Nhiều sai phạm tại mỏ khai thác khoáng sản ở Bảo Lộc

Thứ Ba, 05/05/2020, 06:51
Suốt nhiều năm qua, người dân sinh sống gần mỏ khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc, thuộc tiểu khu 474, xã Đại Lào, TP  Bảo Lộc (Lâm Đồng) liên tục phản ánh tới các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường từ mỏ này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân.


Ông N. C (ngụ tại thôn 2, xã Đại Lào) cho biết, mỏ khai thác khoáng này tọa lạc ngay ở đầu nguồn một con suối, trên lưng chừng quả đồi cao. Vào mùa mưa, nước kèm theo một lượng lớn bùn đất đổ xuống phía dưới nên không thể phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Mùa nắng nước của dòng suối bị chặn từ đầu nguồn, gần như cạn kiệt, không có nước tưới tiêu cho vùng sản xuất nông nghiệp của bà con.

Theo người dân địa phương, trước khi Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc tiến hành khai thác cát, đá, cơ quan chức năng đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến. Tất cả người dân được mời tham gia buổi họp đều không đồng ý.

Khu vực khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc.

Đại diện UBND xã Đại Lào, TP Bảo Lộc cho biết: Trong cuộc họp, tất cả bà con đều phản đối và UBND xã cũng có văn bản nêu rõ quan điểm không đồng ý về báo cáo tác động môi trường vì khu vực khai thác của Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc là khu vực đầu nguồn, quá trình khai thác sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy bên dưới.

Trước đây, khu vực mỏ cũng từng được cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác cát. Tuy nhiên, do liên tục gây ô nhiễm dòng suối và bị người dân phản ứng nên khi hết hạn đơn vị trên đã sang nhượng lại phần đất của mình cho Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc.

Theo quan sát của PV Báo CAND, vị trí mỏ khai thác khoáng sản của doanh nghiệp này tọa lạc tại đầu nguồn một con suối và trên lưng chừng một quả đồi cao. Vào thời điểm PV có mặt, mặc dù chỉ được cấp phép khai thác đá chẻ và cát nhưng nhiều xe ben vẫn hối hả chở đất ra khỏi khu vực mỏ.

Theo hồ sơ đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, bùn từ các hồ lắng và rửa cát được nạo vét, tập kết tại sân phơi bùn để ngăn chặn việc chảy lan ra dòng suối và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực tế lượng bùn thải phát sinh bị doanh nghiệp đổ thải ngay tại khu bãi thải. Quá trình đổ thải, doanh nghiệp này đã để bùn đất tràn ra mép suối, gây ô nhiễm nguồn nước, bùn trào xuống gây bồi lắng dòng suối trong vực.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng, năm 2014, Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư với tên dự án “Trang trại chăn nuôi bò sữa và dê bách thảo”, tại tiểu khu 474, xã Đại Lào.

Quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện khai thác đá chẻ và cát làm vật liệu xây dựng, thời hạn 5 năm. Công suất khai thác cát 45.000m3/năm, đá chẻ 8.000m3/năm. Trước phản ánh của người dân, vừa qua Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc kiểm tra việc chấp hành Luật Đất đai, khoáng sản, môi trường của Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc và phát hiện hàng loạt sai phạm.

Cụ thể, trình tự khai thác, moong, vách moong khai thác không đúng với hồ sơ thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt; chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác theo quy định; chưa lập sổ sách, chứng từ, tài liệu về kỹ thuật làm căn cứ để xác định khối lượng khoáng sản khai thác thực tế. Khi mùa mưa đến, lượng nước lớn từ khu khai trường mỏ và mặt bằng sân công nghiệp chảy trực tiếp xuống các rãnh thoát, khe suối tự nhiên, gây xói mòn, cuốn trôi đất, cát làm ô nhiễm dòng chảy và khe suối trong khu vực.

Đặc biệt, tại hồ chứa nước thải phía Nam của khu mỏ, có một số vị trí kết cấu bờ bao không đảm bảo, khi mưa lớn có nguy cơ gây vỡ đê. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc còn không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định...

Điều đáng nói, hàng loạt sai phạm tại mỏ khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc đã xảy ra từ nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm, để doanh nghiệp trên tiếp tục tái phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đời sống dân sinh của người dân.

Khắc Lịch
.
.
.