Sự thật về những ngôi mộ xuất hiện trong đêm ở ven sông Đuống

Thứ Bảy, 19/11/2016, 08:26
Suốt một tuần qua, nhiều người dân ở thôn Bắc Cầu (cũ), nay là phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội sôi sùng sục phản đối xây dựng, cải tạo nghĩa trang ở ven bờ sông Đuống. Chính quyền địa phương cũng vất vả tuyên truyền giải thích, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.


Dân phản đối cải tạo nghĩa trang ven sông Đuống

Thông tin đến Đường dây nóng Báo CAND, những người dân ở các tổ dân phố từ 33 đến 38, phố Bắc Cầu cho rằng: Khu Bãi Xém nằm ven sông Đuống là đất canh tác của bà con thôn Gia Thượng thuộc phường Ngọc Thụy.

Mới đây người dân có nghe về một dự án cải tạo nghĩa trang ở gần khu dân cư. Tuy nhiên, khi bà con chưa có thông tin cụ thể về dự án này thì ngày 8-11, họ thấy có người đến đo đạc tại Bãi Xém. Và tiếp theo đó, người dân phát hiện một số ngôi mộ mới xuất hiện trên ruộng canh tác.

Chiều 16-11, chúng tôi đi theo con đường bê tông hướng ra Bãi Xém ven bờ sông Đuống. Con đường chính là ranh giới phân chia đất canh tác của bà con thôn Bắc Cầu và thôn Gia Thượng. Phía ruộng của Gia Thượng vẫn có người dân đang thu hoạch cây màu. Trạm cấp nước Ngọc Thụy thuộc Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội nằm ngay vị trí đầu đường lối ra Bãi Xém.

Người dân phố Bắc Cầu bất ngờ khi thấy những ngôi mộ mới.

Ông Tạ Văn Thức ở tổ 33, phố Bắc Cầu, đại diện một số người dân cho biết, trạm cấp nước sạch này nằm trên Bãi Xém, lấy nước tại chỗ và cung cấp cho hơn 1 vạn nhân khẩu của phường Ngọc Thụy. Cách đó không xa còn có một trường tiểu học đang xây mới.

Bởi thế, việc đưa mộ từ nơi khác về để lập một nghĩa trang mới tại đây là không hợp lý. Trong khi người dân chưa đồng ý với chủ trương trên thì tại một khu đất ở Bãi Xém xuất hiện 6 ngôi mộ nên bà con phố Bắc Cầu càng bức xúc, tụ tập đông người để phản đối dự án.

Bà Hoàng Thị Bình ở tổ 34, phố Bắc Cầu, chỉ vào mấy mô đất mới và khẳng định ở trên vị trí này không có mộ. Bà Bình cho biết: “Từ bé tôi vẫn xuống đây cắt cỏ mà không thấy có mộ”. Cụ Hoàng Thị Hỉ gần 90 tuổi có mặt tại Bãi Xém cũng nói: “Tôi sinh ra ở đây, chỉ thấy đây là bãi trồng ngô, trước còn có cái ngòi nay lấp ngòi, xây trường học lên đó…”.

Ở khu vực gần Bãi Xém còn có khu nghĩa trang cũ của người dân phố Bắc Cầu, và chính họ cũng muốn di dời tránh xa khu dân cư. Bởi thế, việc xuất hiện thêm một khu nghĩa trang trên đất Gia Thượng ở gần với phố Bắc Cầu thì người dân không đồng tình.

Chủ trương phải hợp lòng dân

Được biết, năm 2014, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện dự án đầu tư tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh, nối với đường 5 kéo dài (đường cầu Chui – Đông Trù) theo hình thức BT (xây dựng chuyển giao).

Tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh dài khoảng 4km, chiều rộng tuyến đường lên tới 40m nằm tại phía Tây Bắc quận Long Biên, thuộc ranh giới hành chính các phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh được triển khai nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị trên địa bàn, góp phần hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng đô thị khu vực cửa ngõ phía Đông Thủ đô.

Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, ngày 22-9-2015, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 6457/VP-QHKT chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về: Phương án bố trí địa điểm quy tập mộ phục vụ giải phóng mặt bằng triển khai các dự án liên quan đến đường nối từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh tại quận Long Biên.

Theo đó, phương án quy tập mộ phục vụ giải phóng mặt bằng được đưa đến nghĩa trang Bãi Xém, phường Ngọc Thụy. Có hơn 2.000 ngôi mộ phải di dời từ nghĩa trang chùa Dâu. Tất cả đều là mộ khô. Việc di dời mộ ra Bãi Xém là phù hợp bởi từ khu vực này vốn là nghĩa trang lâu năm, nhưng do trước đây bị lũ lên cuốn mất mộ, phù sa bồi đắp thành bình địa.

Có 31 hộ dân đang sử dụng đất canh tác trên khu vực Bãi Xém đã đồng ý chuyển giao đất để giải phóng mặt bằng. Chủ trương di dời mộ ra Bãi Xém là của thành phố, phường có trách nhiệm tuyên truyền vận động người dân chứ chưa triển khai dự án. Do người dân phố Bắc Cầu phản ứng nên UBND phường đang tạm dừng tuyên truyền để xin ý kiến quận và thành phố về thực hiện chủ trương trên.

Lý giải về những ngôi mộ mới xuất hiện, ông Văn cho biết, đó là do gia đình bà Nguyễn Thị Bích, ông Trần Văn Thái ở tổ 20 phường Ngọc Thụy đắp lên và đắp vào ban ngày chứ không phải là làm lén lút vào ban đêm như một số người dân phản ánh.

Sáng 17-11, phóng viên Báo CAND đã tìm đến nhà bà Bích, ông Thái để tìm hiểu rõ thực hư về việc xuất hiện các ngôi mộ mới. Ông Thái thừa nhận đó là đất gia đình đắp lên để đánh dấu. “Trước bố nuôi của vợ tôi (bà Bích) đi hoạt động cách mạng có giao cho vợ tôi mảnh giấy ghi 6 ngôi mộ của các cụ đặt ở Bãi Xém.

Do nước lên, kéo phù sa bồi đắp, khi hòa bình lập lại chúng tôi không biết mộ các cụ ở đâu nên đi tìm mộ. Cách đây khoảng 3 năm gia đình tôi đã tổ chức tìm kiếm nhưng chưa thấy, tạm thời được các nhà ngoại cảm xác định ở khu vực ruộng của một hộ gia đình.

Thế nên khi nghe thấy thông tin về dự án di dời mộ để giải phóng mặt bằng, gia đình tôi đề nghị với UBND phường đánh dấu khu vực đó để nếu có triển khai thì chúng tôi cũng nhờ tìm mộ các cụ luôn. Gia đình tôi đắp mộ vào lúc 9h sáng ngày 8-11 và có nhờ người chỉ ruộng để xác định chính xác địa điểm chứ không làm lén lút” – ông Thái cho biết. 

Hiện nhiều người dân ở Bắc Cầu vẫn phản đối việc chuyển mộ về khu vực đất ở Bãi Xém. Tuy nhiên, người dân đang phản ứng thái quá khi lập hẳn một chòi canh và chăng biểu ngữ trên đất Bãi Xém. Nếu không đồng tình với dự án, người dân có quyền nêu ý kiến của mình, nhưng không nên gây xáo trộn cuộc sống cũng như làm phức tạp tình hình ở địa phương.

Chính quyền phường Ngọc Thụy, quận Long Biên và thành phố Hà Nội cần lắng nghe ý kiến người dân để có phương án hợp lý, vừa thuận tiện cho người dân nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Việt Hà
.
.
.