Ô nhiễm nghiêm trọng ở làng nghề Văn Môn, tỉnh Bắc Ninh

Thứ Năm, 14/07/2016, 08:49
Những cột khói lúc đen sì, lúc trắng đục bốc cuồn cuộn lên trời xanh rồi tỏa xuống khu dân cư ở vùng giáp ranh Hà Nội – Bắc Ninh. Từng cuộn khói độc hại ấy liên tục xuất hiện như “bức tử” làng quê thanh bình.

Đêm đến, ngọn lửa như thiêu đốt, sáng rực một góc trời cùng khói, bụi. Người dân huyện Đông Anh, Hà Nội bị ám ảnh bởi những cuộn khói dày đặc và cả thứ mùi vô cùng khủng khiếp bao trùm toàn bộ không khí của cả một vùng quê.

Đêm 3-7, cuộc điện thoại của Tiến sỹ Nguyễn Vũ, công dân làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội khiến tôi bật dậy: “Họ lại đốt phế liệu rồi!”. Gần 24h, tôi có mặt tại khu vực tập kết rác phế liệu ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Bãi tập kết này nằm giáp ranh giữa địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đứng từ trong làng Thụy Lôi phóng tầm mắt ra cánh đồng đen kịt là thấy ngay ngọn lửa đang rừng rực ở phía xa. Trong màn đêm tôi vẫn nhìn thấy những đám khói màu trắng đục cuốn dần lên trời, phả ra không trung một thứ mùi khét khét, nồng nồng vô cùng khó chịu.

Tiến vào tận khu đốt rác nằm trên địa phận thôn Quan Độ, chúng tôi cảm nhận được sức nóng của ngọn lửa và đám tro vẫn đỏ rực giữa đêm tối. Vật liệu cháy đều là cao su, nhựa, là vỏ của các thiết bị điện, dây cáp… Khi chúng tôi rời bãi rác, lửa vẫn đỏ, khói vẫn bốc, còn người dân sống ở khu vực xung quanh thì vẫn say sưa giấc nồng và bất đắc dĩ phải thở bằng thứ không khí vô cùng độc hại đó.

Bãi phế thải toàn dây cáp điện ở thôn Quan Độ bị đốt trộm hằng đêm.

Hôm sau, tôi quay lại bãi chứa phế thải trên và chứng kiến dấu tích đen sì của những lần đốt rác liên tiếp. Cạnh đó có những chiếc container bỏ không và cả những bãi phế liệu chất đầy khu vực giáp ranh. 

Người dân khu vực thôn Thụy Lôi cho biết: “Từ nhiều năm nay chúng tôi đã phải hít khói bụi ô nhiễm này rồi. Thôn Biểu Khê, Mạnh Tân (xã Thụy Lâm), thôn Vân Điềm (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) cũng đang chịu cảnh tương tự”.

Nhiều chục năm nay làng Quan Độ thu gom, tái chế phế thải đều là rác công nghiệp nên thứ phế thải của phế thải ấy đã tác động đến cả những người dân không phải ở làng nghề từ nhiều năm nay.

Tiến sỹ Nguyễn Vũ là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vật liệu của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Ông cho biết: “Việc đốt phế thải này sẽ thải ra chất dioxin vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó furan, SO2, HCl, cũng như bụi kim loại nặng nguy hiểm (chì, cadimi), chúng có nguy cơ gây ung thư cao. Mặc dù lượng dioxin có thể chưa nhiều để dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp ngay, nhưng về lâu dài thì rất đáng ngại, đặc biệt là cho thế hệ con cháu sau này. Chỉ riêng người dân thôn Thụy Lôi đã có khoảng 10.000 người, chưa kể các thôn Biểu Khê, Vân Điềm, Mạnh Tân…”.

Để có tác động mạnh hơn nhằm giải cứu môi trường và sức khỏe của người dân, Tiến sỹ Nguyễn Vũ cùng một nhóm thế hệ cựu sinh viên trong thôn đã thu thập được chữ ký của hơn 1.200 người dân ký vào đơn kêu cứu.

Bác Trần Văn Trọng ở Khu 7, xã Thụy Lâm bức xúc nói: “Khu 7 ở cách bãi rác khoảng 1 cây số nhưng ngày nào có gió Đông Nam thổi khói về là chúng tôi cũng “hưởng” cả. Cứ khi nào ở đó đốt rác là chúng tôi nhà nào nhà ấy đều phải đóng cửa”. Bác Trọng cũng như nhiều người dân khác lo lắng cho sức khỏe của mọi người trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ.

Rác thải công nghiệp chất xung quanh làng Quan Độ.

Làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác phế thải ở thôn Quan Độ, tỉnh Bắc Ninh gây ra. Ông Tửu cho biết, xã đã có văn bản trao đổi, đề nghị và làm việc với lãnh đạo xã Văn Môn kiểm soát việc đốt rác thải ở bãi rác Quan Độ nhưng chưa hiệu quả.

Đầu tháng 6 vừa qua, UBND xã Thụy Lâm lại tiếp tục có Công văn số 59/CV-UBND gửi UBND huyện Đông Anh, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội); UBND huyện Yên Phong, Công an huyện Yên Phong, UBND xã Văn Môn (tỉnh Bắc Ninh) đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường do bãi phế thải gây ra. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Văn Môn, chúng tôi được biết, việc xử lý bãi rác này vô cùng khó khăn.

Nếu không đốt thì rác chất thành núi. Ngoài ra, người làng nghề còn có cả việc đốt dây điện, dây cáp để lấy đồng. Việc đốt thứ rác thải công nghiệp độc hại ấy được diễn ra lén lút, bất chấp ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Và, quá trình tìm hiểu thực tế từ phản ánh của bà con xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, chúng tôi còn phát hiện ra nhiều điều đáng sợ hơn thế.


Việt Hà
.
.
.