Nhận diện “công ty ma” lừa xuất khẩu lao động

Thứ Ba, 19/03/2019, 08:59
Xuất khẩu lao động với mức lương cao là hy vọng của nhiều người để có thể đổi đời. Tuy vậy, vì thiếu thông tin, không ít trường hợp đã đăng ký xuất khẩu lao động nhưng không thông qua bất kỳ một tổ chức, cơ quan hợp pháp nào để được tư vấn, hỗ trợ.

“Mức lương cao, không yêu cầu chuyên môn, đóng tiền là có thể đi luôn...”, những quảng cáo như thế đã đánh trúng tâm lý của nhiều người nhưng đổi đời chưa thấy đâu, nhiều người lao động đã bị trúng bẫy của những kẻ lừa đảo.

Tiền mất tật mang

Xuất khẩu lao động là nguyện vọng chính đáng tuy nhiên có một thực tế hiện nay, rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động ở các vùng nông thôn đang thiếu thông tin về các công ty xuất khẩu lao động, thiếu thông tin về các chính sách, mức phí phải đóng, quy trình đi xuất khẩu lao động… rất dễ trở thành “mồi ngon” cho các đối tượng lừa đảo. Vấn đề đáng nói là việc lừa đảo xuất khẩu lao động không mới, nhưng bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, rất nhiều người vẫn bị “sập bẫy”.

Chỉ tính trong thời gian ngắn từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ lừa đảo xuất khẩu lao động đã bị lực lượng Công an phát hiện. Điển hình như ngày 15-3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng Nhữ Thị Nhàn (SN 1990) và Phạm Tuấn Anh (SN 1985), trú tại Thanh Hóa về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra, Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh sau khi đi lao động tại Nhật Bản về vào cuối năm 2017 đã thành lập Công ty CP Đào tạo du học và Xuất nhập khẩu lao động Hoàng Phát (có địa chỉ tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) và được cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản. Hai vợ chồng này đã tự câu kết với đầu mối khác để “môi giới” xuất khẩu lao động sang Nhật Bản nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn mà vợ chồng Nhàn và Anh thường “nổ” tuyển dụng lao động ở Nhật Bản sẽ được hưởng mức lương cao từ 950 yên đến 1.400 yên/giờ x 8 giờ/ngày (tương đương từ 1,6 đến 2,3 triệu đồng/ngày), chưa kể thời gian làm thêm ngoài giờ… Mỗi trường hợp làm hồ sơ phải nộp cho vợ chồng Nhàn 13 nghìn USD (tương đương 300 triệu đồng). Chỉ tính từ năm 2017 đến khi bị bắt, cặp đôi này đã lừa 13 trường hợp.

Người lao động cần “chọn mặt gửi vàng” khi có ý định xuất khẩu lao động.

Hay như mới đây nhất, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Kim Liên (trú ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tin tưởng Liên, hơn 10 tỉ đồng của người dân đã bốc hơi theo giấc mộng. Từ cuối năm 2015 đến nay, Liên giới thiệu có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động, sau đó thu hồ sơ nhiều người đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Hà Nội, Vũng Tàu...

Để tạo niềm tin, Liên gửi hình ảnh visa đứng tên khách hàng qua mạng xã hội, thông báo visa đã được cấp, chuẩn bị bay và đề nghị nộp tiền. Tin lời, nhiều người nộp hơn 10 tỷ đồng cho Liên. Vụ việc trên tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với người dân ở các vùng nông thôn khi nhẹ dạ cả tin vào các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động.

Cách kiểm tra các “công ty ma”

Tình trạng nở rộ các công ty, đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động, tư vấn du học chưa được cấp phép đang làm cho người lao động mất phương hướng vì thật, giả, đúng, sai lẫn lộn. Nhiều lao động đã phải trả giá khi mất những khoản tiền lớn nhưng vẫn không thể thực hiện được ước mơ, dự định. Trước tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) đã phải liên tục phát ra các cảnh báo, đặc biệt là lừa đảo xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lợi dụng chương trình này đã có một số tổ chức, cá nhân mạo danh Trung tâm lao động ngoài nước hoặc thông tin là có quan hệ với Trung tâm Lao động ngoài nước để làm trung gian, môi giới, thu những khoản tiền trái quy định. Nhiều người lao động do không tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình bị lừa, nộp tiền cho những đối tượng này.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, không chỉ các chương trình như IM Japan mà tất cả các hợp đồng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc đều phải được thực hiện qua các đơn vị được cấp phép. Người lao động cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tránh các hệ lụy. Người lao động có thể “chọn mặt gửi vàng” bằng cách kiểm tra thông tin tại các Sở LĐ-TBXH sở tại hoặc một biện pháp đơn giản là kiểm tra ngay trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

“Bất kỳ công ty nào hoạt động đều phải dựa trên sự kiểm soát và quản lý của nhà nước nên chỉ cần ngồi ở nhà là bạn có thể biết được công ty đó có uy tín hay không. Để kiểm tra xem công ty xuất khẩu lao động đó có được cấp phép không, người lao động truy cập website:dolab.gov.vn, chọn mục doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Danh sách các đơn vị nào được phép đưa người đi, đơn vi đã nộp lại, bị thu hồi giấy phép (các công ty không được phép đưa người đi) đều được thể hiện rất rõ.

Theo bà Hà đây có lẽ là bước quan trọng nên làm đầu tiên nếu người lao động đang có ý định đi xuất khẩu lao động. Tiếp đó, người lao động cần tìm hiểu, các công ty đó có đối tác nước ngoài trực tiếp hay không, đó là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp đó chắc chắn đưa người lao động đi sang nước ngoài làm việc và có một công việc ổn định. Bên cạnh đó, người lao động cần kiểm tra sự rõ ràng trong chi phí xuất khẩu lao động.

“Với thị trường khó tính như Nhật Bản quyền quyết định nằm trong tay các chủ xí nghiệp và nghiệp đoàn Nhật Bản, các trung tâm Việt Nam nhiều khi còn phải đáp ứng theo các yêu cầu của họ. Vì vậy những công ty nói "bao đỗ, bao đậu" cho người lao động là hoàn toàn bịa đặt! Vậy nên, hãy nói không với các khoản tiền mơ hồ. Các khoản chi phí phải được kê rõ ràng ngay từ đầu. Các công ty uy tín sẽ không thu phí khi chưa trúng tuyển”, bà Hà tư vấn.

Phan Hoạt
.
.
.