Sớm xem xét công nhận liệt sĩ cho Phó trưởng Công an xã hy sinh

Thứ Bảy, 29/09/2018, 10:53
Con trai duy nhất hy sinh khi mới 25 tuổi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT, bị đối tượng gây rối trật tự công cộng sát hại và tử vong ngày 18-3-2016, nhưng hơn 2 năm trôi qua, cha mẹ đồng chí Trần Mạnh Tùng, nguyên Phó trưởng Công an xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vẫn mòn mỏi mong chờ ngành LĐ,TB&XH thực hiện chế độ chính sách công nhận liệt sĩ cho anh.

Nước mắt của người mẹ đã cạn khô vì khóc con, nay lại âm thầm đau đớn vì con vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Hy sinh vì bình yên cho quê hương

Chúng tôi về xã Xuân Lập trong một ngày nắng gắt, thắp nén nhang trước bàn thờ của đồng chí Tùng, tưởng nhớ về sự hy sinh của anh mà không khỏi xúc động. Hai năm trôi qua, cha mẹ anh đã cạn khô nước mắt vì khóc con. Ông bà nội anh đã trên 90 tuổi vì thương nhớ cháu mà ngày một đau ốm. Đồng chí Tùng là con trai duy nhất của gia đình, hy sinh khi mới 25 tuổi. 

Bố anh - ông Trần Đình Quân nghẹn ngào: “Cả gia đình suy sụp từ ngày con ra đi. Vợ tôi vốn bị bệnh tim, hai năm nay vì thương nhớ con mà khóc suốt, phải vào bệnh viện cấp cứu liên tục. Tuy rằng rất đau buồn nhưng tôi phải chống chọi để làm điểm tựa cho cả nhà. Gia đình chỉ mong cơ quan chức năng sớm xem xét chế độ chính sách công nhận liệt sĩ cho con, để con tôi được ra đi thanh thản”.

Mẹ đồng chí Tùng khóc khi nhìn con lợn tiết kiệm “Khát vọng xứ Thanh” của anh.

Tại bản kết luận điều tra của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, tối 18-3-2016, đồng chí Tùng được Trưởng Công an xã Xuân Lập giao nhiệm vụ đến hiện trường cùng với các Công an viên là anh Long và anh Sức giải quyết vụ việc gây rối trật tự. 

Trước đó, Ban Công an xã nhận được tin báo của quần chúng về đối tượng Mai Văn Sơn (trú tại thôn Vũ Thượng 2) có hành vi chửi bới, lăng mạ hàng xóm, đe dọa chém Công an viên, gây mất an ninh thôn xóm. Khi đồng chí Tùng tới nơi, Sơn đã về nhà nhưng vẫn chửi đổng hàng xóm. Đồng chí Tùng và anh Long vào nhà yêu cầu Sơn không được chửi bới, gây mất ANTT nữa và đến trụ sở Công an xã để giải quyết theo quy định của pháp luật. Sơn không chấp hành mà còn chửi bới, lăng mạ lực lượng Công an xã và dùng tay xô đẩy đồng chí Tùng. Do Sơn chống đối, đồng chí Tùng dùng khóa số 8 khóa hai tay Sơn về phía trước, định áp giải về trụ sở. 

Lúc này Sơn nói “Cho tôi uống ngụm nước đã” rồi ngồi vào phía trong ghế dài, gần vị trí kệ để phích nước. Anh Long ngồi bên cạnh Sơn, anh Tùng ngồi ở ghế đối diện. Khi anh Tùng đang giải thích về pháp luật với Sơn, nhìn thấy con dao gọt hoa quả đang để trên kệ phích, lợi dụng lúc các anh không chú ý, Sơn liền đưa hai tay bị khóa về phía kệ phích, tay phải cầm lấy con dao nhọn rồi đứng dậy đâm anh Tùng ở tư thế đối diện. Bị đâm bất ngờ, anh Tùng không tránh kịp. Vết thương đâm trúng cổ, anh chạy theo lối cửa phụ ra ngoài và tử vong.

Hành vi nguy hiểm của Sơn không dừng ở đó, sau khi đâm anh Tùng, hắn còn quay sang đâm anh Long nhưng anh tránh được và bỏ chạy ra ngoài. Sơn cầm dao đuổi theo anh Long. Nghe anh hô hoán, lực lượng Công an xã ở ngoài chạy tới mới bắt giữ được hung thủ đang trên đường tẩu thoát.

Tòa án nhận định hành vi của đối tượng đặc biệt nguy hiểm

Gần 2 năm sau cái chết của đồng chí Tùng, ngày 18-6-2018, UBND huyện Thọ Xuân mới có Công văn số 776 gửi Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa đề nghị xác nhận liệt sĩ cho anh. Theo ông Trương Hồng Thanh, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Thọ Xuân thì sau khi anh Tùng bị đối tượng gây rối trật tự sát hại và tử vong, Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã truy tặng Bằng khen cho anh vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm. Căn cứ vào mục d, khoản 1, Điều 17 của Nghị định 31/2013/NĐ, anh Tùng đủ điều kiện để xác nhận liệt sĩ. “Tuy nhiên cho tới nay Sở chưa có phản hồi chính thức cho huyện” - ông Thanh cho biết.

Vậy, hồ sơ công nhận liệt sĩ cho đồng chí Tùng vướng mắc ở đâu? Làm việc với ông Vương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB &XH tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được ông cho biết, điều kiện xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Tùng có thể áp dụng vào mục d, khoản 1, Điều 17 của Nghị định 31/2013/NĐ-CP: “Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn cản các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự”. Tuy nhiên, Sở LĐ,TB&XH còn băn khoăn tình tiết trong hồ sơ, đó là “người đâm bị còng hai tay thì không coi là có hành vi nguy hiểm”. Chính vì thế mà hồ sơ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét.

Theo bản kết luận điều tra cũng như Bản án số 43 ngày 21-7-2016 của TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt Mai Văn Sơn 20 năm về tội “giết người” đều nhận định, hành vi của Sơn là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Sau khi gây án, Sơn còn tiếp tục quay sang đâm anh Long. Và khi anh Long bỏ chạy, Sơn còn cầm dao đuổi theo anh ra ngoài. Như vậy, hành vi nguy hiểm của Sơn không dừng lại mà vẫn còn tiếp tục. 

Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Sơn. Theo đánh giá của Hội đồng xét xử thì bị cáo là đối tượng gây mất trật tự an ninh thôn xóm, đã được người có thẩm quyền yêu cầu về Công an xã giải quyết nhưng không chấp hành, khi bị khóa tay rồi vẫn tìm cách chống đối. Mặc dù biết rõ anh Tùng là Công an viên đang thực hiện nhiệm vụ, nhưng bị cáo vẫn dùng hung khí bất ngờ tấn công làm anh Tùng tử vong.

Thiết nghĩ, những căn cứ trên đây là đủ điều kiện để cơ quan chức năng áp dụng mục d, khoản 1, Điều 17 của Nghị định 31/2013 công nhận liệt sỹ cho đồng chí Trần Mạnh Tùng.

Trần Hằng
.
.
.