Sớm ngăn chặn tình trạng tranh chấp đất rừng tại Đắk Lắk
Cảnh báo từ những vụ án
Những ngày đầu tháng 1-2018, TAND tỉnh Đắk Nông đã đưa vụ án tranh chấp đất rừng giữa người dân với Công ty TNHH TMDV Long Sơn (Công ty Long Sơn) tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức ra xét xử.
Theo nội dung vụ án, vào khoảng 8h30 ngày 23-10-2016, trong quá trình tổ chức san ủi mặt bằng đất dự án của Công ty Long Sơn đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát giữa công nhân, bảo vệ của công ty với một nhóm người dân.
Hậu quả, đã dẫn đến việc người dân dùng súng tự chế và súng thể thao bắn vào công nhân và bảo vệ của Công ty Long Sơn làm 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương nặng.
Rừng bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép ở huyện Ea Súp, Đắk Lắk. |
Ngày 16-12-2017, tại Tiểu khu 263 thuộc địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình tranh chấp đất canh tác giữa hai nhóm người dẫn đến xung đột, khiến 1 người bị đánh tử vong, 6 người khác bị thương nặng.
Trước đó ít ngày, cũng tại địa bàn xã Ea Bung, một số đối tượng ngang nhiên chiếm đất canh tác của người dân dẫn đến xô xát giữa hai bên. Trong lúc xô xát, một đối tượng đã dùng súng bắn vào đám đông khiến 1 người tử vong.
Điều đáng quan ngại là các vụ tranh chấp đất rừng vẫn chưa dừng lại, có liên quan đến công tác buông lỏng quản lý đất nông lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng. Có thể nói, những người vi phạm pháp luật đã và đang bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Tuy nhiên, qua những vụ án cho thấy, hệ quả của việc quản lý lỏng lẻo về dân di cư tự do, sự thiếu trách nhiệm của các chủ rừng, doanh nghiệp được giao đất rừng cũng như chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng phức tạp nêu trên.
Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng trong năm 2017, trên địa bàn huyện Ea Súp đã xảy ra 4 vụ việc, chủ yếu liên quan đến các vấn đề tranh chấp đất rừng làm 2 người chết, nhiều người bị thương. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay huyện Ea Súp đã có trên 10.000ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép.
Nguyên nhân để xảy ra mất rừng, tranh chấp đất đai là do một số người dân xâm lấn đất rừng. Các doanh nghiệp được nhà nước giao đất buông lỏng quản lý. Việc giao đất cho doanh nghiệp có sự chồng chéo lên diện tích đất người dân canh tác từ lâu...
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, một trong những địa bàn xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai nhiều nhất của tỉnh Đắk Lắk thời gian gần đây cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ xung đột vào ngày 16-12, UBND huyện đã cho thống kê lại toàn bộ đất đai trên địa bàn.
Kết quả thống kê chỉ mới khoảng 50% cán bộ kê khai đã cho thấy khoảng 2.000ha đất rừng bị chiếm dụng. Phần lớn diện tích này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đang được cán bộ, cấp huyện, xã quản lý, sử dụng trái quy định.
Cũng theo ông Đông, có một thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp không mấy mặn mà trong việc phối hợp với chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
“Thậm chí vừa rồi huyện tổ chức tổng kết công tác bảo vệ rừng đã mời 6 doanh nghiệp nhưng không doanh nghiệp nào đến dự. Bên cạnh đó, tình trạng dân di cư tự do rất lớn đã gây áp lực đến công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp. Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm mà nhận thấy việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thiếu quyết liệt, công tác phòng ngừa chưa hiệu quả... Có tình trạng các ngành đổ lỗi cho nhau”, ông Đông khẳng định.
Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung cho biết, nhiều trường hợp mua bán đất bằng giấy tờ viết tay không thông qua chính quyền, thậm chí người bán không có hộ khẩu tại địa phương, nên việc quản lý và giải quyết của xã gặp khó khăn.
“Hiện nay, huyện Ea Súp đã lập 2 đoàn liên ngành do kiểm lâm chủ công để truy quét những đối tượng lấn chiếm đất rừng trái phép, chiếm cả đất của dân. Đối với những hộ dân đã canh tác lâu năm, có hộ khẩu thường trú hợp pháp tại các xã, thì lãnh đạo huyện sẽ tính phương án bố trí đất ở và đất sản xuất cho họ để tránh xảy ra những vụ tranh chấp đáng tiếc”, ông Hạnh thông tin.
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, tình trạng tranh chấp đất rừng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra phức tạp, có trường hợp coi thường pháp luật, tự dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp bằng bạo lực.
Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ sự quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền địa phương, chủ rừng, các công ty lâm nghiệp từ nhiều năm trước dẫn đến tình trạng lấn chiếm, làm phát sinh tranh chấp giữa người dân với nhau và giữa người dân với doanh nghiệp.
“Hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án tại 5 công ty lâm nghiệp để mất rừng, mất đất rừng. Sau đó sẽ khởi tố bị can về tội hủy hoại rừng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi thông tin.