Tin thêm về vụ tranh chấp thương mại tại Công ty CP nước khoáng Thanh Thủy

Thứ Bảy, 16/04/2016, 08:21
Ngày 12-4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử vụ kiện dân sự tranh chấp thương mại giữa các cổ đông Công ty CP nước khoáng Thanh Thủy (Công ty Thanh Thủy). Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, nhiều vấn đề tranh chấp chưa được giải quyết.


Nguyên đơn trình bày “tiền hậu bất nhất”

Như Báo CAND đã đưa tin, Công ty Thanh Thủy được thành lập từ năm 2010 do 3 cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH Sông Thao, ông Nguyễn Xuân Tiền và ông Đặng Đức Truyền. Ông Nguyễn Xuân Tiền góp vốn gần 3,5 tỷ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ) – là Giám đốc Công ty Thanh Thủy; Công ty Sông Thao góp 3,672 tỷ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ) bao gồm mặt bằng sản xuất 10.455m2 đất và tài sản trên đất; ông Đặng Đức Truyền góp hơn 1,7 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ) bằng công nghệ xử lý nước khoáng.

Nhà máy nước khoáng Thanh Thủy được xây dựng trên đất Công ty Sông Thao được giao làm Dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng. Quá trình triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động, giữa các cổ đông của Công ty Thanh Thủy đã phát sinh tranh chấp khiến nhà máy ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm.

Sản phẩm của Công ty nước khoáng Thanh Thủy bị tồn kho do tranh chấp giữa các cổ đông trong công ty.

Năm 2015, Công ty Thanh Thủy đại hội cổ đông và tăng vốn điều lệ, công bố phát hành cổ phần. Tuy nhiên, Công ty Sông Thao không tham gia đại hội cổ đông, nhiều lần không tham gia vào các cuộc họp của Công ty Thanh Thủy nên đã bị khai trừ ra khỏi Hội đồng quản trị. 

Cho rằng việc làm đó ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, ông Nguyễn Văn Sim đại diện Công ty Sông Thao đã khởi kiện Công ty Thanh Thủy ra TAND tỉnh Phú Thọ, yêu cầu Công ty Thanh Thủy phải di chuyển nhà máy, yêu cầu Công ty Thanh Thủy nộp tiền thuê đất, giải quyết vấn đề tài sản…

Ngày 22-3, TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp giữa các cổ đông, tuy nhiên phiên tòa phải hoãn để Hội đồng xét xử xác minh thêm chứng cứ.

Ngày 12-4, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử vụ tranh chấp này. Trong thời gian hoãn phiên tòa, ông Sim có đơn gửi Tòa xin rút yêu cầu khởi kiện thứ 4 là không đòi nộp tiền thuê đất của Công ty Thanh Thủy.

Trước tòa, ông Sim vẫn khẳng định Công ty Thanh Thủy xây dựng nhà máy trái phép trên đất thuộc quyền sở hữu của Công ty Sông Thao và yêu cầu Công ty Thanh Thủy phải dỡ bỏ nhà máy trả đất cho Công ty Sông Thao.

Ông Tiền bức xúc: “Ngay từ ban đầu Công ty Sông Thao tự nguyện góp 3,672 tỷ đồng (40% vốn điều lệ) là giá trị của mặt bằng sản xuất 10.455m2, nay là nhà máy sản xuất của Công ty Thanh Thủy. Việc kiện Công ty Thanh Thủy chiếm giữ trái phép là vô lý. Không phải bỗng dưng mà có một nhà máy đóng chai nước khoáng trên đất Công ty Sông Thao được giao làm dự án. Việc xây dựng nhà máy là cả một quá trình”.

Tranh luận về việc tiến hành các thủ tục như gửi giấy mời họp đại hội cổ đông để thay đổi vốn điều lệ cũng diễn ra khá gay gắt. Ông Sim trình bày “tiền hậu bất nhất”, lúc bảo không nhận được, lúc lại thừa nhận khi nói rằng Công ty Thanh Thủy không gửi kèm tài liệu. 

Khi nói đến Biên bản thỏa thuận số 01 năm 2010 là căn cứ góp vốn hợp tác, lúc đầu ông Sim nói rằng không biết ông Tiền lấy văn bản đó ở đâu ra, nhưng sau đó chính ông Sim lại thừa nhận có bản thỏa thuận này. Trong khi đó, Hội đồng xét xử đã công nhận Biên bản thỏa thuận số 01 là cơ sở, là tiền đề để hai bên có các hợp đồng tiếp theo.

Bài học trong hợp tác đầu tư   

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Sông Thao đối với Công ty Thanh Thủy, xác nhận diện tích đất 10.455m2 thuộc quyền sử dụng của Công ty Sông Thao và cho rằng đây không phải là cổ phần đóng góp của Công ty Sông Thao vào Công ty Thanh Thủy.

Đối với phần góp vốn của ông Đặng Đức Truyền (20%) là công nghệ lọc nước khoáng, Hội đồng xét xử cho rằng chưa có căn cứ khẳng định ông Truyền là chủ sở hữu hợp pháp đối với công nghệ xử lý nước khoáng vì ông Truyền chưa được cấp bằng sở hữu trí tuệ. Vì thế ông Truyền đã mất tư cách thành viên góp vốn.

Hội đồng xét xử cho rằng trước Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2, ông Tiền gửi giấy mời và có chữ ký của người nhận, xét về thực tế là ông Tiền có mời Công ty Sông Thao đến họp nhưng chưa đầy đủ quy định (ví dụ phải gửi thông báo, thông báo có dấu đảm bảo hoặc kèm trang thông tin điện tử và nội dung cuộc họp…).

Tòa cho rằng Công ty Sông Thao chưa đủ điều kiện để thay đổi vốn điều lệ nên tuyên hủy kết quả Hội đồng quản trị ngày 22-6-2015 và Biên bản họp đại hội cổ đông của Công ty Thanh Thủy, yêu cầu Công ty Thanh Thủy tổ chức lại đại hội cổ đông.

Đối với phần đề nghị giải quyết về tài sản, do các bên chưa chứng minh được số vốn đóng góp, chưa xác định được vị trí pháp lý của từng thành viên trong công ty nên Hội đồng xét xử tách ra, đề nghị các đương sự tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có đơn đề nghị giải quyết trong một vụ án khác.

Kết thúc xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Xuân Tiền cho biết ông sẽ có đơn kháng cáo. Trên thực tế ông Tiền đã đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng nhà máy, ông Truyền cũng đã bàn giao công nghệ lọc nước thì nhà máy mới có thể hoạt động và bán sản phẩm ra thị trường, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nhiều năm qua. Bởi vậy việc tòa tuyên bố ông Truyền mất tư cách thành viên góp vốn là chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông Truyền.

Bên cạnh đó, trong việc định giá tài sản xây dựng công trình thì đã có kết quả kiểm toán và kiểm định chất lượng công trình hợp pháp. Đây có thể coi là căn cứ để xác định giá trị góp vốn của các thành viên trong Công ty Thanh Thủy nhưng chưa được xét đến trong phiên tòa sơ thẩm này. Báo CAND sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc trên.

Việt Hà
.
.
.