Tuyên án các bị cáo trong vụ xả súng tranh chấp đất đai

Thứ Tư, 03/01/2018, 18:52

Sau 2 ngày đưa ra xét xử, chiều 3-1, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên án các bị cáo trong vụ xả súng tranh chấp đất đai tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức khiến 3 người chết và 13 người bị thương.


Theo đó, các bị cáo Đặng Văn Hiến (42 tuổi, trú tại tỉnh Lạng Sơn) bị tuyên phạt mức án tử hình, bị cáo Ninh Viết Bình (36 tuổi, trú tại tỉnh Thái Nguyên) bị tuyên phạt 20 năm tù và bị cáo Hà Văn Trường (33 tuổi, trú tỉnh Lạng Sơn) bị tuyên phạt 12 năm tù cùng về tội “Giết người”. Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (56 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH TN-ĐT Long Sơn) bị phạt 6 năm tù; Phạm Công Thiện (41 tuổi, trú tỉnh Vĩnh Long) 4 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Riêng bị cáo Đoàn Văn Diện (38 tuổi, trú tỉnh Bình Phước) bị xử phạt 9 tháng tù về tội “Che dấu tội phạm”.

Bị cáo Đặng Văn Hiến bị tuyên án mức tử hình

Theo cáo trạng, năm 2008, Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (Cty Long Sơn) được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000ha đất rừng tại Tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Tháng 6-2013, ông Sửu mua lại dự án này và làm Phó giám đốc công ty. Quá trình thực hiện dự án, Cty Long Sơn đã để một số hộ dân xâm canh, khiến hai bên xảy ra tranh chấp nhưng chính quyền chưa giải quyết được.

Ngày 15-10-2016, ông Sửu gọi người của Cty Long Sơn, chuẩn bị máy ủi, máy cày, áo giáp, lá chắn…để bảo vệ xe ủi, tiến hành ủi cà phê, điều của một số gia đình xâm canh. Đến khoảng 6h ngày 23-10-2016, ông Sửu và ông Thiện chỉ đạo các anh Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến mỗi người điều khiển một xe ủi, anh Lê Thanh Phong lái xe máy cày, chở theo 30 nhân viên của Cty Long Sơn với áo giáp, khiên chắn, dao, gậy…tiến về khu vực rẫy của gia đình ông Hoàng Văn Thắng.

Sau đó, hai xe ủi đã phá hơn 330 cây trồng các loại của người dân. Lúc này, phát hiện người của Cty Long Sơn tiến về nhà mình, ông Hiến đã mang súng ra chặn lại. Khi hai bên cách nhau khoảng 5m, ông Hiến bắn chỉ thiên một phát. Tuy nhiên, nhóm công nhân đã dùng đá ném liên tiếp nên ông Hiến đã bắn thêm nhiều phát súng. Sau đó, ông Hiến và ông Ninh Viết Bình tiếp tục mang súng lên rẫy điều của ông Thắng, bắn vào nhóm công nhân của Cty Long Sơn. Hậu quả của vụ nổ súng khiến các anh Điểu Vinh, Điểu Tào và Dương Văn Tiến chết tại chỗ, 13 người khác bị thương mất từ 6-54% sức khỏe.

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án

Sau khi gây án, Hiến cầm khẩu súng về vứt ở hiên nhà mình rồi lấy xe máy, tiền chạy ra bến Sa Rang cùng với Hà Văn Trường bỏ trốn sang nhà ông Trần Văn Lập (xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Còn Ninh Viết Bình đi theo vườn điều về nhà đem theo khẩu súng và 2 vỏ đạn vứt xuống suối rồi đi làm như chưa có chuyện gì xảy ra.

Riêng ông Hiến, Trường sau khi đến nhà ông Lập đã gặp Đoàn Văn Diện cùng một số người trong gia đình Diện. Trong lúc ăn cơm, Hiến có nói cho mọi người biết, mình vừa gây ra vụ việc trên và muốn bỏ trốn một thời gian sẽ tìm cách ra đầu thú. Sau đó ông Hiến nhờ Diện cầm sim điện thoại của mình đến khu vực huyện Bù Đăng, lắp vào máy gọi vào tổng đài 900 để đánh lạc hướng Cơ quan công an nhằm dễ bề lẩn trốn.

Sau đó Diện còn đưa ông Trường về nhà mình lẩn trốn một thời gian. Diện bị cơ quan công an khởi tố về tội “Che giấu tội phạm” nhưng cho tại ngoại. Ông Hiến khai mình nhờ Diện đánh lạc hướng Công an là để tìm cơ hội đầu thú…

Ngoài mức án phạt tù, HĐXX cũng đã chấp nhận mức bồi thường trách nhiệm dân sự của các bị cáo đối với các bị hại mà gia đình các bị cáo đã tự nguyện bồi thường trước đó. Bên cạnh đó, buộc các bị cáo Hiến, Bình và Trường phải liên đới bồi thường chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần cho đại diện hợp pháp của người bị hại theo mức 100 tháng lương tối thiểu, tương đương 130 triệu đồng/1 người chết. Ngoài ra, buộc các bị cáo Hiến, Bình và Trường phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 4 người con của anh Điểu Tào (đã chết) đến khi tròn 18 tuổi với mức 1 triệu đồng/tháng/cháu và tiền chi phí điều trị và tổn thất tinh thần cho những người bị thương trong vụ án.

Riêng các bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu và Phạm Công Thiện phải bồi thường 287 cây điều và 45 cây cà phê cho các gia đình ông Thắng, Hiến và Cao với tổng số tiền 73.624.000 đồng.

Văn Thành
.
.
.