Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ: Nhiều bất cập nảy sinh

Thứ Sáu, 07/04/2017, 10:38
Kể từ ngày 1-11-2016, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ - QCVN 41:2016/BGTVT (gọi tắt là Quy chuẩn 41) chính thức có hiệu lực. Nhiều nội dung liên quan đến báo hiệu đường bộ được thực thi. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng đi vào thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

Nhằm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngày 8-4-2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Theo đó, kể từ ngày 1-11-2016, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ - QCVN 41:2016/BGTVT (gọi tắt là Quy chuẩn 41) chính thức có hiệu lực. Nhiều nội dung liên quan đến báo hiệu đường bộ được thực thi. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng đi vào thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

Khó xử lý các vi phạm

Lấn làn đường, phóng nhanh vượt ẩu… là một trong những nguyên nhân khiến số vụ tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Thế nhưng, việc xử lý các lỗi vi phạm này lại đang gặp phải một số khó khăn. Có mặt trên tuyến quốc lộ 2 (QL2) - đoạn thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy, các cán bộ chiến sĩ CSGT – Công an tỉnh Phú Thọ nỗ lực tuần tra kiểm soát, xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT.

Cần sớm khắc phục những tồn tại về biển báo cấm xe tải ở Hải Phòng.

Trung tá Ngô Văn Trường, Phó Đội trưởng Đội TTKSGT số 2, Phòng CSGT – Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, việc xử lý các vi phạm trên tuyến QL2 nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Lẽ bởi, kể từ sau thời điểm Quy chuẩn 41 quy định: “Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh.

Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lực…” (Điều 38) có hiệu lực, việc xử lý các trường hợp đi quá tốc độ rất hạn chế. “Trên dọc tuyến QL2 với hơn 60km đi qua địa bàn các huyện, thành của tỉnh Phú Thọ như: Việt Trì, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ và Đoan Hùng, có cả trăm điểm nút ngã ba, ngã tư, song đến nay mới chỉ có 4 điểm được gắn biển báo hạn chế tốc độ qua khu đông dân cư. Thế nên, việc xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện đi qua tốc độ đang rất nhiều khó khăn”, Trung tá Ngô Văn Trường cho hay.

Khảo sát trên dọc tuyến QL2, chúng tôi ghi nhận tại rất nhiều điểm nút giao ngã ba, ngã tư không có sự xuất hiện của các biển báo hiệu lệnh nhắc lại. Lực lượng CSGT thì chỉ có thể tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ tại một số vị trí có gắn biển báo khu đông dân cư nhất định. Trung úy Bùi Bình Minh, Phòng CSGT (Công an tỉnh Phú Thọ), Tổ trưởng Tổ công tác đảm nhận việc xử lý các vi phạm về tốc độ tại Km 83 + 800, QL2 thuộc xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ cho biết, ca trực của anh bắt đầu từ 6h sáng.

Đến 11h cùng ngày, Tổ công tác lập biên bản xử lý được 6 trường hợp vi phạm về lỗi tốc độ. Theo Trung úy Bùi Bình Minh, do nắm được các vị trí lực lượng CSGT tổ chức tuần tra, đo tốc độ nên nhiều trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi đến các điểm này đã chấp hành nghiêm Luật Giao thông. Và rồi sau khi “lọt” qua chốt tuần tra, vi phạm về phóng nhanh, vượt ẩu lại tiếp diễn, khiến nguy cơ TNGT luôn tiềm ẩn xảy ra. 

Sớm khắc phục những bất cập

Không chỉ bất cập về việc triển khai các biển báo nhắc lại, vạch sơn chỉ dẫn, phân làn đường..., kể từ thời điểm Quy chuẩn 41 có hiệu lực, tại thành phố Hải Phòng – nơi tập trung đông các phương tiện, nhất là các xe siêu trường, siêu trọng, xuất hiện nhiều bất cập liên quan đến biển báo.

Theo đánh giá của Phòng CSGT – Công an TP Hải Phòng, tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố hiện có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là trên các tuyến đường thuộc khu vực nội đô thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, kể cả ngoài giờ cao điểm.

Theo Trung tá Vũ Trường Linh, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT – Công an TP Hải Phòng cho hay, do lực lượng chức năng thời gian qua xử lý và kiểm soát tốt tình trạng xe chở quá trọng tải nên nhiều doanh nghiệp đã tăng cường thêm đầu xe vận chuyển.

Cùng với đó, một số dự án trọng điểm đang được triển khai như: dự án nâng cấp QL5 kéo dài, QL10… đã khiến mật động các phương tiện tham gia giao thông không ngừng tăng. Song song với những lý do trên phải kể đến nguyên nhân liên quan đến Quy chuẩn 41. Bởi đến nay, các biển báo cấm xe ôtô tải “P.106b” hiện vẫn đang ghi trị số: “1 tấn và 13 tấn”.

Như vậy, với số lượng 6.289 xe ôtô tải có khối lượng chuyên chở đến 1 tấn (đang được cơ quan chức năng quản lý) được phép lưu thông vào tất cả các tuyến đường cấm trên địa bàn thành phố, khiến áp lực về giao thông, va chạm, TNGT ngày càng tiềm ẩn tăng. Một số tuyến đường thường xuyên tập trung đông xe tải nặng phải kể đến như đường: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng v.v…

Trước những tồn tại trên, Công an TP Hải Phòng cũng đã có công văn gửi các cơ quan chức năng về việc đề nghị điều chỉnh trị số ghi trên biển báo cấm xe ôtô tải trên địa bàn thành phố. Theo đó, điều chỉnh trị số ghi trên biển cấm xe ôtô tải “P.106b”, cụ thể: đối với những biển hiện nay đang ghi trị số “1 tấn” thay thế bằng “0,5 tấn”; đối với những biển hiện nay ghi trị số “13 tấn” thay thế bằng “7 tấn”.

Đồng thời, Công an TP Hải Phòng cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP Hải Phòng tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ, nhất là vạch sơn kẻ đường, vì thực tế hiện nay một số tuyến đường đã bị mờ, mất tác dụng và không đúng quy định tại Quy chuẩn 41. Qua đó, đảm bảo cơ sở pháp lý cho lực lượng chức năng thực thi công tác bảo đảm TTATGT.

N.Hưng – T.Huy
.
.
.