Nông dân hoang mang vì ghe hút cát uy hiếp “chiếm” đất canh tác

Thứ Sáu, 30/09/2016, 17:41
Mỗi ngày, hàng chục chiếc ghe có sức chứa trên 90m3 thi nhau “càn vét”, tận hút cát khiến dọc bờ sông Thu Bồn bị xói lở nghiêm trọng. Vì lo ngại đất canh tác bị xói lở “chiếm dần”, nhiều nông dân đã buộc phải “đối đầu”, xua đuổi các ghe hút cát này…

 

Nhiều ngày qua tại hai thôn Văn Ly và Phú Tây (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra cuộc “đấu đầu” giữa hàng chục hộ dân có đất canh tác tại dọc sông Thu Bồn và những chủ ghe hút cát của một công ty tư nhân đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép.

Theo phản ảnh của người dân thôn Văn Ly và Phú Tây thì, mặc dù biết việc tập trung đông người, quá khích đối đầu qua lại giữa người dân và các ghe hút cát gây ảnh hưởng đến ANTT của địa phương. Nhưng do họ quá bức xúc vì từ 5-7h sáng mỗi ngày, có đến hàng chục chiếc ghe hút cát có sức chứa từ 90m3 trở lên của Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Gia Lộc (Cty Gia Lộc) ở các nơi kéo đến quần đảo dọc bờ sông Thu Bồn.

Các ghe này vì lợi nhuận, đã bất chấp việc khai thác gây ảnh hưởng, sạt lở nghiêm trọng và đe dọa chiếm đất canh tác của các hộ nông dân sinh sống quanh khu vực chỉ vì mục đích  tận thu.

Vì quá bức xúc với những ghe hút cát ảnh hưởng đến đất hoa màu hàng chục hộ nông dân ở thôn Văn Ly đã kéo ra bờ sông “đối đầu” với các chủ ghe.

Cũng theo người dân ở thôn Văn Ly phản ánh, “trong quá trình hút cát, có 1 ghe nhỏ của Cty Gia Lộc đi thu mỗi ghe 1 triệu đồng. Với hàng chục ghe hút mỗi ngày, ước tính mỗi ngày Cty Gia Lộc thu hàng chục triệu đồng”.

Trước khi các ghe đến đây hút cát, người dân không được xã thông báo, không được mời họp… Và: “Không biết là họ khai thác có phép hay không phép nhưng hàng chục chiếc ghe đến hút cát sẽ làm tụt đất sản xuất của thôn nên người dân ở đây rất bức xúc”.

Sự việc xảy ra đỉnh điểm vào sáng sớm ngày 27-9, tuy dân cản, nhưng các ghe vẫn tiếp tục hút cát. Các chủ ghe còn tỏ ra thách đố, chửi bới người dân nên hai bên xảy ra mâu thuẫn… Để đảm bảo ANTT của địa phương và tránh sự quá khích này, chính quyền địa phương, lực lượng Công an xã phải đến hiện trường ngăn cản và vận động người dân bình tĩnh, một người dân cho hay.

Học bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua thôn Phú Tây bị sạt lở rất nặng do tình trạng “tận thu” khai thác cát của các ghe hút có sức chứa mỗi ghe trên 90m3 mỗi lần

Được biết, từ nhiều năm qua để bảo vệ bờ sông khỏi sạt lở, người dân trong thôn vận động mua cây bói về trồng. Việc trồng cây bói có tác dụng giữ đất rất tốt nhưng nay phía ngoài sông, hàng chục chiếc ghe ồ ạt hút cát khiến cho người dân mất ăn, mất ngủ vì lo sợ hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp sẽ bị “hà bá” nuốt.

Không chỉ ở thôn Văn Ly, cũng trên một nhánh sông cách một quãng là thôn Phú Tây. Dọc bờ sông Thu Bồn là cảnh sạt lở nghiêm trọng kéo dài hàng chục mét.

Người dân cho hay, trước đây bờ sông nằm cách ngoài sông trên 100m, mấy năm gần đây sạt lở hết đất sản xuất của người dân. Một trong những nguyên nhân làm cho đoạn sông Thu Bồn qua thôn sạt lở nặng, mà nguyên nhân chính là do tình trạng khai thác cát trên sông gây ra.

Trao đổi về vụ việc phản ánh của người dân hai thôn Phú Tây và Văn Ly, ông Hà Văn Minh – Phó Chủ tịch xã Điện Quang – cho biết: Mỏ cát ở thôn Văn Ly và Phú Tây đã được tỉnh Quảng Nam cấp phép tháng 8/2015. Công ty khai thác này đã có quyết định của tỉnh cấp phép. Người dân do sợ vấn đề sạt lở nên bức xúc. Nếu xã cảm thấy khả năng gây sạt lở và dân đề xuất thì làm đơn, trên cơ sở đó xã sẽ đề nghị cấp trên xem xét lại. Dân họ lo ngại cũng đúng”, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, trước khi cấp phép, các cơ quan chức năng đã kiểm tra rà soát mới cấp phép theo quy trình. Trước đó cũng đã họp dân thông báo. Về vấn đề bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Phú Tây sạt lở, ông Minh cho hay bờ sông đã bị sạt lở trước đây nhiều năm do mưa lũ chứ hoàn toàn không do liên quan đến việc Cty Gia Lộc khai thác cát, vì đơn vị này mới khai thác cách đây 1 năm?!. Ông Minh cũng cho rằng vấn đề sạt lở bờ sông thôn Phú Tây chỉ có xây kè mới hết sạt...

 Những cuộc “đối đầu”, bức xúc của người dân và các chủ ghe hút cát dọc sông Thu Bồn vẫn chưa có hồi kết. Nên chăng, chính quyền địa phương, các ngành chức năng khi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoán sản cần phải thường xuyên giám sát, có biện pháp kiểm tra thật chặt chẽ để tránh tình trạng “tận thu”. Hoạt động khai thác cát còn phải gắn với bảo vệ môi trường, không để xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phá vỡ cảnh quang, môi trường và đời sống của người dân. Đó là điều mà dư luận, hàng trăm hộ nông dân mong mỏi từ doanh nghiệp khai thác khoán sản và các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam.

Hoài Thu
.
.
.