Quảng Nam siết chặt hoạt động khai thác cát ngay tại mỏ

Thứ Bảy, 20/01/2018, 09:40
Thời gian qua, hoạt động khai thác cát xây dựng tại tỉnh Quảng Nam đã kéo theo nhiều hệ lụy, tác động xấu đến đời sống người dân và môi trường. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này…

Huyện Đại Lộc là địa phương có số lượng mỏ cát được cấp phép nhiều nhất tại tỉnh Quảng Nam với 19 mỏ, trong đó có 13 mỏ đang hoạt động, 6 mỏ chưa đủ điều kiện hoạt động. Ngay khu vực cầu Hà Nha, trên đoạn sông Vu Gia chưa đến 1km đã có 4 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, gồm: Công ty Trường Lợi, Công ty Nguyên Thành Phát, Công ty Hồng Nguyên, Công ty Thành Sơn. 

“Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, ngành TN&MT huyện đã hỗ trợ các đơn vị chủ mỏ lắp đặt camera giám sát ngay tại khu vực mỏ, trong đó 4 công ty khai thác cát tại khu vực cầu Hà Nha”, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết. 

Theo ông Mẫn, các mỏ cát trên địa bàn đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, thuê lao động địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động năm 2017 tại các mỏ này còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế khi một số chủ mỏ khai thác sai vị trí, độ sâu cho phép dẫn đến tình trạng sạt lở; tình hình ANTT tại khu vực mỏ phức tạp; trong quá trình vận chuyển, môi trường chưa đảm bảo, nước, cát vẫn còn rơi vãi trên đường, thậm chí giờ vận chuyển cũng chưa được các đơn vị vận tải tuân thủ nghiêm. 

Camera được lắp đặt tại một mỏ khai thác cát ở huyện Đại Lộc.

UBND huyện Đại Lộc đã giao Phòng TN&MT, Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các mỏ trên địa bàn, nếu phát hiện mỏ có dấu hiệu vi phạm thì lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời nghiên cứu thành lập tổ tăng cường công tác giám sát liên ngành do Phòng TN&MT huyện làm chủ công. 

Về lắp đặt camera, hiện các mỏ đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera ngay tại mỏ, camera hoạt động 24/24h. Phòng TN&MT sẽ kiểm tra cụ thể, cuối tháng 1-2018 báo cáo UBND huyện. Việc lắp đặt camera tại khu vực mỏ sẽ giúp quản lý khối lượng thực tế khai thác cát hiện nay, ngoài ra huyện Đại Lộc cũng yêu cầu các chủ mỏ có sổ sách cập nhật hằng ngày số lượng sản phẩm, in hóa đơn theo hướng dẫn của ngành Thuế nhằm tránh thất thoát tài nguyên; trên đường vận chuyển sản phẩm tiêu thụ mà không có hóa đơn xuất bán thì Công an phát hiện được sẽ xử lý nghiêm. 

“Trong năm 2018, các chủ mỏ sẽ thực hiện ký cam kết với huyện về việc khai thác mỏ đúng các quy định, quy trình khai thác mỏ, quy trình vận chuyển… Quá trình thực hiện, đơn vị nào xảy ra sai phạm, không đúng cam kết thì kiên quyết xử lý nghiêm”, ông Mẫn khẳng định.

Thiếu tá Mai Thanh Tâm, Phó Trưởng Công an huyện Đại Lộc, chia sẻ, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên phối kết hợp với các lực lượng chức năng khác kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp khai thác mỏ không trong vị trí cấp phép; xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về môi trường, vận chuyển cát rơi vãi. 

Một thực tế đang diễn ra tại huyện Đại Lộc là có mỏ cát được chuyển nhượng tràn lan. Thậm chí có thông tin cho rằng xuất hiện tình trạng xã hội đen nhảy vào đòi “bảo kê” hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn chứ chưa có chứng cứ xác thực. 

Về phía lực lượng Công an, kiên quyết không để nạn xã hội đen “bảo kê” các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng khuyến cáo các chủ mỏ không mua cát của các đối tượng hút trộm để tiến tới đẩy lùi nạn “cát tặc”…

Ngọc Thi
.
.
.