TAND tỉnh Phú Thọ xử vụ tranh chấp tại Công ty cổ phần nước khoáng Thanh Thủy:

Dư luận chờ một bản án hợp tình, hợp lý

Thứ Sáu, 25/03/2016, 07:56
Ngày 22-3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ tiến hành xét xử vụ án dân sự từ đơn khởi kiện của Công ty TNHH Sông Thao – một cổ đông của Công ty cổ phần Nước khoáng Thanh Thủy.

Báo CAND đã có bài phản ánh về tranh chấp giữa các cổ đông của Công ty cổ phần Nước khoáng Thanh Thủy (Công ty Thanh Thủy) có trụ sở tại thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Vụ tranh chấp kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà máy sản xuất nước khoáng và người lao động tại địa phương. Ngày 22-3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ tiến hành xét xử vụ án dân sự từ đơn khởi kiện của Công ty TNHH Sông Thao – một cổ đông của Công ty Thanh Thủy.

Tranh cãi quanh vấn đề “vốn góp”

Công ty Thanh Thủy được thành lập từ năm 2010 do 3 cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH Sông Thao, ông Nguyễn Xuân Tiền và ông Đặng Đức Truyền. Ông Nguyễn Xuân Tiền góp vốn gần 3,5 tỷ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ) – là Giám đốc Công ty Thanh Thủy; Công ty Sông Thao góp 3,672 tỷ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ) bao gồm mặt bằng sản xuất 10.455m2 đất và tài sản trên đất; ông Đặng Đức Truyền góp hơn 1,7 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ) bằng công nghệ xử lý nước khoáng. 

Nhà máy Nước khoáng Thanh Thủy được xây dựng trên đất Công ty Sông Thao được giao làm “Dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng”. Trong quá trình triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động, giữa các cổ đông của Công ty Thanh Thủy đã phát sinh tranh chấp. Nhà máy không được đầu tư đến nơi đến chốn, hoạt động cầm chừng, thậm chí còn phát sinh những sự việc như Công ty Sông Thao cắt điện, cắt nước, khóa cổng ra vào của Nhà máy Thanh Thủy…

Dây chuyền nước khoáng đóng chai của Công ty Thanh Thủy hoạt động cầm chừng do tranh chấp giữa các cổ đông.

Trước Tòa, ông Nguyễn Văn Sim, Giám đốc Công ty TNHH Sông Thao (Công ty Sông Thao) trình bày những căn cứ khởi kiện: “Ông Nguyễn Xuân Tiền kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cụ thể là ông Tiền kê khai không đúng trụ sở chính của công ty. Ông Tiền kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ vốn điều lệ như đăng ký, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Việc góp vốn của ông Đặng Đức Truyền bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghiệp, kỹ thuật về công nghệ lọc nước chưa được thực hiện”. 

Ngoài ra ông Sim còn cho rằng ông Nguyễn Xuân Tiền đã chiếm giữ trái phép quyền sử dụng đất của Công ty Sông Thao tại khu 4, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy từ năm 2011 đến nay: “Trong thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty Thanh Thủy, Công ty Sông Thao không góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà chỉ góp vốn tài sản gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp, xây dựng tường bao, giá trị cây xanh trên đất, hệ thống đường nước, đường điện trạm biến áp, các chi phí khác trên khu đất 10.455m2 và 50% quyền khai thác nước khoáng theo giấy phép của Bộ Tài nguyên Môi trường”.

Với những lý do trên, ông Sim đề nghị TAND tỉnh Phú Thọ buộc ông Tiền phải làm lại hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, di dời Công ty Thanh Thủy để trả lại toàn bộ diện tích 10.455m2; hủy bỏ kết quả họp Hội đồng quản trị ngày 22-6-2015, Nghị quyết Đại hội cổ đông, các văn bản kèm theo cuộc họp và việc bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ; bồi thường thiệt hại cho Công ty Sông Thao và trả tiền thuê đất cho Công ty Sông Thao 5 năm ước tính hơn 13,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước Tòa, ông Nguyễn Xuân Tiền khẳng định, việc khai địa chỉ công ty là căn cứ vào các tài liệu do chính Công ty Sông Thao đưa ra. Vấn đề góp vốn, ông Tiền đưa ra chứng cứ được thể hiện trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01 ký năm 2010: “Khoản 2.1.2 điều 2, tài sản Công ty Sông Thao góp vốn gồm: Quyền thuê đất trên diện tích 10,455m2, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp… Khoản 9, điều 9: sau thời hạn tối đa 12 tháng kể từ này công ty được thành lập, Công ty Sông Thao phải tiến hành các thủ tục pháp lý để Công ty nước khoáng trực tiếp thuê diện tích đất có tài sản góp vốn nói trên với UBND tỉnh Phú Thọ”. 

Ông Tiền cho biết, trong thời gian xây dựng nhà máy, ông Sim chỉ tham gia 3/20 cuộc họp mặc dù có nhận được giấy mời họp. Quy trình tăng vốn, phát hành thêm cổ phần của Công ty Thanh Thủy theo đúng điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp do nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Thanh Thủy cũng đã gửi thông báo tới Công ty Sông Thao về lượng cổ phiếu được mua lần 2 nhưng Công ty Sông Thao không mua. 

Ông Tiền cũng khẳng định Công ty Sông Thao đòi tiền thuê đất là không có căn cứ vì Công ty Sông Thao góp vốn bằng tài sản đó thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. “Nếu Công ty Thanh Thủy là chủ sở hữu thì Công ty Thanh Thủy sẵn sàng nộp tiền thuê đất cho Nhà nước”, ông Tiền nói.      

Cùng quan điểm với ông Tiền, ông Đặng Đức Truyền cho rằng Công ty Sông Thao yêu cầu Công ty Thanh Thủy rời nhà máy khỏi khu đất 10.455m2 là không đúng với các thỏa thuận đã ký.

Người lao động cần cơ hội việc làm

Tại Tòa, ông Nguyễn Văn Tiền cho rằng, ông Nguyễn Văn Sim, Giám đốc Công ty Sông Thao kêu gọi hợp tác với các cổ đông khác để thành lập Công ty Thanh Thủy với mục đích chính là lấy lý do để tỉnh Phú Thọ không thu hồi đất dự án sử dụng không hiệu quả chứ không phải để phát huy hiệu quả kinh doanh. Vì thế khi nhà máy xây dựng xong, Công ty Sông Thao không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Thanh Thủy, không góp vốn tiếp đợt 2 và cũng không tham gia họp Đại hội đồng cổ đông khiến Công ty Thanh Thủy lâm vào khó khăn.

Tại phiên tòa, Thẩm phán đã thống nhất tên gọi của địa điểm đặt nhà máy nước khoáng và khẳng định đã xác định được tài sản tranh chấp. Còn những vấn đề khác, Hội đồng xét xử thống nhất hoãn phiên tòa theo đề nghị của Viện Kiểm sát để xác minh thêm chứng cứ. Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 12-4.

Vụ việc tranh chấp giữa các cổ đông Công ty Thanh Thủy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà máy, dây chuyền sản xuất đình trệ, công nhân thất nghiệp, lãng phí tài nguyên nước, lãng phí lao động… gây mất ổn định môi trường đầu tư ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. 

Người nông dân nơi đây phải chuyển nghề, giao đất để Công ty Sông Thao thực hiện dự án, họ bức xúc khi suốt thời gian dài nhiều diện tích vẫn để cỏ mọc. Khi nhà máy nước khoáng hoạt động, họ đã vui mừng vì nhà máy mang lại việc làm cho nhiều cư dân địa phương. Bởi vậy, dư luận rất mong chờ một bản án hợp tình, hợp lý, để người lao động có cơ hội việc làm, phát triển kinh tế.

Việt Hà
.
.
.