Nhà máy xả khói, lúa chết, người dân ngộp thở

Thứ Bảy, 15/04/2017, 07:16
Những ruộng lúa lá xanh tốt bỗng cháy vàng, héo khô rũ xuống. Hiện tượng này được người dân phản ánh là do ảnh hưởng từ khói bụi từ nhà máy luyện Antimon Lâm Bình đặt tại thôn Nà Xé, xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.


Bà La Thị Đường, người dân thôn Nà Xé cho biết: “Từ lúc công ty làm quặng hoạt động thì cuộc sống người dân chúng tôi bị ảnh hưởng. Khói từ nhà máy có mùi khét làm tôi thấy tức ngực, hoa mắt và buồn nôn. Trong thôn nhiều trẻ con nên những lúc như vậy phải đưa đi tránh chỗ khác”.

Đi ngược lên con dốc là điểm trường mầm non Nà Xé của xã Bình An. Địa điểm này theo như lời của người dân là nơi đón hướng gió thổi từ phía nhà máy tới. Cô giáo La Thị Ghển, giáo viên của trường cho biết tại đây có 20 học sinh; đã có nhiều ngày khi lớp đang học thì phải dừng vì khói của nhà máy luyện quặng thổi tới rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả cô và trò. Có giáo viên đã phải ngắt quãng quá trình dạy học vì sức khỏe bị ảnh hưởng.

Lúa bị cháy khô, ngả vàng, nám dày đặc.

Anh Bàn Phúc Sinh, người dân của thôn chỉ về thửa ruộng nhà mình: “Mấy năm trước không có công ty này thì lúa không sao cả. Từ năm ngoái đến năm nay, nhiều lần lúa chết vì ô nhiễm. Như hôm qua, có một đợt khói nặng cả nhà không ngủ được mà cứ ho suốt. Về chiều là lá lúa bị lấm tấm những nốt chấm; sang hôm nay là vàng hết như thế này”.

Anh Trương Phúc Văn, Phó thôn Nà Xé, nói: “Khoảng 40% lúa của thôn bị chết, rải rác theo từng khu gây ra hiện tượng lúa cháy. Khi đã có hiện tượng cháy thì chỉ vài ngày sau là lúa chết, không có cách nào cứu được”. Anh Văn cũng thông tin thêm rằng tại địa phương có nhiều người đi làm công nhân tại công ty nhưng chỉ được thời gian ngắn là nghỉ vì sức khỏe giảm sút.

Sau khi nhận phản ánh của người dân hai thôn Bản Dạ và Nà Xé, phóng viên đã có cuộc gặp với ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Bình An. Ông Khâm cho biết: “Trên địa bàn xã Bình An có 8 thôn; trong đó thôn Bản Dạ và Nà Xé là hai nơi ghi nhận được phản ánh của người người dân là bị ảnh hưởng của khói bụi từ nhà máy luyện quặng Antimon. Xã đã có cử cán bộ xuống để hỏi thăm người dân và kiểm tra bước đầu. Sau khi xác nhận có hiện tượng lúa chết thì xã đã gửi công văn lên UBND huyện Lâm Bình để cử đơn vị chuyên môn xuống xác minh, tìm hiểu nguyên nhân. Về việc khí thải, xã sẽ tiếp tục theo dõi và đề xuất làm sao cho càng nhanh càng tốt để làm rõ vấn đề này”.

Ông Khâm xác nhận có 21 hộ có diện tích lúa bị vàng héo tại thôn Nà Xé và thôn Bản Dạ. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân do đâu thì cần phối hợp xác minh thêm từ những cơ quan chức năng.

Làm việc với đơn vị chủ quản của nhà máy luyện quặng Antimon Lâm Bình, ông Dương Quốc Hiển, Phó giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bảo Âu cho biết: “Đơn vị chưa nhận được khiếu nại của người dân tới công ty về vấn đề ô nhiễm môi trường hay làm ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên khi nhận được thông tin từ báo chí thì đã nắm được tình hình và sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để làm rõ”.

Tới trực tiếp nhà máy luyện Antimon tại thôn Nà Xé, ông Nguyễn Đức Tâm – quản đốc xưởng cung cấp thông tin: Nhà máy có diện tích trên 3 ha gồm: lò thiêu, lò chưng, lò luyện; công suất 800 tấn Antimon kim loại/năm. Hiện cho hoạt động 1 lò trên tổng số 3 lò đốt. Ngoài ra cũng đang đang hoàn thành nốt một vài phần của dây chuyền. Hoạt động của đơn vị bắt đầu từ tháng 12 năm 2015, đến nay chưa thể tăng hết công suất bởi đầu vào nguyên liệu không đủ. Nguyên liệu quặng Antimon nhập về từ nhiều nguồn, chất đốt là than.

Từ những thông tin phản ánh và thực tế, các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân vụ việc, tránh kéo dài bức xúc của người dân.

Lúa bị cháy khô, ngả vàng, nám dày đặc.
Trung Hiếu
.
.
.