Sóng ngầm “tín dụng đen” (bài 2)

Thứ Hai, 18/07/2016, 10:16
Để con nợ - người vay tiền như nằm trên… “thớt”, sau khi đã nhận tiền, chủ các cơ sở cung cấp dịch vụ cho vay theo kiểu tín chấp, “tín dụng đen” đã sử dụng nhiều chiêu thức để tung “hỏa mù” cũng như tránh sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Tất nhiên, “lãi mẹ đẻ lãi con”, khi con nợ hiểu ra thì đã quá muộn.


Bài 2: Những chiêu khiến con nợ dở khóc dở cười


Trở lại lần giáp mặt với T.A. tại cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ “hỗ trợ tài chính” ở thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm – Hà Nội). Khi cầm trên tay số tờ giấy hợp đồng mà cơ sở của T.A. đưa, chúng tôi thấy, các thông tin dữ liệu về bản thân người vay và bên cho vay cùng tổng số tiền vay đính kèm là thời hạn vay được thể hiện khá rõ.

Khi tôi hỏi: “Vậy số tiền lãi tính ra sao” thì T.A. cho biết, khoản tiền lãi chỉ thỏa thuận bằng miệng. Còn trên “giấy vay tiền” sẽ ghi khống số tiền vay lên thành 15 triệu đồng (trong khi tôi chỉ vay có 10 triệu đồng). Có điều này cũng bởi T.A. muốn nắm đằng chuôi. Và rồi, khi con nợ đến hạn không trả lãi, nhân viên của T.A. sẽ đến nhà người thân con nợ với tờ giấy vay tiền thể hiện rõ số tiền (đã được tính cả lãi) trên tay.

Trong quá trình cung cấp dịch vụ cho vay theo hiểu tín chấp, cơ sở của T.A. cũng có những hình thức cho vay khác nhau. Khác với người lao động, có công việc ổn định, đối với người vay là sinh viên, học sinh khi tìm đến vay tiền, bên cạnh giấy vay tiền thông thường, cơ sở của T.A. còn đưa ra một “hợp đồng cho thuê máy vi tính” với nội dung bên cho thuê máy tính là cơ sở của T.A.. và bên thuê máy tính là người vay tiền cùng thời gian, phí dịch vụ cho thuê máy vi tính đi kèm (phí này tương đương với lãi suất vay tiền thỏa thuận trước đó).

Nhiều cơ sở “hỗ trợ tài chính” mọc lên gần khu vực có trường đại học, cao đẳng.

Đáng chú ý, trong nội dung hợp đồng này, thể hiện rõ “10 ngày một lần bên B (bên thuê máy vi tính – PV) đến thanh toán tiền phí thuê máy vi tính cho bên A (cơ sở của T.A.-PV) một lần, nếu bên B làm mất, hư hỏng máy tính thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bên B bồi hoàn tiền mặt, đúng bằng giá trị bị mất, hư hỏng của chiếc máy vi tính”. Nhìn qua hợp đồng này, ít ai biết rằng, thực chất việc lập hợp đồng trên là do bên cơ sở T.A. muốn ràng buộc khách vay tiền. Bởi khi không trả tiền gốc kèm tiền lãi theo quy định, khách vay tiền sẽ phải chịu trách nhiệm mà theo các quy định thể hiện trong “hợp đồng cho thuê máy vi tính” đã lập trước đó.

Chưa hết, để biến con nợ như “cá nằm trên thớt”, đối với một số khách vay tiền, chủ các cơ sở cung cấp dịch vụ cho vay theo kiểu tín chấp, “tín dụng đen” sau khi viết giấy vay tiền còn hướng dẫn con nợ viết thêm một giấy biên nhận có nội dung đại loại như: “đã nhận tiền mua xe của bên A và đến thời hạn X sẽ giao xe” hay “đã nhận tiền để xin việc làm cho người thân của bên A, nếu đến ngày Y mà không xin được sẽ trả lại tiền” v.v.. Khi đó, nếu người vay tiền không trả lãi cùng tiền gốc theo hẹn, chủ cơ sở cung cấp dịch vụ sẽ kiện ngược và nói rằng mình đã bị bên đối tác (bên vay tiền – PV) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nếu mức lãi suất cho vay vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì người cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

Bên cạnh đó, theo Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định, người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm v.v..

Nắm rõ quy định trên, nên nhiều cơ sở cho vay theo kiểu tín chấp, “tín dụng đen” đã không ghi rõ lãi suất trên các loại giấy tờ, hợp đồng liên quan đến quá trình vay tiền. Đơn cử như trong “giấy vay tiền”, “hợp đồng cho thuê máy vi tính” mà cơ sở T.A. cung cấp cho chúng tôi đều không hề thể hiện lãi suất 5 ngàn đồng/1 triệu/1 ngày theo thỏa thuận trước đó. Có điều này cũng vì, nếu như ghi rõ lãi suất như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc, lãi suất 1 năm sẽ lên tới 180% và theo như chúng tôi được biết lãi suất này đã gấp hơn 10 lần so với lãi suất mà pháp luật quy định.

Qua thâm nhập thực tế chúng tôi cũng thấy rằng, nhiều cơ sở khi cho khách vay tiền với số tiền lớn đã yêu cầu người vay tiền lập hồ sơ công chứng chuyển nhượng tài sản (động sản hoặc bất động sản) để làm tin.

Theo Đ.H., 32 tuổi, nhân viên của một cơ sở chuyên cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen” trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) cho biết, cơ sở của anh ta sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách vay tiền giá trị lớn kể cả tiền tỷ, miễn sao khách hàng có tài sản giá trị để… làm tin. Đ.H. cho biết thêm, nếu muốn vay số tiền 300 triệu đồng trong vòng 3 tháng thì người vay phải có tài sản thế chấp như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), ôtô…

Trong trường hợp người vay có sổ đỏ thế chấp, sau khi tiến hành xác minh lại thông tin có liên quan, nếu đúng, cơ sở của  Đ.H. sẽ thỏa thuận với con nợ số tiền vay và khoản lãi đính kèm. Đồng thời tiến hành thủ tục sang nhượng quyền sở hữu sổ đỏ tại phòng công chứng gọi là làm tin và phòng “tai nạn” xảy ra. Vì nếu người vay không trả tiền gốc, tiền lãi theo thỏa thuận, cơ sở của Đ.H. sẽ tiến hành hợp thức hóa số tài sản trên.

Trong trường hợp này, các cơ sở hoạt động “tín dụng đen” luôn “nắm đằng chuôi” vì giá trị thực tế của khối bất động sản thể hiện trên sổ đỏ luôn lớn hơn số tiền mà khách đã vay và thỏa thuận giao dịch trước đó.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), phương thức, thủ đoạn của các tổ chức “tín dụng đen” diễn ra rất tinh vi và khó kiểm soát. Việc cho vay được thỏa thuận ngầm, không thể hiện bằng văn bản, thường cho vay theo kiểu tín chấp, không có tài sản cầm cố.

Lợi dụng sơ hở của pháp luật, nhiều đối tượng đã chuyển hóa việc vay nợ bằng phương thức mua bán, thế chấp tài sản có giá trị (nhà đất, ôtô) với giá thấp có công chứng buộc nạn nhân phải làm thủ tục bán cho đối tượng nhằm hợp pháp hóa việc cho vay. Sau đó, cho nạn nhân thuê lại trong thời gian ngắn nhằm thuận lợi cho việc chiếm đoạt nếu con nợ đến hạn không có khả năng thanh toán.

Trần Huy
.
.
.