. Khi đó, chỉ có một số nhà khoa học lên tiếng về chuyện dung dịch chứa trong “bom thối” có thể gây hại cho mắt và gây dị ứng nếu tiếp xúc trực tiếp với da.

Ngày 18/1, PV CAND đã khảo sát một vòng quanh các phố bán sỉ đồ chơi tại Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã, tuy nhiên không thấy loại đồ chơi này được bày bán công khai. Phố Hàng Mã thời điểm này đang tấp nập với hàng Tết như đèn lồng, hoa giả, đồ trang trí, bao lì xì nên không còn chỗ cho các hàng đồ chơi trẻ em như thường lệ. Chúng tôi hỏi một vài cửa hàng đồ chơi còn sót lại cũng được cho biết không có bán loại đồ chơi này. Tại phố Lương Văn Can, các chủ hàng tỏ vẻ thận trọng với những ai mon men hỏi thăm về “bom thối”, và đều trả lời là “không có bán”. Chúng tôi cũng có tham khảo thông tin từ một số phụ huynh và được cho biết tại cổng một số trường khu vực quận Hoàn Kiếm cũng không có bán “bom thối”. Một số chủ hàng cho biết mặt hàng này bán chạy ở vùng ven và khu vực nông thôn hơn ở nội thành.

Trao đổi với PV CAND cùng ngày, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14 cho biết đã thu giữ nhiều loại đồ chơi trẻ em không có nguồn gốc, nhưng chưa bao giờ bắt được loại “bom thối” này. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố cũng cho biết chưa bắt giữ loại đồ chơi nào có mô tả tương tự, nhưng sẽ thông báo cho Đội QLTT khu vực Hoàn Kiếm (nơi có nhiều phố bán sỉ đồ chơi) lưu ý, kiểm tra.

Phố Hàng Mã ngập tràn các mặt hàng phục vụ Tết nhưng không thấy sự xuất hiện của “bom thối”.

Phải điều tra xem là đồ chơi hay "vũ khí"?

Chiều 18/1, trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ) cho biết, Tổng cục vẫn chưa nhận được báo cáo từ địa phương nên chưa nắm được thông tin cụ thể. Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lí chất lượng sản phẩm hàng hoá tiến hành xác minh, làm rõ thông tin để công khai cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Vinh, nếu một sản phẩm đồ chơi trẻ em phát nổ dẫn đến hơn 30 người nhập viện thì nó không còn là mặt hàng đồ chơi đơn thuần, phải điều tra xem đó là đồ chơi hay vũ khí sát thương. Nếu giám định có thành phần độc tố, Tổng cục sẽ tiến hành tổng kiểm tra thu hồi trên cả nước.

Trong khi đó, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, trong đợt thanh tra chuyên đề đồ chơi trẻ em trên toàn quốc năm 2013, có hàng nghìn sản phẩm bị thanh tra, tuy nhiên không phát hiện sản phẩm đồ chơi có hình quả lựu đạn. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác thanh tra, ông Dũng khẳng định, đây là lần đầu tiên thấy có trường hợp một sản phẩm đồ chơi trẻ em phát nổ khiến hơn 30 người nhập viện. "Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của lực lượng Công an để xác minh xem thực chất đó là đồ chơi hay vũ khí. Nếu là vũ khí thì nó trở thành vấn đề an ninh, phải xử lí thật nghiêm" - ông Dũng nhấn mạnh.

Bên trong “bom thối” là một túi dung dịch và một ít bột trắng.

Vụ việc lần này xảy ra ngay sau khi phát hiện búp bê đầu trái cây xuất xứ Trung Quốc có chứa độc tố. Với những lùm xùm về đồ chơi Trung Quốc độc hại, ông Vinh khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không dán tem CR. Trong khi đó, ông Dũng khẳng định, việc kiểm soát đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc rất khó khăn do có hàng nghìn chủng loại khác nhau, lại được bày bán ở các điểm nhỏ lẻ, không tập trung. Dù đã được khuyến cáo song các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do giá rẻ, mẫu mã bắt mắt

V.Hân - H.Ly - V.Thành
.
.
.