Nhiều sinh viên bị sập bẫy đầu tư tiền ảo Daycoin

Thứ Tư, 13/03/2019, 08:42
Ngày 12-3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo bị lừa đảo qua hình thức mở tài khoản đầu tư đồng tiền ảo Daycoin. Hầu hết nạn nhân là sinh viên, hoặc mới tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm, bị các đối tượng xấu “gài bẫy” khi liên hệ tìm việc làm trên mạng...

Theo phản ảnh của N. (24 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), tháng 3-2018, N. tìm gặp Vy là người đăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trên một fanpage về lao động, việc làm, tại tầng 2 một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Đà Nẵng. Vy chỉ hơn N. chừng 2-3 tuổi.

Vừa ngồi xuống ghế, Vy đã nói ngay đang cần tuyển nhân viên chăm sóc khách hàng cho một doanh nghiệp lớn từ châu Âu, với mức lương thử việc mỗi tháng 4,5 triệu đồng. Công việc cụ thể là giới thiệu, kết nối và hỗ trợ “các nhà đầu tư đồng tiền kỹ thuật số Daycoin”. Vy chụp hình CMND của N. và yêu cầu nộp 150 nghìn đồng chi phí để mở tài khoản và “thẻ ID”, đồng thời cho biết tất cả các khoản lương, thưởng của N. sẽ được công ty trả qua tài khoản này.

Tiền ảo Daycoin được giới thiệu trên mạng Internet.

Trong quá trình trò chuyện, Vy giới thiệu về mức sinh lợi hấp dẫn khi đầu tư Daycoin. Theo đó, nhà đầu tư sẽ nhận được lãi suất cố định lên đến 10% mỗi tháng và được quy đổi thành Daycoin và chuyển về ví tiền ảo, đầu tư đủ 6 tháng thì mới được rút 100% tiền gốc. Khi giới thiệu thêm người đầu tư mới thì được hưởng thêm hoa hồng bằng 10% giá trị đầu tư của khách hàng. Vy cũng kể về nhiều trường hợp mới bước đầu làm quen, nhưng đã thu lợi hàng chục đến hàng trăm triệu mỗi tháng một cách rất nhàn hạ nhờ đầu tư Daycoin.

Ham lợi, N. đưa thông tin cá nhân để Vy mở tài khoản ví ảo, sau đó về thuyết phục gia đình vay mượn, lấy tiền đưa mình đầu tư Daycoin. N. đã đưa tiền cho Vy nhiều lần để nộp vào “tài khoản đầu tư”, với gần 400 triệu đồng. Các lần đưa nhận tiền đều diễn ra ở các quán cà phê và không có giấy tờ biên nhận.

Trong khoảng thời gian mấy tháng vừa làm “nhân viên chăm sóc khách hàng, vừa đầu tư Daycoin, thực tế N. không được trả lương mà chỉ nhận được lãi 10% số tiền đầu tư và hoa hồng từ việc giới thiệu được một vài người tham gia hệ thống.

Tất cả số tiền này được quy đổi thành đồng Daycoin và thể hiện đầy đủ trên tài khoản tiền ảo của N., nhưng khi N. muốn quy đổi bằng tiền thật để rút ra trả nợ thì không được. Lúc này N. mới biết, muốn thu về tiền thật, phải tìm người mua tiền ảo và nhận tiền mặt; hoặc chuyển khoản từ họ. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, N. chỉ bán được một phần nhỏ tiền ảo cho những “nhà đầu tư” do chính mình giới thiệu.

Tương tự, anh L. cũng bị lôi kéo đầu tư Daycoin số tiền 175 triệu đồng, khi gặp “nhà tuyển dụng” có tên là Văn. May mắn hơn N. là khi nhờ Văn bán giúp được số tiền ảo, L. thu về 30 triệu đồng; số tiền còn lại “đông cứng” trong ví tiền ảo khi L. nhận ra sự thật phũ phàng của việc đầu tư Daycoin và bỏ việc…

Trong danh sách nạn nhân gửi đơn tố giác đã gửi tiền cho các “nhà tuyển dụng” để đầu tư Daycoin, còn có anh Tài (120 triệu đồng), anh Tuấn (158,5 triệu đồng), anh Huy (194 triệu đồng), chị Diệp (182,7 triệu đồng)... Nhiều sinh viên điều kiện gia đình khó khăn, khi liên hệ tìm việc làm qua mạng cũng trở thành con mồi mà các đối tượng xấu nhắm đến, với số tiền đầu tư vào Daycoin mỗi trường hợp mất vài chục triệu đồng. Theo Trung tá Nguyễn Đức Thành, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về công nghệ cao, thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng, những “nhà đầu tư” này muốn rút khỏi dự án tiền ảo Daycoin, nhưng chỉ có thể chuyển tiền trong tài khoản đầu tư về ví tiền ảo. Họ không thể rút được tiền mặt như lời hứa hẹn của những người giới thiệu và thuyết trình về dự án đầu tư Daycoin.

Xác minh cho thấy, các trường hợp tố cáo đều tự quản lý, sử dụng tài khoản đầu tư và ví tiền ảo của mình. Tiền lãi (bằng Daycoin), họ vẫn được nhận đầy đủ hằng tháng. Hiện nay, tiền ảo Daycoin trong tài khoản của họ vẫn còn nguyên.

Cơ quan Công an cũng đã xác minh một số người có vai trò lôi kéo các trường hợp có nhu cầu tìm việc làm đầu tư vào Daycoin như: Được, Văn (quê Bình Định), Pháp (quê Hội An, Quảng Nam). Trong số này có Được trước đây từng bị Công an Thanh Khê cảnh cáo về hành vi tương tự trên địa bàn quận. Cơ quan Công an cho biết, ngoài việc gây thiệt hại cho các nạn nhân thì hành vi trên còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn. Điều đáng nói, việc xử lý những đối tượng này hiện gặp trở ngại do chưa xác định được tội danh theo quy định của pháp luật.

Thực chất của việc đầu tư đồng tiền ảo Daycoin có nét tương đồng với việc bán hàng đa cấp. Với hình thức này, người đầu tư được hưởng tiền lãi, được trích ra từ tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Cách đầu tư này đánh vào tâm lý hám lợi của người tham gia mua tiền ảo. Phương thức giao dịch này có tính rủi ro rất lớn.

Vì bên mua thanh toán bằng tiền thật, còn bên bán lại bán ra thứ tiền ảo, không cầm nắm được, không được pháp luật công nhận là tiền tệ, không có giá trị thanh toán ngoài những người giao dịch tiền ảo với nhau. Nhà phát hành có dùng số tiền thu được từ việc bán tiền ảo để đầu tư, nâng cao giá trị hay không, không thể xác định được vì Nhà nước không thể kiểm soát.

Đáng chú ý, tuy được cho là có xuất xứ từ châu Âu nhưng hầu hết các thành viên tham gia những diễn đàn về Daycoin là người Việt Nam. Cũng như các đồng tiền kỹ thuật số khác, đồng Daycoin chỉ lưu giữ trên máy tính và mạng điện tử có mã số bảo mật. Mã số bảo mật này luôn luôn bị tấn công và có thể bị lộ, bị chiếm đoạt bởi những người giỏi về sử dụng máy tính. Hơn nữa, không xác định được nhà phát hành tiền ảo, giá trị ảo trên mạng còn có thể bị thay đổi bởi người sử dụng Internet ra lệnh sai về mã số. Tài khoản có thể bị mất, mà không có cơ quan chức năng nào bảo vệ, lợi ích của chủ thể là bên mua có thể bị xâm phạm, bị mất trắng.

Có thể khẳng định, Bitcoin, Daycoin cũng như tất cả các loại tiền kĩ thuật số đến nay không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, không phải là tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam. Pháp luật cũng chưa có quy định và chế tài xử lý việc đầu tư tiền ảo. Do đó việc đầu tư tiền ảo không được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, để tránh bị mất mát, thiệt hại, mỗi người dân phải có nhận thức đầy đủ về tiền ảo, biết tự bảo vệ chính mình.

Trước tình trạng nhiều sinh viên bị “dính bẫy” khi bị lôi kéo đầu tư tiền ảo hoặc mua bán hàng đa cấp, nhiều hội nhóm sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng như Đại học Kinh tế, Đại học Duy Tân... cũng đã xây dựng fanpage để thông tin, cảnh báo đối với sinh viên và những người tìm hiểu phương thức đầu tư này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sinh viên “sập bẫy” đầu tư đa cấp, đầu tư tiền ảo, chung quy là do tâm lý ham lợi, việc nhẹ lương cao…

Thân Lai
.
.
.