Công trình bỏ hoang, người dân khát

Thứ Tư, 30/07/2008, 15:22
Đắk Nông đã được đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung theo Chương trình 134, nhằm cải thiện điều kiện sống cho nhân dân. Nhưng một loạt các công trình này vừa hoàn thành đã bị bỏ hoang, trong khi người dân vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Công trình nước sinh hoạt ở ngay trung tâm buôn Bu Đach, xã Đắk RTích, huyện Tuy Đức, bên cạnh nhà văn hoá cộng đồng, mà cỏ dại mọc um tùm, dây leo rủ từng chùm từ trên đài nước. Công trình hoàn thành từ năm 2005, nhưng hơn 100 hộ dân ở đây đến nay vẫn chưa một ngày được dùng nước sạch.

Ông Điểu Phơi ở buôn Bu Đach cho biết: "Từ khi xây dựng xong thì công trình không cung cấp được nước cho bà con sử dụng. Vì hư hỏng, rồi thiếu điện, và giếng thì không đảm bảo".

Không riêng gì công trình này, mà tất cả các công trình nước sạch tập trung ở xã Đắk RTích đều chung cảnh ngộ. Bà Ngô Thị Thanh Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk RTích giãi bày: 7 công trình, cái thì nước không thể sử dụng, cái thì hoạt động cầm chừng được vài tháng, cái thì không có điện. Xã chỉ biết đề nghị với huyện, với các ngành chức năng, chờ kế hoạch sửa chữa, cải tạo những công trình này.

Ở vùng sâu vùng xa đã vậy, còn ngay tại thị xã Gia Nghĩa, cũng có những công trình nước sạch tập trung bị bỏ hoang. Điển hình như công trình ở buôn N'Riêng (xã Đắk Nia), xây dựng năm 2005, nhưng chỉ dùng được vài tháng đã hết nước.

Ngay sau đó, đơn vị thi công đã khoan giếng sâu thêm 30 mét, mà nguồn nước vẫn không có. Vậy là công trình trị giá gần nửa tỷ đồng bị biến thành phế liệu. Hiện dân làng N'Riêng phải gùi nước suối ở xa về dùng.

Còn công trình của buôn Tinh Nguyên Đăm, có nước mà chưa được kéo điện để sử dụng. Một thời gian, bà con dùng máy nổ để vận hành, và phải trả tiền nước với giá 5 ngàn đồng/mét khối. Khi giá xăng dầu tăng, chi phí tăng cao, công trình này đành ngừng hoạt động.

Ông Phạm Văn Luyến - Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết, xác định được tầm quan trọng của nguồn nước đối với bà con, xã đã tìm mọi cách cố gắng khắc phục để dân có nước. Dù vậy, địa phương vẫn còn 3 công trình nằm không.

Ở huyện vùng sâu Krông Nô, nguồn nước không thiếu, mà 14 công trình nước sạch tập trung cũng phải đắp chiếu. Chỉ vì một lý do tưởng đơn giản mà đang làm đau đầu các nhà quản lý của địa phương.

Ông Phạm Tường Độ - Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, đồng hồ mắc đến nhà rồi, nước bơm lên rồi, nhưng bây giờ cái tổ vận hành dùng nước này thì bà con chưa ý thức được, nhất là ở các bon, không chịu đóng tiền điện; không lẽ chờ Nhà nước bao cấp nữa? Tập huấn cho họ bài bản rồi, nhưng như thế này thì làm sao; chỉ còn các đoàn thể vận động liên tục, họp thôn cứ nói miết, nhưng mà khó lắm.

Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 180 công trình nước sạch tập trung quy mô nhỏ. Đa số các công trình này được đầu tư theo Chương trình 134 của Chính phủ.

Hiệu quả của các công trình này đến đâu, chưa đơn vị nào ở Đắk Nông có một báo cáo chính thức. Chỉ có một thực tế là, đi đến vùng nào ở Đắk Nông, người ta cũng dễ dàng thấy cảnh công trình nước sạch bỏ không, trong khi người dân phải "cõng" nước từ suối về sinh hoạt.

Nhìn lại quy trình này, có thể thấy vì sao nhiều công trình nước sạch tập trung ở Đắk Nông không phát huy hiệu quả. Ông Tạ Đức Trác - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, hầu hết các công trình nước sạch đầu tư theo Chương trình 134 trên địa bàn, các đơn vị chủ đầu tư đều không làm đúng thủ tục để được cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước ngầm theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Mãi đến cuối năm 2007, sau khi tổ chức kiểm tra, xử phạt một số công trình, Sở mới nhận được một vài hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác các giếng nước ngầm. Điều này giải thích vì sao, nhiều công trình nước sạch tập trung vừa xây xong đã không có nước, hoặc nước không thể sử dụng vì bị ô nhiễm.

Khi hoàn thành công trình, đơn vị thi công cùng với chủ đầu tư là Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, Ban quản lý dự án của các huyện, đã nhanh chóng bàn giao để thanh quyết toán giá trị xây dựng. Công trình được giao cho chính quyền các xã tổ chức cho dân quản lý, sử dụng, mà chưa có sự chuẩn bị về con người cũng như kiến thức vận hành, khai thác.

Và đối với những người hưởng lợi từ công trình, những người dân nghèo vốn chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, cũng không biết mình phải trả tiền cho nguồn nước sạch. Việc nhiều công trình nước sạch tập trung ở Đắk Nông không phát huy hiệu quả, không những không giúp được người dân cải thiện điều kiện sống, mà còn ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình 134.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan ở tỉnh Đắk Nông cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này, để lấy lại niềm tin của nhân dân

Gia Bảo
.
.
.