Sóng ngầm “tín dụng đen” (bài 3)

Thứ Ba, 19/07/2016, 09:57
Khi nền kinh tế đứng trước những khó khăn, thách thức nhất định, các điều kiện cho vay của ngân hàng được xiết chặt. Đánh vào tâm lý muốn giao dịch được thuận tiện, các cơ sở hoạt động cho vay tiền, “tín dụng đen” mọc lên. Nhiều người do nhận thức pháp luật hạn chế đã bị cơn sóng ngầm mang tên “tín dụng đen” lôi cuốn.

Bài 3: Những cảnh đời “ra đê mà ở”

Ăn nhờ, ở đậu vì “tín dụng đen”

Một ngày trung tuần tháng 7-2016, chúng tôi tìm về tổ dân phố Tháp, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nơi mà cách đây vài năm, người dân sinh sống trên địa bàn không khỏi ngậm ngùi trước hoàn cảnh mà vợ chồng anh Trần G.C. và chị Lê T.D. gặp phải. Chỉ vì tin tưởng người bạn làm ăn với mình mà căn nhà mới khang trang của vợ chồng anh C., chị D. chỉ sau một thời gian ngắn đã trở thành tài sản của người khác.

Vừa rẽ vào con ngõ, hỏi đường đến nhà vợ chồng anh C, chúng tôi gặp ngay bác Nguyễn T.T., mẹ vợ anh C.. Biết chúng tôi là nhà báo, bác T. nói: “Chua xót quá cậu ạ!”. Bác T đưa chúng tôi về nhà. Rót cho tôi chén nước, bác T. nghẹn lời kể lại “cơn bão” ập đến với gia đình cô con gái của mình. Kể đến đâu, bác lại rơm rớm nước mắt đến đấy.

“Được gia đình nhà ông bà nội cho đất, vợ chồng nó lam lũ kiếm ăn, dành dụm được ít tiền để xây nhà. Tưởng rằng sau này, các con, các cháu có chỗ tá túc khang trang. Nhưng có ai ngờ…”, bác T. nhớ lại. Theo lời bác T., sau khi mất nhà, vợ chồng anh C., chị D. đã tá túc tại gian bếp của gia đình bác T. được gần 2 năm. Rồi mới đây, vợ chồng anh C., chị D. lại đi ở nhờ nhà cậu em bên nội.

Trùm “tín dụng đen” Nguyễn Thị Dậu vừa bị phạt tù chung thân.

Giọng bác T. bỗng chùng xuống khi chị D. đi làm về. Nhìn cô con gái lam lũ, không có nơi ở cố định, bác T. không kìm được lòng. Cũng phải thôi, không xót xa sao được khi mà cơn sóng ngầm mang tên “tín dụng đen” kia đã lấy đi nơi “an cư” của các con, các cháu bác. Chị D. kể lại câu chuyện năm xưa nhát gừng. Chị bảo, mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, chị lại thấy trách bản thân. “Không hiểu sao mình lại đi tin và làm theo lời của chị ta nữa! Để rồi hai vợ chồng đang có nhà cao cửa rộng, bỗng dưng phải đi ở nhờ, tay trắng…!”, chị D. chua xót.

Do thiếu tiền hoàn thiện nhà, cuối năm 2010 vợ chồng anh C. có đến gặp M.T.N., ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Biết vợ chồng anh C. có tài sản và cần vay 200 triệu đồng, N. đã dẫn dắt vợ chồng anh C. vào những mối quan hệ vay mượn phức tạp. Ngay từ đầu, N. đã đề nghị vợ chồng anh C. đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để ra ngân hàng vay tiền giúp. Đang vào thế bí, vợ chồng anh C. tin tưởng và đồng ý.

Tuy nhiên, sau đó, lấy lý do ngân hàng chưa thẩm định được nên N. phải vay tạm ở ngoài. Do cần tiền, lại tin tưởng N., nên vợ chồng anh C. đã đồng ý và ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất… Để rồi sau đó, khi đã lạc vào “mê hồn trận” mang tên “tín dụng đen” rồi, ngôi nhà khang trang trị giá hơn 5 tỷ đồng của vợ chồng anh C. sau một thời gian ngắn đã trở thành tài sản của người khác. Còn 2 vợ chồng cùng 3 người con nheo nhóc hiện đang tay trắng, phải đi ở nhờ.

Dẫn đường cho chúng tôi về lại ngôi nhà vốn của mình, chị D. không nén được sự bức xúc. Chị D. bảo, sau thời gian đó, chị không dám đi qua ngôi nhà vốn là của mình nữa. Vì mỗi lần qua đây, chị đều thấy bức xúc và cay nghiệt. Chị D. chỉ đứng từ xa và chỉ cho tôi đường tới ngôi nhà. Nhìn ngôi nhà tầng khang trang, phía trước là khoảng không gian thoáng đãng, chúng tôi cũng cảm thấy thật nghẹn lòng…

Nỗi ám ảnh dai dẳng

“Tín dụng đen”, hoạt động cho vay dưới hình thức tín chấp, thế chấp tài sản có giá trị (nhà đất, ôtô) đi qua, nỗi ám ảnh để lại. Ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố, số vụ việc liên quan tới án tín dụng ngân hàng phải thi hành là khoảng 2.200 đầu việc với tổng số tiền trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tài sản thế chấp của bên thứ 3 bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên vay.

Cũng theo ông Chu Quang Tiến, thời gian qua cũng xuất hiện tình trạng một số người khi đi vay tiền của các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính “đen” phải ký hợp đồng chuyển nhượng và giao toàn bộ giấy tờ (ôtô, nhà đất…) có công chứng cho họ với thỏa thuận khi nào người vay trả tiền gốc lẫn lãi thì mới hủy hợp đồng và hoàn trả giấy tờ.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi đã cầm trên tay hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, kèm theo sổ đỏ, một số trường hợp đã “trở mặt” đòi nhà, coi như đấy là hợp đồng mua bán đàng hoàng hoặc đem toàn bộ hồ sơ, giấy tờ trên mang đi thế chấp ngân hàng để vay tiền. Liên quan đến loại hình này, hiện có nhiều vụ việc đang rất “nóng” mà lực lượng thi hành án dân sự đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Điển hình như sự việc xảy ra tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất – Hà Nội). Nơi đây có 15 hộ dân cũng đã dính vào vòng xoáy “tín dụng đen” như vậy. Hiện vụ việc này đang khó thi hành án vì bản thân chủ các hộ dân đang cho rằng đã bị lừa khi mua bán trên giấy trước đó với một công ty TNHH. Trong khi đó, sau khi đã thực hiện sang tên quyền sử dụng đất và đi thế chấp ngân hàng, công ty này đã “mất hút”.

Đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng cho thấy, trong quá trình giao dịch cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, một số trường hợp đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong khi giải quyết tranh chấp như: xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí còn cướp tài sản, giết người… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, khiến dư luận bất bình.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Công an các địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 1 vụ giết người, 21 vụ cướp tài sản, 72 vụ cưỡng đoạt tài sản, 38 vụ hủy hoại tài sản, 109 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 113 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Trần Huy
.
.
.