Sóng ngầm “tín dụng đen”

Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:02
LTS: Cơn sóng ngầm mang tên “tín dụng đen”, cho vay theo kiểu… tín chấp đang diễn biến phức tại nhiều tỉnh, thành. Cơn sóng ngầm này đi qua, nhiều hệ lụy, nỗi ám ảnh để lại. Nhiều người vì cả tin, nhận thức pháp luật hạn chế đã vô hình rơi vào vòng xoáy của “tín dụng đen”. Đâu là nguyên nhân khiến cơn sóng ngầm này vẫn luôn dậy sóng? PV Báo CAND đã tìm hiểu về vấn đề này.

Bài 1: Mục kích…thực tế

Vay tiền nhanh, thủ tục không rườm rà, đặc biệt không cần thế chấp tài sản – loại hình cho vay theo kiểu… tín chấp, “tín dụng đen” đã và đang có chiều hướng nở rộ trên một số địa bàn. Để hiểu rõ hơn về loại hình dịch vụ tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường này, PV Báo CAND đã có cuộc thâm nhập thực tế.

Giao dịch chớp nhoáng

Trưa 11-7, chúng tôi tìm tới cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ “hỗ trợ tài chính”, cho vay theo kiểu… tín chấp tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Cơ sở cung cấp dịch vụ này nằm trên con phố tiếp giáp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tấm biển “hỗ trợ tài chính” đính kèm nội dung quảng cáo các dịch vụ như: “mua bán nhà đất – ôtô – xe máy”, “cho thuê ôtô – xe máy tự lái – dịch vụ cầm đồ”, “hỗ trợ tài chính sinh viên” được chủ cơ sở này thiết kế và dựng ngay phía trước ngôi nhà trông khá bắt mắt.

Quang cảnh bên trong cơ sở “hỗ trợ tài chính” của T.A..

Trong bộ dạng của người đang cần tiền gấp, tôi có dịp tiếp cận hoạt động cho vay tiền dưới hình thức tín chấp ở đây. Tầng 1 một gian nhà được bày biện một bộ bàn ghế sofa cùng chiếc bàn làm việc.

Thấy tôi đặt vấn đề muốn vay “nóng” khoản tiền 10 triệu đồng, nam nhân viên có tên T.A. cho biết, cơ sở của anh ta sẽ đáp ứng nhu cầu vay tiền một cách nhanh chóng, nếu tôi cung cấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu (bản chính) của mình.

- Nhà cậu có ở gần đây không? - T.A. hỏi tôi.

- Nhà em ở trong nội thành Hà Nội - tôi đáp!

Qua trò chuyện với T.A., tôi được biết, nếu tôi không sinh sống ở các quận nội thành Hà Nội hoặc không gần huyện Gia Lâm thì cơ sở của anh ta sẽ không đáp ứng nhu cầu vay của tôi. Theo lý giải của T.A., việc chỉ cho người có hộ khẩu thường trú ở các quận nội thành Hà Nội và một số nơi gần huyện Gia Lâm nhằm tránh “tai nạn” – bị con nợ “cao bay xa chạy”, không thu được cả tiền gốc lẫn lãi.

Để vay được khoản tiền 10 triệu trên, tôi phải để lại thông tin địa chỉ của mình rồi sau đó cơ sở của T.A sẽ cho người đi dò hỏi xem thông tin tôi cung cấp là đúng sự thật hay không, rồi mới làm các thủ tục tiếp theo.

Theo T.A. cho biết, nếu nhân viên của “công ty” xác nhận thông tin mà tôi cung cấp có cơ sở, T.A sẽ đưa tôi số tiền 10 triệu với khoản lãi được thỏa thuận bằng miệng là 5 ngàn đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Cứ 10 ngày, tôi phải đóng tiền lãi một lần tương ứng 500 ngàn đồng. Đổi lại, tôi phải để lại chứng minh thư, sổ hộ khẩu đồng thời ký vào một tờ “giấy vay tiền” với nội dung cam đoan đến kỳ hạn mà không thanh toán đúng hẹn thì sẽ đồng ý cho phía công ty của T.A được quyền đến nhà và nơi làm việc lấy bất cứ tài sản gì hiện có để thu hồi đủ số tiền mà tôi đã vay trước đó.

Cũng theo T.A, trong trường hợp tôi cũng như khách hàng muốn vay số tiền lớn lên đến trăm triệu đồng, cơ sở của anh ta cũng sẽ đáp ứng nhanh chóng nếu tôi thực hiện một số thủ tục có tính bắt buộc (chúng tôi sẽ phân tích trong các bài viết sau). 

“Mê hồn trận” cho vay theo kiểu tín chấp

Không chỉ “bủa vây” các địa điểm có đông sinh viên học tập, thuê trọ, dịch vụ cho vay theo kiểu… tín chấp, “tín dụng đen” đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi. Nếu như trước đây, khi có nhu cầu vay tiền, mọi người thường đến các cơ sở cầm đồ hoạt động trên một số tuyến phố như: Đặng Dung, đường Láng… để thế chấp tài sản.

Thì nay, chỉ cần dạo quanh các tuyến phố của Hà Nội như: Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, Khâm Thiên, Giảng Võ… dễ dàng bắt gặp tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay theo kiểu… tín chấp được dán lên tường, cột điện với nội dung đại loại như: “hỗ trợ tài chính, cho vay vốn không cần thế chấp”, “cho vay họ trả góp hàng ngày”, “vay tiền nhanh” v.v..

Các cơ sở, “công ty” chuyên cung cấp loại hình dịch vụ này đang ngày một nở rộ. Vay nhanh, thủ tục gọn, không cần phải thế chấp tài sản mà chỉ cần để lại một số giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ sinh viên, đăng ký xe v.v.. là có thể vay được ngay một khoản tiền nhất định.

Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Lê Văn Dĩnh, Phó trưởng Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật dạng “tín dụng đen” vẫn diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trong xã hội. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận… là những nơi xuất hiện nhiều loại hình cho vay theo kiểu tín chấp, “tín dụng đen” này.

Trước tình hình trên, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cũng đã tập trung chỉ đạo lực lượng Công an tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, lập danh sách đưa vào diện quản lý các đối tượng có biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật theo dạng “tín dụng đen” và các nhóm đối tượng có biểu hiện đòi nợ thuê để chủ động phòng ngừa ngăn chặn.

Trở lại cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ “hỗ trợ tài chính” ở thị trấn Trâu Quỳ trên, theo T.A. cho biết, đối với đối tượng vay là sinh viên, sau khi đã cầm thẻ sinh viên cũng như thực hiện viết giấy vay nợ, cơ sở của T.A. cũng chỉ cho vay đến 5 triệu đồng. Lý giải điều này, T.A. nói, đối với sinh viên, việc giới hạn cho vay số tiền trên nhằm giảm thiểu những “tai nạn” không mong muốn…

Đối tượng cung cấp dịch vụ cho vay theo kiểu tín chấp, “tín dụng đen” dạng này thường là những dân chơi chuyên cho vay lãi nặng, được tổ chức chặt chẽ, có nhiều “mắt xích” tham gia. Đáng chú ý, để gây thanh thế hoạt động, thị uy đối với khách vay tiền đang có ý định “bùng” tiền vay, tiền lãi, nhiều cơ sở còn thu nạp thêm những đối tượng có tiền án, tiền sự, mặt mũi bặm trợn.

Khi cần sẽ trực tiếp, hoặc thuê người đến đe dọa, ném chất bẩn vào nhà, tụ tập đông người trước nhà người vay tiền để gây áp lực về tinh thần, gây hoang mang, lo sợ hoặc bắt giữ người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản để ép trả tiền.


Trần Huy
.
.
.