Tăng độ “khó” của việc thi bằng lái xe

Chủ Nhật, 23/06/2019, 00:08
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn xảy ra có liên quan đến kinh nghiệm lái xe; đồng thời, thông qua việc thanh tra các cơ sở đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tại nhiều tỉnh, thành cho thấy, nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng “học giả, bằng thật”.

Nhằm giảm thiểu tai nạn, siết chặt từ khâu đào tạo, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị đang soạn thảo bộ Đề sát hạch lái xe, trong đó số câu hỏi sẽ tăng lên là 600 câu. Đặc biệt, sẽ có 100 câu hỏi liệt, nếu học viên trả lời sai sẽ bị đánh trượt lý thuyết.

Đổi mới mạnh mẽ bộ đề lý thuyết

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, Tổng cục đã đưa vào Dự thảo Thông tư 12 sửa đổi tăng câu hỏi lý thuyết lên 600 câu (trước đây là 450 câu) nhằm tăng cường kiến thức về Luật Giao thông đường bộ cũng như pháp luật an toàn giao thông cho người học lái xe. Trong 600 câu này sẽ có 100 câu hỏi dạng "liệt".

Theo đó, nếu thí sinh làm đúng tất cả câu hỏi, nhưng trả lời sai câu hỏi “liệt” này thì sẽ trượt và hủy kết quả thi lý thuyết. Với 100 câu hỏi liệt thì mỗi bộ đề thi sẽ có 1 câu hỏi liệt. Thông tin thêm, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc đổi mới bộ câu hỏi sẽ bám sát thực tế, đảm bảo dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành để áp dụng cho sát hạch lý thuyết; bổ sung câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Theo ông Thống, có một số câu hỏi mang tính đặc thù, sát với thực tiễn là điều kiện tiên quyết về một số hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như vượt đường sắt, chuyển làn không xi nhan, phóng nhanh vượt ẩu…“Bộ đề hiện đã xây dựng, lấy ý kiến các Sở GTVT địa phương và các trung tâm đào tạo sát hạch giấy phép lái xe, Bộ GTVT cũng vừa chấp thuận.

Dự kiến, bộ đề sẽ được phát hành trong tháng 6 này, sau đó sẽ xây dựng phần mềm và chuyển giao Sở GTVT địa phương, các trung tâm đào tạo và sát hạch”- ông Thống cho hay. Tuy vậy, khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn cũng sẽ có độ trễ. Theo đó, khoảng 3 tháng nữa thì mới áp dụng được bộ đề mới này, để các học viên có thời gian làm quen trước khi chính thức áp dụng.

Tăng độ khó của thi GPLX để góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ cũng triển khai bổ sung phần mềm sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt camera giám sát lý thuyết, lắp đặt thiết bị giám sát trên xe để giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo lộ trình; bổ sung quy định cơ sở đào tạo phải sử dụng phần mềm để cập nhật thông tin và quản lý đội ngũ giáo viên và xe tập lái.

Theo ông Thống, trong quá trình đào tạo, ngoài các tình huống, sa hình được nhà sản xuất tích hợp, Tổng cục Đường bộ cũng sẽ xây dựng thêm các phần mềm mô phỏng bổ sung vào chương trình đào tạo cho phù hợp với các tình huống diễn ra sao cho sát với thực tế nhất.

Có thể tước giấy phép lái xe vĩnh viễn

Liên quan đến vấn đề GPLX, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ) cho biết, do Nghị định 46/CP đã bộc lộ một số bất cập, nên cần thiết phải sửa đổi. Ví dụ như, cần tăng mức phạt tối đa với người vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng (tăng gấp đôi mức hiện hành 40 triệu đồng). Đồng thời, tăng thời gian tước quyền sử dụng GPLX, thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn với một số vi phạm có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm để tăng tính răn đe; đơn giản hoá quy định tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe để ngăn chặn các hành vi có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đề xuất tăng mức xử phạt với một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc, vi phạm nồng độ cồn, chất gây nghiện… để tăng sức răn đe.

Được biết, theo tổng hợp báo cáo từ các lực lượng, trong 2 năm thực hiện Nghị định 46/CP, lực lượng Thanh tra GTVT đã thực hiện 15.250 cuộc thanh tra; 198.540 cuộc kiểm tra. Qua đó, phát hiện 246.144 vụ vi phạm, xử phạt số tiền hơn 513,6 tỷ đồng, tạm giữ 1.420 ôtô. Lực lượng Công an đã xử lý hơn 7,87 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 4.618 tỷ đồng; tước hơn 589.738 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 939.116 phương tiện.

Trong lĩnh vực đường sắt, đã xử phạt hơn 2.928 trường hợp, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vi phạm trên đường cao tốc đang gia tăng, đặc biệt tình trạng lùi xe, đỗ xe, đón trả khách trên đường cao tốc… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn (đã có vụ việc bị khởi tố).

Đặng Nhật
.
.
.