Sinh viên sập bẫy chiêu “hỗ trợ tài chính”

Thứ Năm, 14/04/2016, 19:54
“Hỗ trợ tài chính sinh viên” là tên gọi khác đi của dịch vụ cho sinh viên vay nặng. Cơn sóng ngầm này từ lâu đã tàn phá nhiều lứa sinh viên đua đòi, ham chơi.


Những địa chỉ tiếp tay cho tệ nạn

Nguyễn Văn M, sinh viên năm 2 trường đại học Nông nghiệp Hà Nội là một trong những con nợ quen thuộc với những cửa hàng cầm đồ. Ngồi trò chuyện, cậu tỏ ra mình là một tay vay tiền và là dân chơi bóng (chơi cá độ bóng đá) có thâm niên, từ năm học lớp 10.

Lên đại học, M lao vào trò chơi đỏ đen, đó là nguyên nhân trong 2 năm liền, tính cả tiền lãi và tiền nợ M phải trả gần 50 triệu đồng. M kể, cứ chơi hết tiền lại ra vay, mỗi lần khoảng 2, 3 triệu đồng. Có lần vay 2 triệu, M để tiền lãi lên 20 triệu. Vừa rồi,  M tiếp tục vay 18 triệu đồng. Số tiền vay M đều ném vào những con đề, những ván game, chơi bóng và những cuộc nhậu nhẹt với bạn bè.

Việc “Hỗ trợ tài chính sinh viên” đang dần tạo điều kiện đưa các sinh viên lạm dụng dịch này vụ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Trần Mạnh H (sinh viên đại học Nông nghiệp Hà Nội) cũng là một con nợ quen thuộc của một số cửa hàng cho vay tiền. H kể, do vay quá nhiều nên giờ không nhớ là mình đã vay bao nhiêu tiền. Số tiền vay chủ yếu để trả nợ cho những cuộc cá cược, ăn chơi.

“Mình rất mê đánh lô, có lần được chục củ (10 triệu). Nhưng “cũng đã mất nhiều, có hôm ít thì mất 1, 2 triệu, nhiều thì 4 triệu”, H nói. Mỗi lần H vay khoảng 4 triệu, lần vay nhiều nhất là 6 triệu đồng. Sau hai tháng, H phải trả cả tiền lãi là 7,8 triệu đồng (mức lãi suất là 5.000đ/1 triệu/ngày. Như vậy, với 6 triệu đồng thì mỗi ngày H phải mất 30 nghìn đồng tiền lãi. Hiện H đang làm thêm cho một quán cà phê cạnh trường để lấy tiền trả nợ.

Thu lợi nhuận đội lốt “Hỗ trợ tài chính sinh viên”

Qua tìm hiểu cho thấy, các quán cho vay tiền hay cầm đồ thường mở nhiều nhất gần khu vực trường đại học, cao đẳng. Nhưng người cho vay đều có cách riêng của họ không để tiền thất thoát.

Cở sở “Hỗ trợ cho sinh viên vay tiền” được đặt gần khu vực đại học Bách khoa Hà Nội, đại học Xây dựng, đại học Kinh tế Quốc dân…

Trong vai sinh viên đi vay tiền, tôi xuống khu đại học Bách khoa và đại học Xây dựng, vào một quán cầm đồ đề nghị vay tiền và hỏi về những điều khoản, thủ tục thì nhận được câu trả lời của chủ quán:

“Ở đây không cho sinh viên trường khác vay tiền, chỉ cho sinh viên Bách Khoa và Xây dựng vay. Người cho vay làm vậy để dễ quản lý. Thậm chí họ còn vào trang web trường để xem kết quả học tập của sinh viên, thấy ai nợ nhiều môn, trượt nhiều hay chưa nộp học phí trong trường thì họ không cho vay”.

Bên cạnh các cửa hàng ghi là “cầm đồ” hay “cầm đồ sinh viên”, nhiều cơ sở đã nghĩ ra cách đặt tên dễ chịu hơn để đánh lừa cảm giác bằng cái tên “Hỗ trợ sinh viên” hoặc “Hỗ trợ tài chính cho sinh viên”.

Thủ tục “Hỗ trợ tài chính cho sinh viên” của M (Sinh viên trường đại Nông nghiệp Hà Nội) rất đơn giản và không thể hiện việc vay nặng lãi.

Kèm theo đó là quảng cáo rất hấp dẫn như: Thủ tục nhanh, gọn; uy tín - bảo mật, uy tín – thân thiện...  Chỉ cần ghi thông tin của người vay và kèm theo một số điều khoản là sinh viên có thể dễ dàng cầm tiền trong tay. Lãi suất vay chỉ được thỏa thuận bằng miệng chứ không thể hiện trên bất cứ thứ giấy tờ nào. Thông thường  tiền lãi dao động từ 3 đến 7 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày, đóng theo chu kỳ 15 ngày, 20 ngày hoặc 1 tháng/lần.

PGS.TS. Phùng Trung Tập, trưởng khoa Luật Dân sự, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Với mức lãi suất mà sinh viên phải chịu như một số trường hợp ở trên thì người cho vay đã có dấu hiệu của cho vay nặng lãi. Nếu so với lãi suất ngân hàng thì mức chênh lệch đã là quá lớn, chưa kể so với mức sinh viên được vay hỗ trợ theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên”.

PGS.TS. Phùng Trung Tập cũng cho biết, việc xử phạt không hề đơn giản, vì người cho vay không lộ diện và không có trụ sở hay doanh nghiệp được đăng ký. Vấn đề lại do chính những người đi vay có nhận thức được là mình đang phải vay nặng lãi không? Người vay tiền của cá nhân với lãi suất cao có căn cứ và có dám tố cáo không? Vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của người vay”.

“Với mức lãi suất mà sinh viên phải chịu như một số trường hợp ở trên thì người cho vay đã có dấu hiệu của cho vay nặng lãi. Cửa hàng nào cho vay nặng lãi? Hiệu cầm đồ với lãi suất cao cần phải được xác định.người dân và sinh viên đi vay nặng lãi phải lên tiếng thì khi đó các cơ quan chức năng mới có căn cứ điều tra và kết luận. Phải coi đây là một công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm”, PGS.TS. Phùng Trung Tập, trưởng khoa Luật Dân sự giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết.
Thu Huyền
.
.
.